Từ nhiều tháng nay, các cuộc tranh cãi về chủ quyền trên vùng biển xung quanh Trung Quốc không ngừng sôi động. Tháng 4/2012, 8 tàu đánh cá của Trung Quốc đã bị các tàu hải giám của Philíppin bắt giữ ở gần bãi đá ngầm Scarborough: người ta đã chứng kiến một cuộc đối mặt kéo dài 2 tháng giữa các tàu của hai nước. Tháng 6, Việt Nam công bố những điều luật mới về hàng hải bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp. Trung Quốc đã trả miếng bằng cách thông báo về việc sẽ đánh dấu chủ quyền của họ trên một hòn đảo hoang ở quần đảo Hoàng Sa. Tháng 9, những căng thẳng lại bùng lên xung quanh quần đảo Senkaku – đối với Nhật Bản – hay Điếu Ngư – đối với Trung Quốc. Vì Chính phủ Nhật Bản thông báo việc mua một cụm đảo núi lửa nhỏ không có người ở, Bắc Kinh đáp trả bằng những trừng phạt kinh tế, những cuộc biểu tình chống Nhật trên các thành phố lớn và đã điều đội tàu tuần biển đến khu vực tranh chấp.

Sự leo thang này chứng tỏ chính sách “phản ứng khẳng định” mới của Trung Quốc, đó là chộp lấy cơ hội xảy ra chỉ một chút rắc rối ở biên giới để tiến hành một cuộc biểu dương lực lượng và mưu toan thay đổi nguyên trạng lãnh thổ có lợi cho họ. Việc làm này đánh dấu sự đoạn tuyệt với chính sách bình thường hóa do cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra vào cuối những năm 1970, nhằm gạt bỏ những tranh cãi về chủ quyền và tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, như điều ông đã nói: “Khẳng định chủ quyền của chúng ta, gạt xung đột sang một bên, theo đuổi một sự phát triển chung.” Năm 2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã củng cố chiến lược này: “Khi các điều kiện chưa chín muồi để tìm ra một giải pháp lâu dài cho việc tranh chấp lãnh thổ, thì các tranh luận về chủ quyền có thể được hoãn lại nhằm làm dịu cuộc xung đột. Điều này không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Đơn giản nó chỉ là việc gác lại vấn đề này trong một giai đoạn nhất định.” Ngoài miệng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đã nhắc lại những nguyên tắc này: “Gạt những tranh cãi sang một bên và tạo thuận lợi cho sự phát triển chung.” Nhưng những tuyên bố này trái ngược với những việc họ làm.

Là khu vực có nhiều mỏ dầu cũng như các nguồn hải sản và là một trong những đường hàng hải bận rộn nhất trên hành tinh, Biển Đông là một ngã tư, nơi xảy ra xung đột lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Brunây. 

Về phía Trung Quốc, vô số thế lực chính trị và kinh tế đã lợi dụng những căng thẳng về lãnh thổ để phục vụ những lợi ích riêng của họ, điều này đã góp phần không ít vào sự lên gân của chính phủ. Nhiều tác nhân Trung Quốc tham gia các phi vụ làm ăn trên Biển Đông, được gọi là “9 con rồng cướp biển”, dựa theo truyền thuyết. Trên thực tế, con số các tác nhân vượt xa so với số lượng con vật huyền thoại kia. Trong số đó có các chính quyền địa phương, Hải quân, Bộ Nông Nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước, các lực lượng an ninh, thuế quan hay Bộ Ngoại giao. 

Chính quyền của các vùng ven biển Hải Nam, Quảng Tây và Quảng Đông lại ra sức tìm đầu ra cho các sản phẩm xí nghiệp của họ vì nếu thành công, chỗ đứng của họ trong bộ máy Nhà nước sẽ được đảm bảo. Chừng nào họ còn trung thành với Đảng cộng sản, họ còn được giao quyền quản lý công việc địa phương. Những ham muốn càng được kích thích bởi sự kết hợp của một chính sách tăng trưởng với một quyền tự trị lớn hơn của các nhà chức trách địa phương. Đó là lý do tại sao họ khuyến khích các ngư dân của nước họ xâm nhập sâu hơn nữa vào các vùng biển tranh chấp, đặc biệt là bằng cách bắt ép các ngư dân phải hiện đại hóa tàu bè của mình và trang bị các hệ thống dò đường bằng vệ tinh. Việc ưu tiên cấp giấy phép đánh cá cho các tàu đánh cá lưới rê cỡ lớn nhất chính là một sự kêu gọi khác theo hướng này. 

Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã nhiều lần mưu toan phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa, bất chấp sự phản kháng quyết liệt từ phía Việt Nam . “Hành động trước, suy nghĩ sau”, đó dường như là phương châm làm việc của các chính quyền địa phương trong quan hệ của họ với Bắc Kinh. Họ đẩy những quân cờ của mình đi xa hết mức có thể trên mặt trận kinh tế, và chỉ rút lui khi chính quyền trung ương cau mày. 

Đồng thời, sự cạnh tranh giữa hai cơ quan cảnh sát biển hùng mạnh nhất nước – lực lượng Hải giám, do Bộ tài nguyên và đất đai quản lý, và Lực lượng bảo vệ luật ngư nghiệp, thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp – được thể hiện bởi sự gia tăng các hạm đội của họ và bằng hành động lao đầu tới những vùng biển tranh chấp. Tranh giành nhau các khoản trợ cấp và các ưu tiên của các bộ chủ quản, hai lực lượng này cố lấn qua những ranh giới quyền hạn của họ để giành được ngân sách nhiều nhất. Họ dựa vào việc đòi hỏi các quyền lãnh thổ và lãnh hải để lấy lòng lãnh đạo ở trong nước. Về phần mình, Nhà nước chỉ nhìn thấy những lợi ích trong việc sử dụng các cơ quan dân sự bởi vì điều này giúp họ tránh khỏi nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp. 

Nhưng nếu như một tàu tuần tra của cảnh sát gây ra ít thiệt hại hơn so với một tàu chiến, thì việc sử dụng nó thường xuyên như một công cụ bảo vệ chủ quyền quốc gia chỉ có thể góp phần làm tăng thêm những rắc rối. Bản thân các tàu đánh cá cũng ngày càng phải đảm nhận vai trò cầm ngọn cờ trên biển của đất nước họ, khiến cho sự va chạm của họ với tàu bè các nước láng giềng càng nguy hiểm hơn. 

Bất chấp sự hiện diện ngày càng tăng ở vùng Biển Đông, hải quân Trung Quốc cho đến nay vẫn chỉ đóng một vai trò thứ yếu. Trong trường hợp xảy ra rắc rối, tàu hộ tống của họ vẫn chỉ hoạt động phía sau hoặc đến muộn, để cho các nhà chức trách dân sự nhiệm vụ giải quyết tình hình. Song không vì thế mà sự tăng cường và hiện đại hóa một cách tuyệt đối kín đáo của hải quân Trung Quốc không gây thêm những căng thẳng, bởi điều này thúc đẩy các nước khác cũng tăng cường lực lượng hải quân của họ. 

Theo nguyên tắc, Bộ Ngoại giao được cho là đảm nhiệm một vai trò nổi bật. Nhưng trên thực tế, họ hoàn toàn không có quyền lực. Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Dương Khiết Trì, “có ít quyền hạn hơn Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại Đới Bỉnh Quốc”, một quan sát viên trong hậu trường chính trị ở Bắc Kinh nói mỉa mai như vậy. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn kể từ khi những người thực sự nắm giữ sức mạnh quốc gia - các bộ trưởng thương mại, tài chính và an ninh Nhà nước, và cả Ủy ban quốc gia về phát triển và cải cách nữa, nắm lấy những đòn bẩy chính của chính sách đối ngoại. Đối với Bộ Ngoại giao, vai trò tượng trưng của nó càng trở nên bất tiện hơn khi có nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi ngành ngoại giao Trung Quốc phải có trách nhiệm, thích ứng với những ảnh hưởng kinh tế và ảnh hưởng khu vực mà đất nước này đang phát huy. 

