Lần đầu tiên trong 70 năm, người dân Mỹ đã lựa chọn một tổng thống coi thường các chính sách, ý tưởng và thể chế ở tâm điểm chính sách đối ngoại thời hậu chiến. Không ai biết chính sách đối ngoại của Chính quyền Donald Trump sẽ được định hình như thế nào, hay những ưu tiên của ông sẽ ra sao khi phải đối mặt với những diễn biến và khủng hoảng trong thời gian tới. Kể từ thời Franklin Roosevelt, chưa một chính quyền nào ở Mỹ lại tạo ra các cuộc tranh luận căn bản về chính sách đối ngoại như chính quyền hiện nay. 

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đại chiến lược của Mỹ được hình thành bởi hai trường phái tư tưởng lớn và cả hai đều tập trung vào việc đạt được một hệ thống quốc tế ổn định với Mỹ ở vị trí trung tâm. Những người theo trường phái Hamilton tin rằng Mỹ có nhiều lợi ích khi thay thế Vương quốc Anh nắm giữ vai trò "vãn hồi trật tự thế giới", trích lời của Edward House - cố vấn của Tổng thống Woodrow Wilson - trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Theo quan điểm này, cần phải đặt cấu trúc an ninh và tài chính vào trọng tâm phục hồi kinh tế toàn cầu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một chiến lược vừa giúp kiềm chế Liên Xô, vừa thúc đẩy các lợi ích của Mỹ. Khi Liên Xô sụp đổ, các tín đồ theo trường phái Hamilton quay sang nghi ngờ mục tiêu xây dựng trật tự tự do toàn cầu, do họ chủ yếu chỉ hiểu trên khía cạnh kinh tế. 

Trong khi đó, những người theo trường phái Wilson - dù cũng cho rằng tạo ra trật tự tự do toàn cầu là lợi ích quan trọng sống còn đối với Mỹ - nhưng họ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ các giá trị nhiều hơn là lợi ích kinh tế. Họ coi những chế độ tham nhũng và độc tài ở nước ngoài là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới xung đột và bạo lực. Họ muốn tìm kiếm hòa bình thông qua việc thúc đẩy quyền con người, quản trị dân chủ và pháp quyền. Trong thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh, một nhánh của trường phái này - những nhà thể chế tự do – tập trung mạnh vào việc thúc đẩy các thể chế quốc tế và hội nhập toàn cầu. Một nhánh khác - những nhà tân bảo thủ - lại cho rằng chương trình nghị sự tự do chỉ có thể được thúc đẩy tốt nhất thông qua nỗ lực đơn phương của Washington (hay sự tự nguyện hợp tác với các đối tác có cùng quan điểm). 

Những tranh cãi trong từng trường phái và giữa các trường phái với nhau diễn ra rất gay gắt, nhưng vẫn bám vào quan điểm chung là tạo dựng một trật tự chung toàn cầu. Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ gần đây, các nhà toàn cầu hóa bắt đầu dần giảm bớt săm soi đối với các quan điểm chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây đó bắt đầu xuất hiện những quan điểm thiên về chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn và toàn cầu hóa ít hơn, trong khi công chúng ngày càng tỏ ra thất vọng trước những phí tổn quá lớn của việc xây dựng trật tự toàn cầu và những giá trị đi ngược lại những gì mà chính sách đối ngoại bấy lâu vẫn rao giảng. Những người theo trường phái tư tưởng Jefferson và Jackson - từng thịnh hành trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng không được ủng hộ trong thời kỳ hoàng kim của trật tự tự do - đã quay lại phản công. 

