Ngày 2/9, trang tin “Cầu thị” (Trung Quốc) đăng bài viết của chuyên gia Ngô Sĩ Tồn, trong đó tác giả cho rằng gần đây một bộ phận báo chí nước ngoài nói rằng Trung Quốc “hùng hổ dọa người” tại Biển Đông, cáo buộc Trung Quốc áp dụng các hành động cứng rắn khiến tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng. Theo tác giả, những tin tức này hiển nhiên không phù hợp với chân tướng sự thật. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn không phải là “kẻ tạo phiền phức”, ngược lại, một số nước có liên quan tới tranh chấp Biển Đông trong những năm gần đây đã liên tiếp ra mặt, không ngừng khiêu khích và gây ra tranh chấp, một số nước lớn trong và ngoài khu vực nhân cơ hội đổ thêm dầu vào lửa, cổ xúy cho chủ trương đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, từ đó khiến cho tình hình tranh chấp Biển Đông leo thang.

Theo tác giả Ngô Sĩ Tồn, từ năm 2009 đến nay, vấn đề Biển Đông liên tiếp leo thang. Vấn đề này vừa bị ảnh hưởng bởi nhân tố an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, vừa bị tác động bởi vai trò của các lực lượng trong và ngoài khu vực Biển Đông. Đặc biệt là trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ chuyển sang phía Đông, về khách quan đã dẫn đến việc tái cấu trúc cục diện địa duyên truyền thống khu vực Đông Nam Á từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay. Các nước có liên quan tới tranh chấp Biển Đông nhân cơ hội này tăng cường đòi hỏi chủ quyền, mong muốn dựa vào lực lượng bên ngoài để thúc đẩy đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, một số quốc gia trong và ngoài khu vực đã phối hợp chặt chẽ, "theo đuôi" Mỹ, tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông, khiến cho cạnh tranh địa chính trị Biển Đông trầm trọng hơn, vấn đề Biển Đông dần trở thành một trong những điểm nóng quốc tế.

Các nước đương sự liên quan liên tiếp có những động thái thúc đẩy vấn đề Biển Đông leo thang. Chuyên gia Ngô Sĩ Tồn dẫn chứng ngày 17/2/2009, Quốc hội Philíppin thông qua “Dự thảo Luật đường cơ sở lãnh hải”, đưa đảo Hoàng Nham (Scarborough) và một phần quần đảo Nam Sa (Trường Sa) vào phạm vi lãnh thổ quản lý của mình; tháng 4 và tháng 7/2009, Việt Nam lần lượt bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời thông qua các hoạt động như di dân, công khai tổ chức du lịch trên các đảo đang chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa để tăng cường chiếm đóng thực tế; tháng 3 và tháng 5/2011, Việt Nam và Philíppin lần lượt đơn phương tiến hành hoạt động thăm dò tài nguyên tại khu vực tranh chấp Trường Sa; ngày 10/4/2012, tàu chiến Philíppin ngang nhiên quấy nhiễu các tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Hoàng Nham, áp dụng các biện pháp phi pháp như bắt giữ tàu, thuyền viên, lên tàu kiểm tra nhằm tạo tranh chấp, gây ra “sự kiện đảo Hoàng Nham”; ngày 21/6, Quốc hội Việt Nam thông qua “Luật Biển Việt Nam”, đưa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào phạm vi quản lý “chủ quyền” của Việt Nam. Ông Ngô Sĩ Tồn cho rằng hành động kể trên của các nước đương sự liên quan đến tranh chấp không chỉ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Biển Đông, mà còn đi ngược lại nguyên tắc “Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và các cam kết liên quan của các nước ký “DOC” giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, trở thành nhân tố quan trọng khiến vấn đề Biển Đông leo thang.

Trong khi đó, các nước lớn trong và ngoài khu vực nhúng tay vào các công việc Biển Đông, làm vấn đề trở nên phức tạp hơn. Ngày 23/7/2010, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton nhấn mạnh việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông; ngày 19/11/2011, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 6 tổ chức tại Bali (Inđônêxia), Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất thông qua cơ chế đa phương giải quyết vấn đề Biển Đông. Từ năm 2012 đến nay, nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ trong nhiều diễn đàn khác nhau liên tiếp có những phát biểu liên quan vấn đề Biển Đông, ngang nhiên nhúng tay vào công việc Biển Đông; quân đội Mỹ tăng cường bố trí quân lực và sự tồn tại quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông.

Trong bối cảnh kể trên, một số quốc gia trong và ngoài khu vực hô ứng, "theo đuôi", thậm chí phối hợp chặt chẽ với định hướng chính sách của Mỹ, thông qua các phương thức như viện trợ kinh tế, hợp tác quân sự song phương, tham gia khai thác dầu khí tại khu vực tranh chấp để can dự vào vấn đề Biển Đông. Ví dụ, không lâu sau khi xảy ra “sự kiện đảo Hoàng Nham” giữa Trung Quốc và Philíppin, Mỹ lập tức tuyên bố giúp Philíppin xây mới một trung tâm giám sát bờ biển quốc gia; Nhật Bản cũng đề xuất cung cấp 10 tàu tuần tra cao tốc cho Philíppin, nhằm tăng cường sức mạnh trên biển của Philíppin. Dễ dàng nhận thấy các động thái kể trên của Mỹ, Nhật Bản đã khiến cho vấn đề Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp.

Lê Sơn (gt)