Tình hình Biển Đông phát triển từ chỗ ban đầu chỉ là biến “Tuyên bố về cách ứng xử các bên tại Biển Đông” (DOC) thành văn kiện vô giá trị, tới chỗ các bên đơn phương khai thác Biển Đông, tiếp đó là sự kiện đối đầu giữa các tàu và phe quân đội lớn tiếng. Tất cả cho thấy chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Trung Quốc nhất quán 30 năm nay dường như không được màng đến trong phạm vi Biển Đông. Vậy mức độ ứng dụng của chủ trương “cùng khai thác” của Trung Quốc tại Biển Đông ra sao?

Tính hạn chế của “cùng khai thác”

“Cùng khai thác” thông thường chỉ các bên tranh chấp biển tạm thời gác tranh chấp biển liên quan, căn cứ vào những nguyên tắc thiết thực, có thái độ hợp tác, cùng nhau hoặc các bên tự khai thác kinh tế tại khu vực tranh chấp. Gác lại tranh chấp chủ quyền, né tránh tranh cãi chính trị, nỗ lực khai thác kinh tế, tìm kiếm hợp tác sơ khởi nhất hoặc chí ít là không gây trở ngại cho nhau vẫn là những đặc trưng rõ nét của chính sách “cùng khai thác”. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách căn bản, “cùng khai thác” không phải là phương thức giải quyết tranh chấp thực sự, chỉ là kế sách tạm thời, thỏa mãn nhu cầu hiện thực. Trên thế giới từng đạt được 25 hạng mục cùng khai thác, qua phân tích các hạng mục này có thể rút ra 4 kết luận sau:

Thứ nhất, cùng khai thác chỉ được sử dụng trong phạm vi song phương, chưa từng sử dụng trong phạm vi đa phương. Điều này cho thấy phạm vi sử dụng của chính sách “cùng khai thác” trên thực tế rất hạn chế. Cho dù về lý thuyết, việc đạt được thỏa thuận cùng khai thác ở phạm vi đa phương là có thể, nhưng trong thực tiễn, các nước không có nhiều hứng thú với nó, nên khó có thể đạt được thỏa thuận. Chính vì thế, từ trước tới nay, thỏa thuận “cùng khai thác” đã trở thành biện pháp song phương thuần túy.

Thứ hai, phàm là cùng khai thác đảo tranh chấp, nếu không quá độ bằng cơ chế giải quyết tranh chấp thực sự như thỏa thuận phân giới hoặc tài phán tư pháp, cùng khai thác cuối cùng sẽ khó tránh được việc rơi vào tình trạng không có kết quả. Bốn hồ sơ cùng khai thác đảo tranh chấp tới nay đều cho thấy xu thế đó, gồm: Hiệp định phân giới khu trung lập giữa Côoét và Arập Xêút năm 1965, Biên bản ghi nhớ giữa Iran và Sharjah (một thành viên thuộc Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất) năm 1971, Tuyên bố chung về việc tiến hành hợp tác bờ biển gần khu vực Tây Nam Đại Tây Dương giữa Anh và Áchentina năm 1995, Biên bản ghi nhớ về việc cùng khai thác tài nguyên đảo Mbaine giữa Ghinê Xích đạo và Gabông năm 2004.

Thứ ba, chính sách “cùng khai thác” có tính chất tạm thời và quá độ tương đối mạnh, thiếu sự bảo đảm hữu hiệu về mặt pháp luật. Cho dù cùng khai thác thể hiện ý nguyện hợp tác nhất định của nước đương sự và có thể tạm thời làm tranh chấp trở nên hòa hoãn, nhưng điều đó không có nghĩa là mức độ nhạy cảm của tranh chấp liên quan giảm xuống và giúp tăng khả năng giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, một số nước đương sự không hề có hứng thú đối với cách làm này và cho dù đã lựa chọn cách làm này, nước đương sự thường không yêu thích nó. Ngược lại, rất nhiều nước đương sự thích cách làm và hành vi có ảnh hưởng pháp luật, thể hiện sở hữu biển hơn như kiểm soát thực tế đối với đảo tranh chấp, tuyên bố chủ quyền biển…

Thứ tư, xem xét thực tiễn quốc tế hiện nay sẽ thấy hiệu quả của chính sách “cùng khai thác” không được như mong đợi. Hiện nay trên thế giới có khoảng 260 khu vực biên giới tồn tại tranh chấp hoặc đợi phân định, trong đó chỉ có 25 khu vực thực hiện cùng khai thác, nhưng trong số khu vực đã đạt được thỏa thuận cùng khai thác chỉ có khoảng 50% là được thực thi, còn lại hoặc là chưa thực thi, hay vô hiệu, hoặc là đã chấm dứt, hay được thay thế bằng hình thức khác và có thỏa thuận về cơ bản không thể thực thi.

