Theo tác giả, trong các cuộc thảo luận liên quan tới vấn đề Biển Đông gần đây thường có sự hiểu lầm. Một số học giả phân tích về sách lược của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông thường bị báo giới hiểu nhầm thành chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông và bị cho là phái chủ chiến. Trên thực tế, trong tình hình quốc tế hiện nay, chúng ta khó có thể tưởng tượng rằng sẽ nổ ra một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn ở Biển Đông. Các động thái gần đây của Việt Nam và Philíppin thực tế chỉ là nhằm biến khu vực Biển Đông thành một điểm nóng quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc thực hiện chủ quyền ở Biển Đông. Mặc dù vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ không vì điều đó mà khơi lên một cuộc xung đột. Sự phát triển kinh tế Trung Quốc cần một môi trường quốc tế ổn định, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp chủ động trong vấn đề Biển Đông, song không hề hy vọng nổ ra chiến tranh. Hiện tại, Trung Quốc có thể áp dụng các bước sau ở Biển Đông:

Thứ nhất, có thể tiến hành thăm dò tài nguyên, tiến hành khảo sát đánh giá rộng khắp đối với nguồn tài nguyên ngư nghiệp và tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Tính đến nay, sự hiểu biết của Trung Quốc đối với tình hình địa chất khu vực Biển Đông là có hạn, các thông tin về trữ lượng lớn dầu khí ở khu vực Biển Đông thường là từ các báo của các nước phương Tây. Muốn có được lợi ích quốc tế tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc trước tiên cần phải tiến hành khảo sát địa chất rộng khắp.

Thứ hai, khi bước đầu đã nắm được các điều kiện địa chất, địa mạo khu vực Biển Đông, căn cứ vào các tham số có được từ công tác khảo sát, Trung Quốc tiến hành khai thác nguồn tài nguyên dầu khí của mình một cách độc lập hoặc mời đối tác nước ngoài vào cùng khai thác. Hiện nay, Trung Quốc đã có kỹ thuật và thiết bị khai thác dầu khí biển sâu, hoạt động khai thác của Trung Quốc có thể thu hút các nước xung quanh chủ động tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc. Nếu các nước xung quanh thực hiện các hành động mang tính phá hoại, Chính phủ Trung Quốc có thể căn cứ vào tình hình, trong thời khắc cần thiết có thể tiến hành cảnh cáo vũ trang, bảo đảm lợi ích khai thác dầu khí của Trung Quốc không bị xâm hại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần hết sức tránh xung đột quá mức khiến cái giá thăm dò và khai thác tăng lên quá cao.

Thứ ba, đối với các hành động bắt giữ tàu cá Trung Quốc của các nước, Chính phủ Trung Quốc sau này cần điều thêm nhiều tàu tiến hành tuần tra chấp pháp các ngư trường tác nghiệp ở Biển Đông, tạo điều kiện giúp ngư dân Trung Quốc khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên ngư nghiệp ở vùng biển này. Không chỉ như vậy, cơ quan ngư chính của Trung Quốc có thể căn cứ “Luật Ngư nghiệp” của Trung Quốc để tiến hành bảo vệ nguồn tài nguyên ngư nghiệp của Trung Quốc ở Biển Đông, ngăn chặn tình trạng cạn kiệt nguồn cá do khai thác quá mức.

Có thể nói rằng, trong vấn đề chủ quyền ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc không có đất để lùi, song trong phương diện khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên ở đây, Chính phủ Trung Quốc có thể áp dụng nhiều biện pháp. Trong tình hình bức thiết hiện nay, Trung Quốc cần thông qua thăm dò địa chất, hiểu biết toàn bộ về nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, xác định các lô có thể khai thác, khẩn trương tiến hành các hoạt động khai thác mang tính thương mại. Trên thực tế, từ thăm dò cho đến khai thác mang tính thương mại vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trung Quốc hoàn toàn có thể lựa chọn một số lô được luật quốc tế bảo vệ để tiến hành thăm dò và sau đó khai thác quy mô lớn.

Theo tác giả, Việt Nam hay Philíppin đều thiếu kỹ thuật và năng lực khai thác dầu khí biển sâu quy mô lớn, nên hai nước này đã tìm kiếm sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, một mặt hy vọng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, mặt khác hy vọng có thể mượn được kỹ thuật khai thác của các nước phát triển. Khi xử lý vấn đề khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên Biển Đông, Trung Quốc một mặt cần kiên trì nguyên tắc chủ quyền thuộc về ta, mặt khác cũng cần áp dụng chính sách khoan dung đối với hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở sát lãnh hải Trung Quốc. Việc làm này cũng là để thể hiện nguyên tắc “cùng khai thác”.

Theo Đại Công Báo

Vũ Hiền (gt)