Chính phủ luôn có xu hướng lợi dụng tình cảm dân tộc của nhân dân. Nhưng điều này có thể trở thành trò gậy ông đập lưng ông. Đầu năm 2012, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc muốn xoa dịu mọi người bằng cách giải thích rằng nước họ không hề đòi hỏi toàn bộ Biển Đông, họ đã gây ra sự bất bình mạnh mẽ trong dư luận Trung Quốc, vốn từ nhiều thập kỷ qua đã quen nghe họ tuyên truyền điều ngược lại. Nhiều cư dân mạng kêu gọi tiến hành thanh trừng trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng cộng sản, bị lên án là nơi chứa chấp những “kẻ phản bội” và “biến chất” đang “bóc lột máu và mồ hôi của nhân dân” và “bán rẻ lợi ích quốc gia của Trung Quốc”. Các nhà lãnh đạo lo sợ rằng những mối oán hận như thế này sẽ lây lan và dẫn đến những rối loạn có hại cho sự ổn định của đất nước. 

Về phía chính quyền, họ không ngần ngại tiến hành những vụ trả đũa. Những rắc rối vào tháng 4/2012 quanh bãi đá Scarborough đã thể hiện điều này. Lúc đầu, Philíppin phản kháng lại sự xâm nhập của các ngư dân Trung Quốc bằng cách điều tới đó một tàu hải quân. Trung Quốc chộp lấy cơ hội này để tái khẳng định chủ quyền của họ trên bãi đá bằng cách triển khai một hạm đội duy trì trật tự trong khu vực và cấm ngư dân Phillípin tới gần. Việc nhập khẩu hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ Phillípin bị tẩy chay, các công ty du lịch phải ngừng các hoạt động. Bằng cách kiểm soát bãi đá Scarborough và ngăn chặn người Phillípin tới đó đánh cá, Trung Quốc đã tạo nên một thực trạng mới có lợi cho họ. 

Tôkyô bị tố cáo “phục vụ” Oasinhtơn 

Bắc Kinh cũng đã ra tay nặng như vậy hồi tháng Sáu, khi Việt Nam thông qua luật biển và quy định hàng hải mới trên vùng biển của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bị chọc tức, Chính phủ Trung Quốc đã ngay lập tức tuyên bố thành lập huyện lị Tam Sa, và thiết lập một đơn vị đồn trú quân sự. Mặt khác, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thực hiện việc cấp phép khai thác dầu tại 9 lô nằm ngay trong khu vực độc quyền kinh tế của Việt Nam và chồng lấn lên những mỏ dầu Hà Nội đã giao cho công ty Dầu khí Việt Nam. 

Trước thái độ hỉ hả của Bắc Kinh, những cố gắng của Việt Nam và Philípin nhằm đưa ra một thông cáo về những vấn đề này trong Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 45 vào tháng 7/2012, đã thất bại vì sự phản đối của Campuchia, nước chủ nhà của cuộc hội nghị. Không khó để thấy ở đây một sự minh họa cho chiến lược của Trung Quốc nhằm xử lý mỗi việc một cách khác nhau, và giành từng thắng lợi riêng rẽ. 

Trong khi căng thẳng ở Biển Đông dường như đã lên đến đỉnh điểm vào mùa Hè này, một cuộc khủng hoảng khác cũng đã nổi lên vào tháng 9, lần này là ở vùng Biển Hoa Đông, với thông báo của Chính phủ Nhật về quyền sở hữu 3 trong số 5 hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư, cho đến thời điểm đó đang thuộc về một tỷ phú người Nhật. Chính quyền Nhật Bản đã biện bạch cho việc mua lại các hòn đảo này là để ngăn chặn chúng rơi vào tay viên thị trưởng Tôkyô theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa vừa từ chức để lập ra đảng mới. Theo họ, việc này phải được thực hiện trước khi tân chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, để “tránh cho ông ta một sự nhục nhã” khi ông lần đầu ngồi vào chiếc ghế của mình”. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội. 