Cùng khai thác không thích ứng với tranh chấp Biển Đông

Tại Biển Đông, Trung Quốc ra sức cổ súy cùng khai thác và việc này từng đạt được tiến triển nào đó: Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký “DOC”; năm 2004, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc ký hiệp định thăm dò chung với Công ty Dầu khí Philíppin; năm 2005, công ty dầu khí của Trung Quốc, Philíppin và Việt Nam ký kết “Hiệp định Công tác địa chất hải dương chung ba bên tại khu vực Biển Đông”. Trên thực tế, hiệp định giữa các công ty dầu khí chỉ là hợp đồng kinh tế có nhân tố bên ngoài, không thể nào so sánh được với hiệp định “cùng khai thác” giữa các nước. Bên cạnh đó, hành vi của các nước ASEAN sau khi ký DOC khác xa với những gì đã cam kết. Có thể nói, cùng khai thác tại Biển Đông chưa từng đạt được mức độ thực thi thực sự và cụ thể, tới nay gần như phá sản.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến cục diện trên chính là mức độ ứng dụng của chính sách cùng khai thác ở Biển Đông rất thấp.

Trước tiên, đương sự liên quan tới tranh chấp Biển Đông tương đối nhiều. Trong khi đó, như đã nói ở trên, tới nay trong thực tiễn quốc tế, thỏa thuận “cùng khai thác” chỉ được sử dụng trong phạm vi song phương. Vì vậy, mức độ khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận “cùng khai thác” mang tính đa phương ở Biển Đông là tương đối lớn. Cho dù đã đạt được thỏa thuận song phương thì cũng có thể bị bên đương sự liên quan khác phản đối, thậm chí là ngăn cản, khiến hiệu quả thực thi thỏa thuận song phương này bị giảm mạnh, cuối cùng có thể sẽ ảnh hưởng tới việc bàn thảo và đạt được thỏa thuận đa phương về phân định biên giới trên biển trong tương lai. Kế đó, các đảo liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông rất nhiều. Giống như những gì đã nói ở trên, phàm là cùng khai thác liên quan tới đảo tranh chấp nếu không quá độ bằng cơ chế giải quyết tranh chấp thực sự như thỏa thuận phân giới hoặc tài phán tư pháp, cùng khai thác cuối cùng sẽ khó tránh được việc rơi vào tình trạng không có kết quả. Cho nên, điều dễ thấy là số lượng đảo tranh chấp lớn sẽ gây trở ngại lớn tới việc đạt được và thực thi thỏa thuận “cùng khai thác”. Việc tồn tại một lượng lớn đảo tranh chấp không chỉ khiến các bên đương sự hoài nghi về việc đạt được thỏa thuận “cùng khai thác”, mà cho dù có thể đạt được thỏa thuận thì nó cũng ảnh hưởng rất lớn tới tính tích cực của các bên đương sự trong việc thực thi. Cuối cùng, tiêu điểm của tranh chấp Biển Đông ở một mức độ rất lớn không nằm ở vấn đề khai thác kinh tế mà nằm ở sự tranh giành chủ quyền đảo và địa vị chiến lược. Cùng khai thác về tổng thể mà nói không thể nào thỏa mãn nhu cầu chủ yếu của các bên tranh chấp và các nước đương sự sẽ không vì việc phân chia dầu mỏ mà từ bỏ tranh cãi. Chính vì các lý do trên, tác giả khuyến nghị Trung Quốc cần phải vận dụng tốt hơn chính sách “cùng khai thác”, cần xác định rõ mức độ ứng dụng của chính sách này đối với các khu vực biển tranh chấp khác nhau. Bên cạnh đó, Trung Quốc cần thừa nhận thực tế rằng cùng khai thác có mức độ ứng dụng thấp tại Biển Đông, định vị cùng khai thác chỉ là biện pháp hỗ trợ giải quyết tranh chấp Biển Đông chứ không phải là lựa chọn ưu tiên./.

Theo Báo Liên hợp Buổi sáng (ngày 17/4)

Lê Sơn (gt)