Do lịch sử cũng như thực tế, chiến lược “kinh tế dựa vào Trung Quốc, an ninh dựa vào Mỹ” của ASEAN sẽ tiếp tục duy trì ít nhất trong khoảng 20 năm nữa. Trước khi khẳng định không cần ô bảo đảm an ninh của Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á sẽ vẫn áp dụng chiến lược cân bằng giữa các nước lớn. Các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông là một xu thế hiện thực. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần vận dụng một cách tổng hợp sức mạnh cứng và mềm, mục tiêu cuối cùng là tạo dựng vị trí chủ đạo của mình trong khung hợp tác đa phương về vấn đề Biển Đông. Căn cứ vào nhận định trên, sách lược mà Trung Quốc có thể áp dụng tới đây là: Chuyển hướng từ “kiên quyết đàm phán song phương” sang “đồng thời thực hiện đàm phán song phương và đa phương”. Có thể nói, Trung Quốc cần tiếp tục kiên trì "gác tranh chấp" nhưng nên chuyển từ “bị động đối phó” thành “chủ động tham gia”. Tùy từng chủ đề đàm phán và vùng biển tranh chấp, Trung Quốc cố kiên trì lập trường đàm phán song phương hoặc thử nghiệm xây dựng cơ chế đàm phán đa phương theo định hướng cùng có lợi.

Cụ thể, vấn đề Biển Đông đang tồn tại tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Inđônêxia, Brunây và Đài Loan. Trung Quốc có thể tiến hành đàm phán về một số lĩnh vực, cố gắng đạt được một số hiệp định tương đối cụ thể, có sức ràng buộc và có tính khả thi. Một số chủ đề như khai thác năng lượng, an ninh hàng hải, tránh đụng độ hải quân, chống cướp biển, phân chia nguồn tài nguyên cá, bảo vệ môi trường, khảo sát, thăm dò… đều có thể trở thành chủ đề đàm phán song phương và đa phương. Khi đạt được hiệp định, các bên tranh chấp mới có thể bắt tay xác định chuẩn tắc hành vi tại Biển Đông. Hiện tại thời cơ hoàn toàn chưa chín muồi. Xoay quanh những chủ đề có thể đạt được hiệp định, một số nội dung thích hợp với tất cả các bên tranh chấp như phân chia nguồn tài nguyên cá, một số nội dung khác phù hợp với lợi ích của các bên liên quan như an ninh hàng hải và tránh đụng độ hải quân. Vấn đề khai thác năng lượng tương đối nhạy cảm, nếu đạt được hiệp định phân chia cùng có lợi cho các bên tham gia, điều này rõ ràng tốt hơn cho tình trạng hiện nay là “không bên nào có thể yên tâm khai thác tài nguyên”. Tuy nhiên, đàm phán nên được tiến hành giữa các nước có đòi hỏi quyền lợi tại Biển Đông. Những nước không đòi hỏi lợi ích tại vùng biển này có quyền bày tỏ lợi ích thiết thân hợp lý của mình nhưng không có quyền tham gia đàm phán trực tiếp. Những nước này có thể tham gia thông qua cơ chế phi chính thức (như Diễn đàn Hải dương ASEAN hiện nay…) để đưa ra báo cáo nghiên cứu và tư vấn, kiến nghị. 

Tác giả cho rằng, cách nói “vấn đề Biển Đông vẫn chưa đến thời điểm giải quyết” trong dư luận Trung Quốc đã thể hiện tâm lý do dự và mơ hồ, khiến Trung Quốc cuốn vào hoàn cảnh lúng túng, bị động và cô lập trong vấn đề Biển Đông. Điều này cũng không có lợi cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông.Trung Quốc đang trỗi dậy, cần từng bước xây dựng lòng tin, dũng cảm sử dụng các biện pháp đổi mới nhằm ứng phó với tình hình bên ngoài không ngừng thay đổi. Về vấn đề Biển Đông, ứng phó trong khung đàm phán đa phương là sự rèn luyện bản lĩnh không thể thiếu trong quá trình phát triển lớn mạnh của Trung Quốc. Chỉ có bằng cách triển khai thảo luận nhiều chủ đề, mới có thể làm cho tranh chấp giữa Trung Quốc cùng 5 nước ASEAN có đòi hỏi lợi ích tại Biển Đông từng bước được giải quyết.

 Theo “Thời báo Hoàn Cầu”

Lê Sơn