Phát biểu tại một hội nghị an ninh diễn ra ở Thượng Hải hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vấn đề của châu Á nên do người châu Á giải quyết. Đến tháng 9, Trung Quốc đã mời các bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản tham dự Diễn đàn Xiangshan (XF) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Trong hội nghị XF gần nhất diễn ra vào tháng 11/2012, chỉ có những chuyên gia quốc phòng tham dự, và giờ đây giới chức quốc phòng Trung Quốc có kế hoạch biến sự kiện này trở thành một diễn đàn an ninh và quốc phòng cấp cao. Về bản chất, XF sẽ là đối trọng của Diễn đàn Shangri-La, hội nghị thường niên các bộ trưởng quốc phòng diễn ra ở Singapore. 

Không chỉ trong vấn đề an ninh, Bắc Kinh hiện thảo luận với hơn 10 nước châu Á khác nhằm thành lập một ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á có số vốn 50 tỷ USD và phần lớn do Trung Quốc cung cấp. Ngân hàng này được xem là một đối trọng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Mỹ và Nhật Bản thao túng. Toàn bộ những nỗ lực này nhằm củng cố cho cái Trung Quốc gọi là “ý niệm an ninh châu Á”. Tuy nhiên, theo ông Choong, thực chất đó là chủ nghĩa khu vực mang đặc tính Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc là không cố giành vai trò quan trọng trong các tổ chức đa phương thành danh như Diễn đàn Shangri-La, Hội nghị Cấp cao Đông Á hay ADB, mà thay vào đó thiết lập những tổ chức mới để Trung Quốc từ đó có một vai trò chủ đạo.

Chủ nghĩa khu vực mang đặc tính Trung Quốc liên quan đến cách thức đối chọi với cái mà Trung Quốc cho là “tâm lí Chiến tranh Lạnh” trong khu vực, một tư duy mà Bắc Kinh cáo buộc đã dẫn đến mạng lưới các liên minh quân sự “riêng” của Mỹ vây quanh Trung Quốc Đại lục. Trên thực tế, XF hay các diễn đàn khác của Trung Quốc thiếu tính toàn diện như của Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) - những tổ chức có sự tham gia của ASEAN, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo dựng một không gian địa chính trị ngày càng trở nên phức tạp hơn. Có thông tin cho rằng Trung Quốc không hoàn toàn được ủng hộ ở Diễn đàn Shangri-La khi các phái đoàn khác đưa ra những câu hỏi khiêu khích nhằm vào quan chức của Bắc Kinh. Phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La tháng 6 vừa qua, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Tướng Vương Quán Trung, đã công khai tố cáo Mỹ và Nhật Bản liên minh chống Bắc Kinh.

Tại hội thảo Đánh giá Chiến lược Toàn cầu diễn ra ở Oslo do IISS tổ chức hồi tháng trước, ông Eric Li - một nhà khoa học chính trị - đã khái quát chiến lược của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn giành lại vị thế vượt trội ở châu Á. Do đó, căng thẳng trong khu vực là đương nhiên.

Tuy nhiên, chiến lược này có phát huy hiệu quả lâu dài hay không thì còn chưa chắc. Dù sự quyết đoán của Trung Quốc chưa dẫn đến chiến tranh, song nó cũng chẳng dẫn đến hòa bình. Đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc, các nước châu Á nhỏ hơn đang có hành động tự cứu mình. Chẳng hạn, Việt Nam đã mua tàu ngầm Kilo của Nga và được cho là đang quan tâm đến việc mua máy bay săn ngầm P-3C Orion của Mỹ.

William Choong , chuyên gia nghiên cứu cấp cao về an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Bài viết được đăng trên The Straits Times.

Trần Quang (gt)