08902358558c39b12f059f9130a3e2bb.jpg

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, không được người ta biết đến nhiều với những phát biểu công khai thẳng thắn và rõ ràng. Họ là người đứng đầu một quốc gia độc đảng có quyền lực tập trung cao độ, và không bao giờ phải trải qua những cuộc họp báo gay cấn với những câu hỏi hóc búa, và cũng không bao giờ tham gia các cuộc tranh luận gay gắt trên truyền hình.

Tờ “Nhật báo Phố Wall” mới đây đã có một cuộc phỏng vấn nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trước khi ông bắt đầu chuyến công du Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ với những đặc trưng nêu trên, người ta khó có thể trông đợi những thông tin bất ngờ hay mới mẻ được tiết lộ trong cuộc phỏng vấn này.

Khi nhắc tới vấn đề gián điệp và đánh cắp thông tin trên mạng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phủ nhận ý kiến cho rằng chính quyền Bắc Kinh “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp Trung Quốc hay các âm mưu tiến hành các hoạt động này. Ông Tập nhanh chóng đưa ra các lập luận bảo vệ hoạt động của hệ thống giám sát an ninh mạng, đặc biệt là với các hãng truyền thông nước ngoài. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần tôn trọng triệt để quyền tự do ngôn luận của các công dân. Song cùng lúc, chúng ta cũng cần phải đảm bảo một không gian mạng lành mạnh để bảo vệ các quyền và lợi ích của tất cả mọi người”. Nhà lãnh đạo này nói thêm: “Tự do và trật tự cần phải được thiết lập song hành trong thế giới thực và thế giới ảo. Tự do là mục đích của trật tự, và trật tự sẽ đảm bảo tự do”.

Khái niệm “tự do” tại Mỹ và nhiều nền dân chủ khác rất phức tạp và luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Song hiếm khi, nếu không muốn nói là không bao giờ, khái niệm này đi cùng “trật tự”. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, “trật tự” là điều quan trọng nhất, là nhân tố cốt lõi chi phối mọi vấn đề. Điều này đã góp phần định hướng cuộc chiến chống tham nhũng diện rộng mà ông phát động trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nền tảng của các chính sách giám sát, kiểm duyệt tại quốc gia này.

Thay vì tiếp tục theo đuổi hệ tư tưởng theo đường lối Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Mác, giới lãnh đạo Trung Quốc đang không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng một hệ tư tưởng dân tộc kiểu mới, phảng phất các nguyên tắc Nho giáo, coi trọng sự phục tùng và tuân thủ chính quyền. Trong cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Để giải quyết những vấn đề trong nước, chúng ta chỉ có thể tự mình tìm ra con đường và cách để đi trên con đường ấy… Chúng ta cần tận dụng triệt để những kinh nghiệm đã có được trong suốt 5.000 năm lịch sử”.

Michael Schuman – một nhà báo đang làm việc tại Trung Quốc, và là tác giả cuốn sách mới xuất bản viết về vai trò của các tư tưởng Nho giáo trong xã hội châu Á hiện đại – đã chỉ ra những bằng chứng về điều mà ông cho là “sự ám ảnh” của Nho giáo trong các suy nghĩ của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Trong bài phát biểu tháng 11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn lại một trong những câu nói nổi tiếng của Khổng Tử: “Không nên bắt người khác làm thứ mà chính bản thân mình cũng không muốn làm”. Tới đầu năm nay, trong một cuộc họp của Đảng Cộng sản, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ca ngợi sự tích cực trong các nguyên tắc Nho giáo tôn trọng đạo đức, bằng cách trích dẫn một đoạn cuốn “Luận ngữ”, một trong các cuốn sách kinh điển của Nho giáo do Khổng Tử và các đệ tử soạn thảo.

Ông Schuman giải thích, chính quyền lý tưởng theo mô hình Nho giáo là một chính quyền được đứng đầu bởi một “vị vua uyên bác”, hiểu biết, độ lượng và liêm khiết để sự cai trị - lấy đạo đức làm đầu – của ông sẽ đem lại hòa bình và ổn định cho xã hội, đồng thời nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính người dân Trung Quốc. Tác giả Schuman kết luận: “Đây chính là điều đang được nhà lãnh đạo Trung Quốc áp dụng”. Bằng việc kết hợp mô hình quyền lực tập trung với những giá trị đạo đức cổ xưa của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình dường như đang tự xây dựng cho mình hình ảnh một người Cộng sản kiểu mới – một "vị vua" lý tưởng theo tư tưởng của Nho giáo – và một nhà lãnh đạo định hình kỷ nguyên mới của quyền lực và thịnh vượng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những điều nằm trong toan tính và hy vọng. Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình diễn ra vài tuần sau cơn chấn động kinh tế và bất ổn ở trong nước, với hàng loạt phản ứng có phần vụng về và hoảng sợ của chính quyền. Điều này càng tạo bối cảnh đáng chú ý cho mối quan hệ ngoại giao song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, hai xã hội đang cùng chứng kiến làn sóng dân tộc chủ nghĩa ngày một dâng cao.

Trong cuộc phỏng vấn với “Nhật báo phố Wall”, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã gạt bỏ ý tưởng về các giá trị toàn cầu, thay vào đó nhấn mạnh đặc trưng cơ bản cả về văn hóa và chính trị của Trung Quốc. Hành động này mang theo một thông điệp rất cụ thể: Hãy chấm dứt việc rao giảng về các giá trị nhân đạo và dân chủ đối với Trung Quốc. Nhấn mạnh với “Nhật báo phố Wall”, ông Tập Cận Bình dẫn lời nhà triết học Mạnh Tử rằng “Mọi vật khác nhau chỉ là lẽ đương nhiên.”

Theo “Washingtonpost

Quang Lê (gt)