Thời gian gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra một số va chạm trên Biển Đông, những người bi quan về quan hệ Trung-Việt cho rằng hai nước hầu như không còn cơ hội hợp tác giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, tác giả cho rằng mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương sẽ vẫn tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu.

Sau khi đi khảo sát tại cửa khẩu Hà Khẩu giáp với tỉnh Lào Cai của Việt Nam, tác giả cho rằng hoạt động mậu dịch biên giới giữa hai nước vẫn rất nhộn nhịp, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tác giả khẳng định, mặc dù hai nước trải qua nhiều trắc trở kể từ khi nước Trung Hoa mới được thành lập, nhưng sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, quan hệ hai nước, hai đảng luôn duy trì hợp tác mật thiết, các chuyến viếng thăm cấp cao lẫn nhau diễn ra đều đặn, hợp tác toàn diện giữa hai nước trong cơ chế hợp tác Trung Quốc-ASEAN cũng được triển khai hết sức hiệu quả. 

Trên thực tế, vấn đề Biển Đông luôn tồn tại, nhưng vẫn không cản trở quan hệ Trung-Việt phát triển nhanh chóng. Được coi là vấn đề do lịch sử để lại giữa hai nước, cho nên một vài năm trở lại đây vấn đề này diễn biến ngày càng nổi cộm, chủ yếu là do tổng hợp của các nhân tố bên trong và bên ngoài khu vực gây ra.

Thứ nhất, thương mại Trung-Việt tăng trưởng nhanh chóng nhưng luôn đi đôi với tình trạng Việt Nam nhập siêu. Với định hướng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, rõ ràng Việt Nam cảm thấy bị thua thiệt trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc, điều này ở một chừng mực nhất định đã và đang ảnh hưởng tới nhận thức của dân chúng Việt Nam đối với Trung Quốc, phản ánh tâm lý tương đối cực đoan của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông vừa qua.

Thứ hai, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc tăng lên cũng khiến Việt Nam có thái độ tương đối tiêu cực về chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác vì sức mạnh của Trung Quốc có thể là một bất lợi cho Việt Nam trong tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Đương nhiên, thế lực bên ngoài khu vực, nhất là sự can thiệp của Mỹ cũng là nguyên nhân khiến tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp.

Hiện tại, sự quan tâm của Việt Nam đối với Biển Đông vẫn chủ yếu là phương diện lợi ích kinh tế, vì ngành chế tạo phát triển quy mô lớn của Việt Nam phải tiêu hao rất nhiều năng lượng, trong bối cảnh tình hình giá dầu quốc tế khó lường, nguồn tài nguyên dầu khí phong phú tại Biển Đông có sức hấp dẫn to lớn. Nhưng vì lý do đó áp dụng hành động đơn phương cứng rắn, phá hoại quan hệ đối tác kinh tế quan trọng với Trung Quốc, có thể mất nhiều hơn được. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chủ yếu mà Việt Nam cử Đặc phái viên thăm Trung Quốc vừa qua.

Đối với quan hệ song phương Trung-Việt, làm thế nào để áp dụng các biện pháp hiệu quả gác tranh chấp, đồng thời trên cơ sở đó thực hiện cùng khai thác, cùng thắng là một mệnh đề hết sức cấp bách hiện nay. Cuối cùng, cho dù đối với Trung Quốc hay với Việt Nam, duy trì phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân đều là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới. Đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền, như Đặng Tiểu Bình đã nói, có thể để cho thế hệ sau giải quyết.

  Theo Quân sự toàn cầu (Trung Quốc)

 

Nhật Linh (gt)