Cụ thể, những tín đồ theo trường phái Jefferson, bao gồm cả những người theo cái gọi là chủ nghĩa hiện thực hiện nay, lập luận rằng thu hẹp vai trò toàn cầu của Mỹ sẽ làm giảm chi phí và rủi ro cho chính sách đối ngoại của nước này. Họ muốn xác định lợi ích của Mỹ ở phạm vi hẹp hơn và thúc đẩy các lợi ích này theo cách thức an toàn nhất, kinh tế nhất. Tất nhiên đề xuất này đã vấp phải phản ứng của nhóm người theo chủ nghĩa tự do vốn phản đối việc thu hẹp phạm vi lợi ích của Mỹ và đang tìm cách chiêu dụ các đồng minh cánh tả (những người phản đối chủ nghĩa can thiệp, muốn cắt giảm chi tiêu quân sự và ủng hộ tái cơ cấu nguồn lực của chính phủ). Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky và Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas nghĩ rằng họ đã đọc được tư tưởng của những người theo trường phái Jefferson trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Nhưng chính Donald Trump mới là người cảm nhận được điều mà các đối thủ chính trị của ông không thể làm được: đó là những lực lượng trỗi dậy thực sự trong nền chính trị Mỹ, không phải là chủ nghĩa Jefferson tối giản mà là xu hướng dân tộc chủ nghĩa dân túy Jackson. 

Nhận diện xu hướng chính trị mới 

Chủ nghĩa dân túy đặc trưng của Trump bắt nguồn từ tư tưởng và văn hóa của Andrew Jackson, vị Tổng thống dân túy đầu tiên của nước Mỹ. Đối với những người theo trường phái tư tưởng của Jackson – chính là nhóm người đã tạo nên cơ sở ủng hộ vững chắc cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử, nước Mỹ không phải là một thực thể chính trị được tạo ra và được xác định bởi một nhóm các nhà trí thức chỉ chăm chăm hướng tới việc hoàn thành một sứ mệnh phổ quát. Thay vào đó, đây là một nhà nước-dân tộc của người dân Mỹ và mọi hoạt động kinh tế chính phải diễn ra ở bên trong nước Mỹ. Những tín đồ theo trường phái tư tưởng Jackson (sau đây gọi tắt là tín đồ Jackson) không coi “chủ nghĩa biệt lập Mỹ” là trách nhiệm kêu gọi thế giới ủng hộ các ý tưởng của Mỹ hay nước Mỹ phải thay đổi thế giới, mà là cam kết của Mỹ đối với các giá trị bình đẳng và nhân phẩm của công dân Mỹ. Họ cho rằng sứ mệnh của Chính phủ Mỹ là phải bảo đảm an ninh và duy trì ổn định kinh tế cho người dân ở ngay trên đất Mỹ. Làm được điều đó mà không can thiệp vào tự do cá nhân mới là yếu tố làm khác biệt của nước Mỹ. 

Chủ nghĩa dân túy Jackson chỉ quan tâm đến chính sách đối ngoại trong từng thời kỳ, và cũng hiếm khi thực sự tham gia tiến trình chính trị chung. Tuy nhiên trong cuộc bầu cử vừa qua tại Mỹ, những thành viên trường phái này đã kết hợp lực lượng và hợp nhất các xu hướng vận động có cùng quan điểm chú trọng vào các vấn đề đối nội. Để lý giải về xu hướng gia tăng tư tưởng Jackson, nhiều nhà bình luận đã viện dẫn các yếu tố như tình trạng nợ lương, mất việc làm trong nhóm lao động tay nghề cao, người dân bị gạt ra khỏi đời sống chính trị hay tình trạng gia tăng tệ nạn nghiện hút… Đây đều là những vấn đề gắn chặt với cuộc sống ở những thành phố mục rữa đang có xu hướng lan rộng ra khắp cả nước. Thế nhưng đây cũng chỉ là một cách tiếp cận phiến diện (một chiều và không đầy đủ). Bản sắc và văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Mỹ và cuộc bầu cử năm 2016 không phải ngoại lệ. Những người dân Mỹ theo tư tưởng Jackson cảm thấy tù túng, các giá trị Mỹ bị tấn công và tương lai của Mỹ bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, ông Trump – dù chẳng hoàn thiện như nhiều người theo tư tưởng này tin tưởng – nhưng dường như lại là ứng cử viên duy nhất sẵn sàng chiến đấu cho sự sống còn của nước Mỹ. 

