16-chot-74b9f.jpg

Các động thái của Washington nhằm kiềm chế Triều Tiên và buộc Trung Quốc phải hợp tác sẽ chi phối các cuộc thảo luận tại Seoul và Tokyo, mặc dù những căng thẳng xung quanh các chính sách mậu dịch của chính quyền Trump sẽ vẫn nổi rõ trong cả hai chặng dừng chân này. Trong khi đó, Indonesia và Úc sẽ vẫn thận trọng trước việc tham gia những sáng kiến của Mỹ, vốn có nguy cơ chọc giận Trung Quốc, song cũng đón nhận nỗ lực của Mỹ nhằm đặt nền tảng cho hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn.

Trước hết là đối với vấn đề Triều Tiên, những lời đe dọa của chính quyền Trump rằng sẽ sử dụng vũ lực quân sự để trị Bình Nhưỡng và việc bố trí tàu sân bay ngay gần bán đảo Triều Tiên có lẽ là nhằm mục đích ngăn cản Bắc Kinh sử dụng quân bài Triều Tiên để ép Washington phải có sự nhượng bộ trong những vấn đề khác. Triển vọng Mỹ sẽ hiện diện quốc phòng lớn hơn nữa tại Nhật Bản và Hàn Quốc là điều cực kỳ đáng ngại đối với Bắc Kinh, bất luận điều gì xảy ra với Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, chuyến công du của ông Pence tới Seoul chủ yếu tạo cơ hội để tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Seoul, và rốt cuộc là củng cố sự ủng hộ chính trị trong nội bộ Hàn Quốc cho việc nhanh chóng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bất chấp sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc.

Trong chuyến công du Nhật Bản từ ngày 18-21/4, ông Pence tiếp tục nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của Mỹ là đáng tin cậy. Ông Pence sẽ dùng thời gian ở Nhật Bản để nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật như nền tảng cho sự ổn định của khu vực. Ngoài ra, có thể ông sẽ hối thúc Tokyo đóng vai trò tích cực và nổi bật hơn trong việc duy trì an ninh trên Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời thảo luận về tương lai hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật.

Những cuộc thảo luận của ông Pence về việc mở rộng vai trò an ninh và ngoại giao của Nhật Bản tại Đông Nam Á và Biển Đông sẽ mở đường cho nửa chặng cuối của chuyến công du. Điều đáng chú ý là ông Pence không tới thăm Thái Lan hay Philippines, hai đồng minh có ký hiệp ước với Mỹ tại Đông Nam Á song đều đang chuyển sang xích lại gần Trung Quốc. Ông Pence cũng không tới thăm Việt Nam hay Malaysia, hai nước đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và cũng là hai nước chính quyền Obama trước đây muốn củng cố quan hệ quốc phòng. Chưa rõ việc ông Pence quyết định tránh những chiến tuyến của cuộc tranh chấp Biển Đông phát đi tín hiệu gì (nếu có), mặc dù chính quyền Trump xem ra đang ngày càng dựa vào ảnh hưởng ngày càng tăng của Nhật Bản ở những nước này để thúc đẩy các mục tiêu của Mỹ tại khu vực.

Tại Jakarta, ông Pence sẽ hối thúc chính phủ đang chú trọng vào việc hướng nội đảm nhận vai trò tiềm tàng của họ, đó là làm đối trọng khu vực trước Trung Quốc, tạo tiếng nói thống nhất trong ASEAN, và kiểm soát chặt chẽ những nhân tố gây mất an ninh biển. Tại Úc, ông Pence sẽ tập trung xoa dịu những mối quan ngại của nước chủ nhà về cam kết của chính quyền Trump đối với việc duy trì cấu trúc an ninh và kinh tế do Mỹ cầm đầu tại Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, nước có sức mạnh quân sự, kinh tế, và ngoại giao đủ mạnh để công khai đối đầu với những lợi ích của Trung Quốc, Jakarta và Canberra phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung Quốc và là thị trường Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu thô. Indonesia và Úc muốn duy trì quan hệ thân thiết, ổn định với Bắc Kinh, do đó hai nước ít có khả năng cũng như không mặn mà với việc ủng hộ những nỗ lực do Mỹ cầm đầu nhằm kiềm chế hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhìn chung, chuyến công du của ông Pence tới châu Á không chắc mang lại những bước khai thông chính sách quan trọng. Thay vào đó, mục tiêu của chuyến đi này là nhằm tái khẳng định việc duy trì một cách căn bản sức mạnh của Mỹ tại Thái Bình Dương và phát đi tín hiệu rằng mặc dù dưới thời chính quyền Trump, Washington có thể có sự điều chỉnh trong việc vận dụng quyền lực, song như thế không có nghĩa sức mạnh và và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực bị suy giảm.

Theo “Stratfor

Hương Trà (gt)