Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm giữ chức vụ năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) lúc đó thiếu nhân tố lãnh đạo chính trị. Người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào đã mất quyền kiểm soát trước khi Đại hội Đảng 18 được tổ chức. Chỉ hai năm sau đó, Tập Cận Bình đã chứng tỏ năng lực của mình qua việc củng cố quyền lực và đưa ra tầm nhìn tương lai cho Trung Quốc. 

Trước khi Tập Cận Bình được bổ nhiệm, tình hình bất ổn chính trị nội bộ đã cản trở cải cách kinh tế. Vị thế độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) thay vì yếu đi lại ngày càng được củng cố và mạnh lên. Sự thông đồng giữa các quan chức chính phủ và các doanh nghiệp đã trở nên hữu hiệu, củng cố các nhóm lợi ích đặc biệt và đẩy nhanh tình trạng tham nhũng. Những vấn đề này cùng với giá bất động sản tăng cao, đã tạo ra một sự suy giảm ghê gớm lòng tin của người dân đối với chính phủ trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2012.

Để giải quyết tình trạng này, Tập Cận Bình phải mất một năm để giành lại uy tín cho CCP và củng cố quyền lực trên tất cả các lĩnh vực. Với quyền lực được củng cố, ông đã phát động cải cách toàn diện ở tất cả lĩnh vực và thể chế chính phủ. Kế hoạch thúc đẩy cải cách của Ủy ban Trung ương Đảng cho thấy Trung Quốc sẽ đẩy mạnh “hiện đại hóa hệ thống quản lý và khả năng điều hành đất nước”. Năm 2014, CCP cũng quyết định phát triển luật theo Hiến pháp và xây dựng Trung Quốc theo pháp trị. Với cách lãnh đạo của mình, Tập Cận Bình đã giành được sự ủng hộ rộng rãi từ các giới và dần lấy lại uy tín cho Đảng.

Tập Cận Bình đã thành công như thế nào? Và mô hình quản lý mới của ông ra sao?

Tập Cận Bình xây dựng mô hình quản lý mới bằng cách khôi phục quyền lực chính trị. Ông thành lập các thể chế và cơ quan hành chính mới để mở rộng quyền lực và duy trì kiểm soát. Những thể chế này bao gồm: Nhóm chỉ đạo công cuộc cải cách toàn diện; Ủy ban An ninh Quốc gia (cơ quan mà cựu Tổng Bí thư CCP Giang Trạch Dân không thể thành lập); Nhóm chỉ đạo về thông tin an ninh mạng…Tập Cận Bình chịu trách nhiệm về tất cả các thể chế mới này. Điều này có nghĩa tất cả thể chế của Đảng, Quốc vụ viện và quân đội đều chịu trách nhiệm trước ông, và chỉ mình ông. Do đó, trên thực tế Tập Cận Bình hành động như Chủ tịch Đảng - giống như Mao Trạch Đông trước đây.

Tập Cận Bình cũng đã mở rộng phạm vi quyền lực của Đảng. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Quốc vụ viện kiểm soát các cơ quan chỉ đạo cải cách. Hiện nay, những cơ quan này nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Đảng. Trong khi Quốc vụ viện hoàn toàn tự quản lý dưới thời Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đã giành lại quyền kiểm soát chương trình cải cách thông qua các thể chế mới do ông thành lập. Gần đây nhất, ông đã gia tăng củng cố quyền lực của Đảng thông qua việc hình thành mới mô hình tập trung dân chủ. Tất cả cơ quan hàng đầu của Đảng như Quốc vụ viện, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Ủy ban Tham vấn Chính trị, Tòa án Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, đều trực tiếp báo cáo Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Trong khi những chi tiết về kế hoạch tái thiết quyền lực của Tập Cận Bình vẫn chưa được hé lộ, chiến dịch chống tham nhũng được xem là một biện pháp hữu hiệu. Với các quan chức tham nhũng bị đưa ra xét xử, chiến dịch chống tham nhũng này được ví như “máy quét dọn”, loại bỏ những trở ngại để tiến hành cải cách.

Năm 2014, Chu Vĩnh Khang - nguyên Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Từ Tài Hậu - nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Lệnh Kế Hoạch - trợ lý thân cận nhất của Hồ Cẩm Đào, tất cả đều "ngã ngựa". Hơn 200.000 quan chức chính phủ đã bị điều tra về tội tham nhũng. Quy mô và sức mạnh của chiến dịch chống tham nhũng cho thấy sự quyết tâm của Tập Cận Bình bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng.

Quyền lực được củng cố sẽ giúp công cuộc cải cách hồi sinh. Trong khi Tập Cận Bình tập trung chống tham nhũng, đập tan các nhóm lợi ích, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tập trung thúc đẩy kinh tế, nhấn mạnh vai trò quyết định của thị trường trong việc phân phối nguồn tài nguyên. Chính phủ trung ương cũng theo đuổi những chương trình mới để kích thích thị trường. Quốc vụ viện đã thiết lập các khu vực mậu dịch tự do ở Thượng Hải, Thiên Tân và Quảng Đông. Ngoài ra còn có kế hoạch thiết lập khu vực mậu dịch tự do ở 18 tỉnh thành khác trên khắp Trung Quốc.

Cải cách định hướng thị trường đã đạt được những kết quả khả quan. Số doanh nghiệp tư nhân mới thành lập đã tăng hơn 30% trong năm 2014. Trong khi tăng trưởng GDP giảm xuống còn 7,4% (mức thấp nhất trong 24 năm qua), tỷ lệ việc làm lại tăng. Trung Quốc đã xem xét lại toàn bộ hệ thống tiền lương hưu, thống nhất ngành tư và công. Trước đó, nhân viên ở lĩnh vực công không trả phí bảo hiểm nhưng vẫn nhận lương hưu cao hơn nhân viên ở lĩnh vực tư có trả phí bảo hiểm. Hệ thống đăng ký hộ gia đình ở các thành phố vừa và nhỏ đã được bãi bỏ để giảm thiểu những khác biệt về an sinh xã hội giữa các khu vực đô thị và nông thôn. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, CCP cũng đã giảm bớt tiền lương của các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy chia sẻ các nguồn đào tạo.

Năm 2014, CCP lần đầu tiên nêu vấn đề “pháp trị” như chủ đề hàng đầu của phiên họp toàn thể của CCP. Đây là một quyết định khó khăn bởi vì pháp trị thường gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho CCP: Trong khi pháp trị cản trở quyền lực của Đảng, “quyền vô kỷ luật” sẽ tự làm tổn thương đến Đảng. Đảng cuối cùng quyết định thông qua chiến lược cai trị bằng Hiến pháp hay còn được biết đến là “Chủ nghĩa hợp hiến”.

Cải cách tư pháp cũng có dấu hiệu hy vọng. Để hạn chế ảnh hưởng của chính quyền địa phương lên tòa án, CCP đã giao quản lý tiền lương của nhân viên tư pháp cho chính quyền địa phương. Việc Tòa án Tối cao quyết định thành lập các tòa án phúc phẩm sẽ giúp giảm phụ thuộc lẫn nhau giữa chính quyền và tòa án địa phương.

Đến năm 2020, hai năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tập Cận Bình sẽ hoàn thành hơn 360 chương trình cải cách ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đặt nền móng hiến pháp cho sự nắm quyền của CCP trong 30 năm tiếp theo. Thành quả to lớn này cho thấy ông Tập Cận Bình là một nhà cải cách có tầm nhìn xa trông rộng, chứ không đơn thuần chỉ là nhà chính trị thỏa mãn với vị trí hiện tại.

Theo East Asia Forum

Trần Quang (gt)