Tại Hội nghị cấp cao An ninh châu Á "Đối thoại Shangri-La" vừa kết thúc hôm 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định quân đội nước này sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Theo Hãng truyền thông Quốc gia Ôxtrâylia (ABC) ngày 6/6, nhằm trấn an các quốc gia châu Á đang lo lắng trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Bộ trưởng Gates cho biết việc tăng cường sự hiện diện và đầu tư vũ khí tối tân của Oasinhtơn có tác dụng tích cực trong việc "đảm bảo an ninh, chủ quyền và tự do cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực" cũng như bảo vệ các con đường giao thông hàng hải. Ông Gates cũng nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai mặc dù hiện nay cường quốc này đang gặp phải một số khó khăn về ngân sách.

Trên thực tế, việc chia sẻ các căn cứ quân sự với hải quân Ôxtrâylia, đưa thêm chiến hạm cao tốc tới Xinh-ga-po, đưa ra kế hoạch chế tạo máy bay tàng hình, máy bay trinh sát không người lái, chiến hạm và các phương tiện chiến tranh không gian và tin học, đã phần nào cho thấy Mỹ tôn trọng lời hứa với các đồng minh ở châu Á.

Trả lời phỏng vấn Chương trình Liên kết châu Á của ABC xung quanh việc gia tăng vai trò của Mỹ ở châu Á, Tiến sĩ Sam Bateman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ôxtrâylia về An ninh và Tài nguyên Biển, Đại học Wollongong, nhận định tuyên bố của ông Gates đã phát đi một số thông điệp ngầm tới phía Trung Quốc về khả năng có thể xảy ra trận hải chiến có sự tham gia của không quân nếu như quân đội Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, những thông điệp đó chưa chắc đã được chính quyền Bắc Kinh nhìn nhận một cách thích đáng. Hiện nay, Trung Quốc cảm thấy như bị "đối xử tệ" và bị coi như một "kẻ hung hăng" khi ngày càng có nhiều hành động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Vì vậy, đối với chính quyền Bắc Kinh, những cam kết của Mỹ đã phần nào thể hiện cách giải quyết của Mỹ trước sự lo ngại về "mối đe dọa từ Trung Quốc".

Nhận xét về mong muốn của Mỹ trong việc mở rộng và thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Tiến sĩ Sam Bateman cho rằng phát biểu đó cũng như những phát biểu về vấn đề an ninh hàng hải nhận được rất nhiều sự ủng hộ vì cho đến nay đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông... Sự lên tiếng của Bộ trưởng Gates là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên cũng cần phải xem xét tính hai mặt của vấn đề.

Ấn Độ hiện rất lo lắng về việc hải quân Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương nhằm thực hiện chiến lược "chuỗi ngọc trai" đối với các các cảng biển trên thế giới. Theo nhà phân tích Sam Bateman, Mỹ rất lo ngại về vấn đề Ấn Độ Dương và ông Gates cũng dành phần cuối của bài phát biểu tại Xinhgapo để nói về vai trò của Mỹ trong khu vực này. Mỹ và Ấn Độ có mối quan hệ rất gần gũi, tuy nhiên, đây cũng là một điểm bất lợi đối với hai bên. Lý do là vì theo quan điểm của chính quyền Bắc Kinh, việc gia tăng quan hệ giữa các nước trong khu vực, ví dụ giữa Ấn Độ và Nhật Bản, đều nhằm mục đích thực hiện chiến lược tăng cường ngăn chặn Trung Quốc.

Việc một chiến hạm của Hàn Quốc được cho là bị Bắc Triều Tiên đánh chìm trước đây cũng từng là chủ đề rất "nóng" đối với thế giới. Theo Tiến sĩ Sam Bateman, vụ việc này chắc chắn được coi là một trong những lý do dẫn đến sự can thiệp của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề an ninh hàng hải. Ngoài ra, thêm vào đó là cả vấn đề eo biển Đài Loan nữa.

Tiến sĩ Sam Bateman cho biết một trong những vấn đề mà ông lo ngại hiện nay là mặc dù những cam kết của Mỹ đối với châu Á ngày 4/6 vừa qua cũng như trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội trước đây là những dấu hiệu tích cực, song những nỗ lực của Mỹ trong việc gia tăng vai trò trung gian ở Biển Đông có thể khiến cho mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở nên căng thẳng, không chỉ là trong các vấn đề tranh chấp ở Đông Bắc Á mà còn cả ở Đông Nam Á. Trên thực tế, từ trước đến nay, chưa từng có hai cường quốc nào can thiệp những tranh chấp ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc Mỹ đóng vai trò trung gian trong vấn đề Biển Đông cũng có thể không nhận được sự ủng hộ của một số nước ASEAN bởi họ cho rằng có khả năng Mỹ đang tìm cách can thiệp vào nội bộ các nước này.

  Theo Radioaustralia

 Hương Trà (gt)