Loại tàu ngầm mà Nga bán cho VN được coi là một trong những loại tàu ngầm có tính năng tĩnh âm nhất. Nó được lắp 6 nòng phóng ngư lôi 533mm, vũ khí trang bị chính có ít nhất là 4 tên lửa, 18 quả ngư lôi và 24 quả thủy lôi.

Bình luận trên mạng “Tân Hoa xã” ngày 5/8, chuyên gia quân sự TQ cho rằng, khả năng của 6 tàu ngầm này là không thể coi thường, nếu vận hành đúng kỹ thuật, có thể gây phiền hà tương đối lớn cho đối thủ. Hải quân VN có thể bằng huấn luyện 1 - 2 năm, có thể sử dụng tàu ngầm hiện đại hóa cao này và có thể sử dụng được các loại vũ khí của nó, nhưng điều này không có nghĩa là có thể nhanh chóng thành thạo việc điều khiển tàu ngầm, cũng không có nghĩa là tàu ngầm đó có thể phát huy tác dụng khi giao chiến với đối thủ mạnh có năng lực tác chiến tương đối hoàn thiện.

Đối với hải quân chưa từng được trang bị tàu ngầm, để vận hành thành thục sẽ gặp phải nhiều vấn đề phức tạp. Đầu tiên là xây dựng hệ thống đồng bộ. Khi tàu ngầm tác chiến cần dựa vào hệ thống bên ngoài như: chỉ huy thông tin, tiếp tế trên mặt biển…; trong bảo trì hàng ngày cũng cần một hệ thống đồng bộ như trạm năng lượng, trạm cấp điện cấp khí, trạm nước sạch… mà hải quân VN trong những lĩnh vực này vẫn chưa có gì. Ngoài ra, bản đồ hàng hải dưới nước khi vận hành tàu ngầm cũng rất khó mua được bằng tiền, mà phải điều tra chính xác tỉ mỉ tình hình đáy biển ở vùng biển mà tàu ngầm hoạt động mới có thể đảm bảo tàu ngầm vận hành an toàn, phát huy đầy đủ sức chiến đầu của nó. Tuy nhiên, hiện nay VN cũng cơ bản không có khả năng này. Vì vậy, dùng 5 - 6 năm để xây dựng một biên đội tạu ngầm thì cũng có thể, nhưng hình thành sức chiến đầu toàn diện thì e rằng hơi ngắn.

Theo giới quan sát, VN muốn dự phòng mọi bất trắc có thể xảy đến trong trường hợp tranh chấp chủ quyền với TQ tại vùng Biển Đông biến thành xung đột vũ trang. Bình luận về việc này, chuyên gia quân sự Trương Bác (TQ) cho rằng, VN là nước có thực lực quân sự mạnh nhất ở khu vực ĐNÁ, mặc dù ông Phùng Quang Thanh nhấn mạnh biên đội tàu ngầm nói trên là nhằm phục vụ mục đích tự vệ, nhưng nguy cơ an ninh tiềm tàng lớn nhất của VN hiện nay là cọ sát với các nước trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Nhìn từ góc độ này, biên đội tàu ngầm của VN “mang ý nghĩa đề phòng TQ”. Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu ĐNÁ Ian Stanley thì cho biết cách đây 2 năm VN đã mua 02 chiếc tàu ngầm loại nhỏ từ BTT, hiện đều đang được sử dụng. Lần này VN mua tàu ngầm từ Nga, “chính là để tranh đoạt Biển Đông”. VN dù rơi vào khó khăn tài chính do lạm phát nghiêm trọng, nhưng chi tiêu quốc phòng thì chưa bao giờ giảm đi. Năm 2010, VN chi 1 tỷ USD để mua 12 máy bay chiến đấu SU-30MK2 từ Nga. Mới tuần trước, VN cũng đã nhận được chiếc máy bay tuần tra bờ biển mẫu C212 đầu tiên trong hợp đồng đặt mua 03 chiếc của công ty Airbus Military (Tây Ban Nha), để trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển VN.

Trong khi đó, hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 1/8 đưa tin, ngày 25/7, chiếc tàu chiến thứ hai loại Gepard mà VN đặt mua của Nga đã chính thức cập cảng Cam Ranh. Sự kiện này cho thấy là Hà Nội tiếp tục củng cố lực lượng hải quân của mình. Cũng theo nguồn tin trên, chiếc tàu chiến mới giao cho VN lần này đã được cải tiến hơn so với chiếc tàu cùng loại đã được bàn giao ngày 5/3. Cả hai chiếc tàu này đều được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu từ trên không cho đến trên và dưới mặt biển, có khả năng tác chiến độc lập hoặc phối hợp. Việc tiếp nhận chiếc tàu chiến Gepard thứ hai đã được chính quyền VN hoàn toàn giữ kín, như để tránh đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh quan hệ Hà Nội - Bắc Kinh đang căng thẳng, sau hàng loạt hành động hung hăng của TQ nhắm vào VN.

Trên tờ Manila Standard Today trên mạng ngày 17/7, nhà báo PLP Art Villasanta mới đây đã không ngần ngại cho rằng hai tàu khu trục Gepard thuộc loại hiện đại nhất trong khu vực ĐNÁ hiện nay, chỉ thua 6 tàu chiến tàng hình đa chức năng lớp Formidable của Singapore. Việc hải quân VN được trang bị thêm hai tàu khu trục này nằm trong tiến trình hiện đại hóa quân đội khởi sự từ nhiều năm qua, từ trước khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng do các hành động áp đặt chủ quyền của TQ. Theo nhà báo này, mặc dù các hệ thống vũ khí mua của Nga đã góp phần giúp quân đội VN thêm tự tin trong khả năng đối phó với TQ nếu tình hình Biển Đông xấu đi nhưng hiện tại, nếu tính về tương quan lực lượng, VN kém xa TQ. Hải quân TQ có 26 tàu khu trục, 50 thuyền hộ tống, 7 tầu ngầm tấn công, ba tàu ngầm hạt nhân, 80 tàu tuần duyên trang bị tên lửa, hơn 200 thuyền tấn công nhanh. Tuy nhiên, ông này nói rằng năng lực chống tàu ngầm của TQ chưa được chứng minh, và các hạm đội của TQ dễ trở thành con mồi cho các tàu ngầm Kilo của VN trong tương lai./.

Thanh Tân (gt)