Chủ nghĩa dân tộc khiến những tranh chấp biên giới ở khu vực Đông Bắc Á này bùng nổ còn hơn cả ở khu vực Biển Đông. Do những hành động tàn bạo của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh xâm lược trước đây, việc tranh chấp về quy chế của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã dấy lên ở Trung Quốc một đòi hỏi trừng phạt còn vượt lên trên những tranh cãi về lãnh thổ khác. Những phản ứng từ phía Hàn Quốc cũng rất mạnh mẽ, với vụ tranh chấp xung quanh quần đảo Takeshima, theo tên gọi của Nhật Bản, hay Dokdo – theo tên gọi của Hàn Quốc. Đa số người Nhật cho rằng họ đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy hùng mạnh của “con rồng” Trung Quốc, mà họ sợ nó sẽ tạo ra một hiệu ứng làm xói mòn ảnh hưởng đến chủ quyền của chính họ. 

Nếu như mới đây thôi, ở Trung Quốc, chính phủ đã thành công trong việc lôi kéo tình cảm dân tộc chủ nghĩa theo những lợi ích của họ, thì giờ đây, uy tín của họ đối với nhân dân đã tiêu tan. Sự xuất hiện của công nghệ thông tin và truyền thông đã mở ra một không gian mới để bày tỏ sự thách thức chống Nhật Bản, tạo ra một sức mạnh có khả năng lay chuyển nền tảng của chính quyền. Nỗi thất vọng mang tính dân tộc chủ nghĩa càng tăng thêm, bởi cảm tưởng rằng chính phủ đã thất bại trong việc đối đầu với Tôkyô, đã kết hợp với sự phẫn nộ trước nạn tham nhũng, tình trạng không có bảo trợ xã hội và giá bất động sản tăng vọt. 

Ngoài ra, thế hệ cũ, những người từng chiến đấu chống đội quân xâm lược Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, và là những người có tư cách chính đáng để khuyến khích một đường lối hòa bình, đang mất dần. Một bộ phận những nhà ngoại giao hiện đang lèo lái đất nước cho rằng Trung Quốc không phải e ngại các cường quốc đối thủ khi mà giờ đây họ đã che khuất Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế và có thể nhanh chóng làm điều tương tự với Mỹ. Họ dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn cho mối quan hệ Trung – Mỹ và ngày càng ít hơn cho các quan hệ Trung – Nhật. Với nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tôkyô chỉ còn là một chi nhánh của Oasinhtơn. Theo họ, chính sách ngoại giao của Nhật Bản chỉ nhằm hỗ trợ cho chiến lược đối với châu Á của Mỹ đó là ngăn chặn cường quốc mới Trung Quốc. 

Sự giận dữ của Bắc Kinh trước việc Nhật Bản mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vì vậy càng tăng thêm và được thể hiện bằng những biện pháp trả đũa kinh tế và những cuộc tập trận lớn bao gồm cả hải quân, không quân và một đơn vị tên lửa chiến lược. Hơn nữa, các nhà cầm quyền đã chính thức thông báo một đường ranh giới không thể vượt qua bằng cách đặt quần đảo đó dưới sự quản lý trên thực tế của Trung Quốc. Không sáp nhập chính thức nhưng Trung Quốc lại cho phép mình tự do hoạt động để phái các tàu cảnh sát đến khu vực cho đến nay nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản – điều này làm tăng thêm khả năng xảy ra những vụ rắc rối mới. 

Sự trỗi dậy của các chủ nghĩa dân tộc, việc chạy đua vũ trang và không có một lực lượng đóng vai trò thủ lĩnh trong khu vực cũng như tính chất bấp bênh của những cuộc chuyển giao chính trị đã làm trầm trọng thêm nguy cơ của một vòng xoáy chiến tranh trên vùng biển xung quanh Trung Quốc; nguy cơ này càng lớn hơn nữa vì những thể chế, những cơ chế và những tiến trình có khả năng ngăn chặn sự leo thang đó đã bị suy yếu đáng kể trong những năm gần đây. 

Theo Báo Le Monde Diplomatique

Hương Lan  (gt)