Đối với các tín đồ trường phái Jackson, một vài sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của họ và lôi kéo họ tham gia chính trị, nhưng thường không kéo dài. Họ sẽ thiên về phòng thủ khi bị kẻ thù tấn công. Động lực chính khiến họ quyết định tham gia các hoạt động chính trị trong nước là khi cảm thấy bị các phe phái khác cạnh tranh hay tấn công quyết liệt. Những tín đồ Jackson lo sợ chính phủ bị chi phối bởi những lực lượng xấu có ý đồ thay đổi bản chất đặc trưng của nước Mỹ. Họ không bị ám ảnh bởi nạn tham nhũng, coi đây là bản chất cố hữu trong chính trị, nhưng lại quan tâm đặc biệt đến những điều dối trá - khi các chính trị gia mưu đồ sử dụng quyền lực nhà nước để đàn áp dân chúng thay vì cố gắng bảo vệ họ. Các tín đồ Jackson nhận thấy xu hướng này đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây, thể hiện ở việc các tầng lớp quyền lực trong giới cầm quyền Mỹ, bao gồm cả các cơ sở chính trị của hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã móc ngoặc với nhau để chống lại họ. 

Các tín đồ Jackson bắt đầu tin rằng tầng lớp lãnh đạo Mỹ không còn là những người yêu nước đáng tin cậy, với “chủ nghĩa yêu nước” được định nghĩa là sự trung thành tuyệt đối với những giá trị và sự thịnh vượng của người Mỹ. Và họ không hẳn sai lầm, ít nhất dưới góc độ đánh giá của họ. Những người Mỹ ủng hộ chủ nghĩa thế giới cho rằng trách nhiệm đạo đức chính của họ là thúc đẩy tiến bộ chung của nhân loại, nhưng những tín đồ Jackson lại hướng trách nhiệm của mình tới việc bảo vệ sự tiến bộ ở trong nước và cho chính người dân của mình. Nếu những người theo chủ nghĩa thế giới coi các tín đồ Jackson là lạc hậu và theo chủ nghĩa vô sanh thì ngược lại, những tín đồ Jackson lại coi những người theo chủ nghĩa thế giới giống với đám mưu phản, những kẻ coi việc đặt đất nước và người dân lên trên hết thuộc phạm trù đạo đức chứ không phải trách nhiệm. 

Trường phái tư tưởng Jackson cũng không tin vào chủ nghĩa yêu nước tuyệt đối, và điều này ngày càng tăng lên trong vài thập kỷ gần đây cùng với áp lực phải tạo ra được bản sắc chính trị riêng. Nước Mỹ đương đại có rất nhiều phong trào dân sự, chính trị và học thuật kỷ niệm bản sắc của các chủng tộc, sắc tộc, giới tính và tôn giáo khác nhau. Giới cầm quyền tại Mỹ cũng đang dần công nhận bản sắc văn hóa riêng của người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, phụ nữ, cộng đồng đồng tính – lưỡng tính – chuyển giới (LGBT), người Mỹ bản địa, người Mỹ theo đạo Hồi. Tuy nhiên, với những tín đồ Jackson, họ không phù hợp với bất kỳ nhóm nào trong số trên. 

Những người Mỹ da trắng, thường có gốc gác châu Âu, có thể cũng hành xử tương tự nhưng không bị phản ứng gay gắt. Đơn cử như người Mỹ gốc Italy, hay người Mỹ gốc Ai Len từ lâu đã có truyền thống tổ chức các buổi diễu hành thể hiện bản sắc văn hóa riêng. Thế nhưng, do càng ngày các bản sắc dân tộc khác càng phai mờ nên có lệnh cấm ra tuyên bố về bản sắc của người Mỹ da trắng, hay người Mỹ gốc châu Âu. Nhiều người Mỹ da trắng nhận thấy họ đang sống trong một xã hội không ngừng nói về tầm quan trọng của bản sắc, giá trị dân tộc, các lợi ích kinh tế và tiến bộ xã hội dành cho tất cả mọi người, trừ họ. Đối với những người Mỹ có gốc châu Âu pha trộn hoặc hàng triệu người khác chỉ đơn thuần nghĩ mình là một công dân Mỹ, sẽ có nhiều cách để họ cùng nhau kỷ niệm hay thậm chí kết nối các di sản khác nhau. 

