- Nhật báo Trung Quốc ngày 28/6 có bài xã luận về “Những nỗ lực hòa bình song phương”:

Nhằm tránh căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng giải pháp hòa bình.

Trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25/6 tại Bắc Kinh, Đặc phái viên Việt Nam, Thứ trưởng BNG Hồ Xuân Sơn đã tái khẳng định cam kết của hai nước về giải quyết tranh chấp thông qua “đối thoại và tham vấn hòa bình, hữu nghị”, thực hiện đồng thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và thực hiện những biện pháp hiệu quả để cùng nhau bảo đảm hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Đàm phán với Việt Nam cũng phù hợp với quan điểm lâu nay của Trung Quốc, theo đó tranh chấp lãnh thổ với các nước khác cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương và bằng biện pháp hòa bình thay vì đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.

Mặc dù không phải là nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nhưng Mỹ liên tục tuyên bố về khu vực này và cho biết họ sẽ tuân thủ các hiệp ước với các liên minh của Mỹ tại châu Á. Điều này dẫn tới việc ngày càng tăng ảo tưởng rằng Mỹ sẽ đứng về phía các nước này chống Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải.

Khi ký DOC năm 2002, Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy việc thực hiện DOC và tuyên bố rõ rằng Trung Quốc không hoan nghênh bất cứ sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài và tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông sẽ chỉ được giải quyết trên cơ sở đàm phán song phương với các bên có tranh chấp chủ quyền.

Trong thập kỷ qua, kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam đã ngày càng phát triển và phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng thương mại song phương vượt mức 25 tỷ USD. Do đó, bất cứ sự bất hòa nào giữa Trung Quốc và Việt Nam đều tổn hại đến môi trường hòa bình bên ngoài mà cả hai nước đều rất cần để phát triển kinh tế. Một mối quan hệ ổn định và tốt đẹp giữa Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích cơ bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước. Cuộc gặp gỡ giữa Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Đặc phái Viên Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã đánh dấu bước tích cực trong giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực và hành động để giảm căng thẳng.

- Đáng chú ý Mục Bình luận thời sự của CCTV4 (Đài THTW Trung Quốc) đêm 27/6 đưa ra ý kiến:

Mới đây, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã cử Đặc phái viên, Thứ trưởng BNG Hồ Xuân Sơn tới Bắc Kinh. Liên quan tới sự kiện này, có ý kiến bình luận cho rằng Việt Nam đang theo đuổi chính sách kết hợp quân sự - ngoại giao, một mặt thực hiện động tác quân sự như tập trận, mua sắm vũ khí … mặt khác lại cử Đặc phái viên bày tỏ mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.

Khách mời Trương Thiệu Trung, Thiếu tướng Hải quân, giáo sư của Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng đúng như vậy. Việt Nam thực hiện chính sách “vừa cứng vừa mềm” rồi “hai tay cùng cứng”. Tuy nhiên, tôi hết sức tán đồng việc Việt Nam cử Đặc phái viên là Thứ trưởng Ngoại giao tới Trung Quốc, động tác này là rất tốt. Khi có vấn đề xảy ra, chúng ta cần cùng nhau ngồi lại nói chuyện, trên tinh thần cầu đồng tồn dị, tìm kiếm hợp tác. Mới đây, hải quân Việt Nam và Trung Quốc tiến hành tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ cũng là một sự kiện rất tốt, hơn nữa sau đó còn đến thăm Cảng Trạm Giang của Trung Quốc.

Thực ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc và Việt Nam đã giải quyết được khá nhiều vấn đề bất đồng giữa hai nước đặc biệt là đã xử lý thỏa đáng biến giới trên bộ với chiều dài gần 1400 km, phân giới cắm mốc xây dựng đường biên giới rõ ràng; thực hiện phân định Vịnh Bắc Bộ, thành lập vùng đánh cá chung đồng thời xây dựng cơ chế tuần tra trên biển.

Tuy nhiên, ông Trương Triệu Trung cũng nhấn mạnh chủ quyền là vấn đề không thể nhường, cần được tôn trọng và không thể đàm phán.

NCBĐ tổng hợp