Modi.jpg

Trước chuyến thăm 5 nước Trung Á - gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan - và Nga kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 6/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm này sẽ giúp Ấn Độ thắt chặt hơn nữa quan hệ những nước này cũng như các nước thành viên khác của khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Sau chuyến công du 5 nước Trung Á, ông Modi cũng sẽ tới Nga để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS và Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở Ufa. 

Cán cân quyền lực khu vực đã thay đổi và bối cảnh hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Modi cần thêm nhiều kỹ năng ngoại giao và thậm chí là những chính sách thực dụng hơn để chớp lấy các cơ hội địa chính trị mới trên con đường mà Ấn Độ đang đi, và cũng là để vượt qua những thách thức truyền thống cản trở tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực. Những thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc quyền lực khu vực Trung Á đem tới hàng loạt cơ hội và thách thức. Trật tự thế giới đơn cực, dấu mốc kết thúc Chiến tranh Lạnh, đã được thay thế bằng thực tế rằng sức mạnh của Mỹ ngày càng suy yếu. Sự thất bại của quân đội Mỹ tại Iraq và việc lực lượng vũ trang NATO rút khỏi Afghanistan càng củng cố thêm nhận định về sự tụt lùi của cường quốc này. Tất cả phản ánh một thực tế “thâm căn cố đế” về địa chính trị khu vực là phương Tây, ngay cả trong giai đoạn huy hoàng nhất của thời kỳ thực dân, cũng chưa bao giờ thực sự thao túng được bên trong châu Á.

Trong bối cảnh Nga nỗ lực tìm lại ưu thế mà họ từng có trong khu vực và Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng, sự năng động về mặt chiến lược đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu của khu vực. Các nước Trung Á trông đợi Ấn Độ đóng một vai trò ngày càng lớn và độc lập hơn trong khu vực. Rõ ràng, khái niệm “lớn hơn” và “độc lập” chính là chìa khóa để người ta hiểu rõ hơn những mục tiêu châu Á mà Thủ tướng Modi đang tìm cách thúc đẩy. Thủ tướng Modi cần đưa ra những mục tiêu và chính sách cụ thể mới so với cách tiếp cận của Chính phủ Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) tiền nhiệm để đáp ứng những đòi hỏi của Trung Á về việc đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác chiến lược.

Các quốc gia trong khu vực không kỳ vọng Ấn Độ có thể thay thế Mỹ hoặc thách thức người Nga và Trung Quốc, song họ không hề muốn New Delhi cam chịu đóng một vai trò thứ yếu. Điều mà các nước Trung Á muốn chứng kiến là một Ấn Độ mạnh mẽ hơn, với khả năng vận dụng tầm ảnh hưởng của mình để hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược. Việc thúc đẩy và củng cố quan hệ với Mỹ, Nga và Trung Quốc cho phép Thủ tướng Modi dung hòa những bất đồng giữa ba cường quốc này, và Mỹ mới đây còn công khai ủng hộ Ấn Độ đóng một vai trò rõ ràng hơn trong khu vực.

Quan hệ lạnh giá của Nga với Mỹ và châu Âu đang đẩy Moskva ngả dần về phía Bắc Kinh. Mặc dù hai quốc gia này chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược song trên thực tế Moskva không mấy thoải mái trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Bởi vậy, Moskva càng có lý do để ủng hộ một New Delhi năng động hơn tại Trung Á, điều thậm chí có thể sẽ dẫn tới một khu vực đa cực.

Mặc dù Bắc Kinh lo ngại về mối quan hệ gần gũi về mặt chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ song quốc gia này không hề phản đối các mối hợp tác khu vực với New Delhi. Tuy vẫn kích động Pakistan chống Ấn Độ, song Trung Quốc chắc chắn không muốn đẩy New Delhi vào một liên minh chống Trung Quốc mà Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, với những toan tính mới của mình, Bắc Kinh thậm chí còn ủng hộ việc cả Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên đầy đủ của SCO.

Mặc dù năng lực ngoại giao khéo léo có thể giúp Thủ tướng Modi biến bối cảnh hiện nay trở thành ưu thế cho New Delhi, song ông vẫn cần một chiến lược dài hạn để có thể vượt qua các lực cản đối với vai trò của Ấn Độ tại Trung Á. Một trong số các thách thức không nhỏ hiện nay là sự thiếu vắng các kết nối với khu vực. Thỏa thuận gần đây giữa Ấn Độ và Iran về phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và hành lang vận tải tại Trung Á là những bước tiến quan trọng đầu tiên. 

Trên thực tế, khó khăn về mặt địa lý chưa bao giờ cản trở Ấn Độ thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các chính sách thương mại và đầu tư của New Delhi, và khả năng của quốc gia này trong việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, đã phần nào hạn chế các hoạt động thương mại của họ trong môi trường khu vực.

Về lĩnh vực an ninh, điều mà khu vực trông đợi chính là việc Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác nhằm chống lại các mối đe dọa hiện hành như khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Sự trỗi dậy của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) trong khu vực và sự bất ổn chưa có hồi kết của Afghanistan càng khiến các yêu cầu này trở nên cấp thiết. Thủ tướng Modi cần chấm dứt thái độ do dự cố hữu của Ấn Độ để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao quân sự trong khu vực. Để vượt qua những nhược điểm này, Ấn Độ cần có thời gian, song rõ ràng Thủ tướng Modi đang hội đủ “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” để tạo ra một khởi đầu mới tại Trung Á.

Theo The Indian Express

Thùy Anh (gt)