Có nhiều lý do giải thích cho điều này, bắt nguồn từ một quy trình phản ánh lịch sử Mỹ đầy phức tạp. Tuy nhiên những lý do đó chẳng có ý nghĩa gì đối với những công nhân thất nghiệp và gia đình của họ. Nhóm cử tri da trắng ngày càng phản đối mạnh với cái mà họ gọi là "chuẩn mực chính trị” hay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Mọi người thường nói họ phân biệt chủng tộc từ trong suy nghĩ về bản sắc riêng của mình và rằng phân biệt chủng tộc là bản chất trong con người họ. Sự thịnh hành của câu nói “cánh hữu khác” bắt nguồn một phần từ chính xu hướng này. 

Sự nổi lên của phong trào “Black Lives Matter” (mạng sống của người da màu cũng đáng quý) và sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, đôi khi dưới hình thức bạo lực, xuất phát từ tâm lý chống cảnh sát nổi lên trong những năm gần đây càng củng cố quan điểm của những tín đồ Jackson về tình trạng tha hóa văn hóa, và một lần nữa, không đơn giản chỉ là về vấn đề chủng tộc. Về bản chất, trường phái Jackson ủng hộ cảnh sát, cũng giống như cách họ ủng hộ quân đội. Tuy nhiên đôi khi các cảnh sát Mỹ đã phạm phải sai lầm khó tránh khỏi do bị cuốn vào sức nóng của làn sóng đối đầu hoặc khi phải đối mặt trực diện với tội phạm. Nhiều tín đồ Jackson cho rằng sẽ là bất công, thậm chí vô đạo đức, khi yêu cầu các binh sĩ hay sĩ quan cảnh sát Mỹ phải mạo hiểm tính mạng khi làm nhiệm vụ chỉ để đổi lấy những lời tung hô của các nhà bình luận ngồi trong phòng máy lạnh. Trong con mắt của những người theo trường phái Jackson, các cuộc biểu tình mà nhiều người Mỹ cho là hành động đi tìm công lý thực ra chỉ là hành vi tấn công lực lượng thực thi pháp luật và gây rối trật tự công cộng. 
Kiểm soát súng đạn và nhập cư cũng là hai vấn đề được nhiều người Mỹ quan tâm trong bối cảnh hai chính đảng lớn thay nhau lên cầm quyền tại Mỹ đều nuôi dưỡng thù địch đối với các giá trị cốt lõi của đất nước. Những người đứng ngoài trường phái tư tưởng Jackson không thể hiểu sâu xa các vấn đề nảy sinh từ hai vấn nạn này, và vì sao việc đề nghị kiểm soát súng đạn hay cải tổ nhập cư chỉ càng làm tăng thêm hoài nghi đối với chủ nghĩa thế giới và năng lực kiểm soát của tầng lớp lãnh đạo. 

Quyền sở hữu vũ khí có vai trò đặc biệt và thiêng liêng trong văn hóa chính trị của dòng tư tưởng Jackson. Trường phái Jackson cũng cho rằng các gia đình có quyền tự vệ mà không cần phụ thuộc vào nhà nước, trong khi đây – không phải là một lý tưởng giả tạo mà là thực tế tiềm tàng – lại là điều không được giới cầm quyền quan tâm hay thậm chí còn cực lực phản đối. (Những người theo tư tưởng Jackson ngày càng lo ngại nguy cơ các thành viên đảng Dân chủ và những thành viên ôn hòa trong đảng Cộng hòa sẽ tìm cách tước quyền sở hữu vũ khí của người dân, viện dẫn lý do xảy ra các vụ xả súng hàng loạt hay việc ngày càng có nhiều lời kêu gọi phải siết chặt kiểm soát sở hữu, mua bán súng đạn cho dù tình trạng tội phạm nhìn chung đã giảm xuống). 

Với vấn đề nhập cư cũng vậy. Hầu hết những người không theo tư tưởng Jackson hiểu sai về nguồn gốc và bản chất mối quan ngại của nhóm này. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về tác động của tình trạng nhập cư đối với sự suy giảm tiền lương của nhóm người lao động tay nghề thấp, và cũng đã có một số cuộc thảo luận về chủ nghĩa bài ngoại, bài Hồi giáo. Từ năm 2016, những người theo tư tưởng Jackson coi vấn đề nhập cư là một phần trong âm mưu có chủ tâm và có tính toán để loại họ ra ngoài lề xã hội ngay trên chính đất Mỹ. Một cuộc thảo luận trong các thành viên đảng Dân chủ về “sự nổi lên của thế đa số Dân chủ” do suy giảm tỷ lệ cử tri đi bầu và cử tri da trắng (được coi là thành phần ủng hộ việc cố ý thay đổi kết cấu nhân khẩu học của Mỹ). Khi những tín đồ Jackson biết được giới lãnh đạo cấp cao có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp nhận số lượng lớn người nhập cư và dường như không quan tâm đúng mức tới tình trạng nhập cư bất hợp pháp, họ đã nghĩ ngay đến việc loại những nhà lãnh đạo có tư tưởng đó ra khỏi hệ thống quyền lực, cả về chính trị, văn hóa và nhân khẩu học. Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu thời gian qua càng khiến nhiều người quy vấn đề nhập cư với việc không thể đảm bảo an toàn cho người dân. 
Tóm lại, trong tháng 11/2016, nhiều cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu trong tâm trạng thiếu tin tưởng, không phải với một chính đảng cụ thể mà là với các tầng lớp lãnh đạo nói chung và tư tưởng ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu. Những cử tri ủng hộ ông Trump ít quan tâm tới việc thúc đẩy một chương trình cụ thể nào đó, mà họ chỉ lưu tâm tới việc ngăn chặn xu hướng ủy mị trong nước trước một thảm họa xảy ra. 

Con đường phía trước 

Cần phải chờ xem tất cả những điều trên sẽ tác động như thế nào tới chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Các đời tổng thống trước đó đều phải rà soát kỹ lại những ý tưởng của mình sau khi đặt chân vào Nhà Trắng. Ông Trump có thể cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu mọi việc sẽ diễn ra như thế nào nếu như vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cố gắng áp đặt các chính sách không chính thống của ông vào thực tế. (Những người theo tư tưởng Jackson có thể sẽ thất vọng trước những thất bại và sự quay lưng của những nhà lãnh đạo mà họ từng hậu thuẫn, điều Tổng thống George W. Bush đã từng làm và nay có thể tới lượt Trump). 

Tại thời điểm này, những người theo trường phái Jackson vẫn đang hoài nghi về chính sách của Mỹ trong việc can dự quốc tế và xây dựng trật tự tự do, chủ yếu do thiếu tin tưởng vào đội ngũ làm chính sách đối ngoại chứ không hẳn do không muốn có một tầm nhìn cụ thể. Họ phản đối các hiệp định thương mại gần đây không phải vì hiểu rõ những chi tiết và tác hại của những điều khoản trong các thỏa thuận phức tạp này, mà vì họ tin rằng các nhà đàm phán không đặt lợi ích của nước Mỹ trong tâm trí. Phần lớn những tín đồ Jackson không phải là chuyên gia về chính sách đối ngoại và cũng chưa bao giờ kỳ vọng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Đối với họ, lãnh đạo nhất thiết phải tạo dựng được niềm tin. Nếu họ tin vào một nhà lãnh đạo hay một phong trào chính trị, họ sẵn sàng chấp nhận cả những chính sách khác thường và khó khăn. 

Nhưng đáng tiếc là họ đã không còn đủ lòng tin như vậy đối với giới quyền lực Mỹ, và chỉ trừ khi cho đến khi lòng tin được phục hồi, họ mới trở lại như trước. Cũng giống như những gì mà nhà tri thức theo trường phái tân bảo thủ Irving Kristol từng viết về Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy năm 1952, những người theo trường phái Jackson tin tưởng chắc chắn ông Trump đứng về phía họ. Còn về tầng lớp lãnh đạo đất nước, họ không hiểu gì nhiều. Mối quan tâm của các tín đồ Jackson hiện nay không phải về yếu tố pháp lý, mà là mục tiêu xây dựng trật tự toàn cầu của Mỹ sẽ khó thành công mĩ mãn. 

Trong ¼ thế kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã say sưa với một số ý tưởng đơn giản đến mức nguy hiểm. Họ tin rằng chủ nghĩa tư bản đã yên vị và sẽ không thể tạo ra những biến động kinh tế, xã hội hay chính trị. Họ cảm thấy rằng những tư tưởng hẹp hòi và cảm xúc chính trị đã bị bỏ lại trong thùng rác lịch sử và những thứ này chỉ còn chiếm được đức tin của những kẻ thua cuộc cay đắng – những người cố "bám vào vũ khí hay tôn giáo hay ác cảm đối với những người không thích họ... như là một cách thức để giải thích cho sự thất vọng của họ", theo câu nói nổi tiếng năm 2008 của Tổng thống Barack Obama. Họ tin rằng thời gian và những quy trình lịch sử thông thường sẽ giải quyết vấn đề; và xây dựng trật tự thế giới tự do chỉ đơn giản là việc đưa ra các chi tiết thực hiện. 

Chính vì dựa trên những quan điểm như vậy nên nhiều sự kiện xảy ra - từ vụ khủng bố 11/9, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng tài chính, tới làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy đầy giận dữ ở cả hai bờ Đại Tây Dương – đã gây kinh ngạc. Càng ngày người ta càng nhận ra rằng toàn cầu hóa và tự động hóa đã phá vỡ các mô hình kinh tế xã hội vốn tạo ra hòa bình và thịnh vượng sau chiến tranh, và rằng các giai đoạn tiếp theo của sự phát triển tư bản chủ nghĩa sẽ thách thức nền tảng của tự do toàn cầu và nhiều trụ cột quốc gia. 

Trong bối cảnh thế giới rối loạn hiện nay, sức mạnh của bản sắc chính trị không thể bị phủ nhận. Giới cầm quyền phương Tây tin rằng trong thế kỷ 21, chủ nghĩa thế giới và chủ nghĩa toàn cầu hóa sẽ chiến thắng lòng trung thành và sự thụt lùi trong chính trị. Họ không hiểu nguồn gốc sâu xa của bản sắc chính trị trong tâm lý con người và vai trò của chúng trong việc hình thành quan điểm chính trị cả trong chính sách đối nội và đối ngoại. Họ cũng không hiểu rằng mọi lực lượng phát triển kinh tế và xã hội mà chủ nghĩa thế giới và toàn cầu hóa đang tìm cách thúc đẩy sẽ tạo ra sự hỗn loạn và cuối cùng là sự phản kháng, giống như (cộng đồng) Gemeinschaft đã chiến đấu chống lại các (xã hội thị trường) Gesellschaft, nói theo thuật ngữ kinh điển rất được ưa chuộng cách đây một thế kỷ. 

Do vậy, thách thức đặt ra cho chính trị quốc tế trong thời điểm này không phải là việc hoàn tất xây dựng trật tự thế giới tự do theo cách thức thông thường mà là tìm cách ngăn chặn sự xói mòn trật tự quốc tế và xây dựng lại hệ thống toàn cầu trên cơ sở bền vững hơn. Trật tự quốc tế cần được xây dựng không chỉ dựa trên sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo và sự cân bằng quyền lực cũng như chính trị, mà còn phải căn cứ vào sự tự do lựa chọn của các cộng đồng dân tộc, những cộng đồng được bảo vệ trước thế giới bên ngoài và muốn được thụ hưởng những lợi ích của việc tham gia trật tự quốc tế đó.

Walter Russell Mead, giáo sư về các vấn đề Ngoại giao và Nhân đạo tại trường Bard, Học giả Ưu tú tại Viện Hudson. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Trần Quang (gt)