Thái độ hung hãn của Trung Quốc đối với Việt Nam là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm vào Nhật Bản, những đối thủ mạnh nhất của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông và nhằm vào Ấn Độ. Chiến lược này xuất phát từ nhận thức cho rằng các nước láng giềng không ở vị thế có thể liên kết lại để đối đầu với sức mạnh cứng của Trung Quốc và sẽ chấp nhận những thay đổi về trạng thái cân bằng ở khu vực sau khi có những phản ứng yếu ớt. Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng việc chiếm đóng trên thực tế các khu vực lân cận là rất quan trọng đối với an ninh của nước này. Đại chiến lược này có 3 mục tiêu chính: thứ nhất, chiếm quyền kiểm soát các vùng biển lân cận và khu vực biên giới; thứ hai, thúc đẩy hội nhập kinh tế với nền kinh tế Trung Quốc là trung tâm thông qua các kênh ngoại giao; thứ ba là bảo vệ cũng như gia tăng đòi hỏi về chủ quyền và nếu cần thiết thì sử dụng sức mạnh cứng.

Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ hiếu chiến đã trở thành một đặc điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Dường như Trung Quốc đang cố thay đổi thái độ nhẫn nhục trong các thế kỷ qua và người dân cũng như Chính phủ Trung Quốc cảm thấy các vùng đất lân cận thuộc về Trung Quốc và họ phải chiếm lấy. Trung Quốc càng trở nên mạnh hơn, Trung Quốc gọi đó là “sự trỗi dậy quyền lực”, thì Chính phủ và người dân Trung Quốc cho rằng nước này cần phải cứng rắn hơn trong các yêu sách về chủ quyền. Người Trung Quốc cho rằng hội nhập kinh tế không chỉ để tăng cường sức mạnh kinh tế mà còn nhằm thiết lập bá quyền ở các khu vực kế cận với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu trước mắt còn mục tiêu cuối cùng là thống trị Ấn Độ Dương, một mục tiêu đã hình thành ở Trung Quốc từ năm 1984 và để đạt được mục tiêu này, sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trở thành trọng tâm.

Trung Quốc đang đi những bước cờ được tính toán rất kỹ để đạt được mục đích của mình. Trung Quốc đã ký một số thoả thuận với Ấn Độ và Việt Nam nhằm gìn giữ hoà bình và sự bình yên ở khu vực biên giới cũng như ở Biển Đông. Trung Quốc đã ký các thoả thuận năm 1993, 1996 và 2005 với Ấn Độ và đặc phái viên của cả hai nước liên tục đối thoại về các vấn đề biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp các thoả thuận đã đạt được, Trung Quốc thường xuyên xâm phạm biên giới Ấn - Trung. Trung Quốc cũng đã ký thoả thuận với Việt Nam năm 1993; năm 2011, những nguyên tắc cơ bản nhằm giải quyết các vấn đề trên biển cũng được hai nước ký kết. Tuy nhiên, như đã làm với Ấn Độ, người Trung Quốc không coi những thoả thuận này ra gì. Căng thẳng dẫn đến các sự cố ở Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã diễn ra trong thời gian qua. Ở ba khu vực này, thái độ hung hăng của Trung Quốc ngày càng tăng.

Phản ứng từ phía Việt Nam đến nay liên quan đến sự cố mới đây vẫn còn hạn chế. Mới đây, Việt Nam đã thành lập lực lượng kiểm ngư với nhiệm vụ giám sát các hoạt động của ngư dân và bảo vệ lãnh hải của Việt Nam sau khi Trung Quốc công bố những quy định mới yêu cầu từ tháng 1 các ngư dân nước ngoài phải được Bắc Kinh cấp phép mới được hoạt động ở khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, kể cả vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Căng thẳng đã leo thang ở Biển Đông nhưng sự cố gần đây nhất có tính chất nghiêm trọng hơn. Nếu trước đây Trung Quốc đã từng chào thầu những lô dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, động thái hiện tại còn nghiêm trọng hơn là việc chào thầu vì theo lời của Chủ tịch CNOOC Wang Yilin, các “giàn khoan nước sâu diện rộng” được Trung Quốc coi là lãnh thổ di động và là vũ khí chiến lược của Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc đang triển khai chiến lược dần dần đẩy mạnh các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông với tâm lý cho rằng các quốc gia có cùng tranh chấp sẽ không có khả năng hay không muốn ngăn chặn Trung Quốc, ảnh hưởng của những hành động này ngày càng tích tụ dần và có thể bùng nổ gây ra các hậu quả nghiêm trọng do các nước khác phản ứng lại một cách mạnh mẽ. Chúng ta nên nhớ rằng trước đây giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra chiến tranh. Thời điểm này, các cường quốc có thể can dự do Biển Đông có vị trí rất quan trọng về mặt chiến lược và dưới góc độ thương mại.

Trên cơ sở đó, điều cấp bách nhất là tiến hành các bước nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Bộ Quy tắc ứng xử (COC) mà ASEAN đề xuất và được Trung Quốc chấp nhận phải được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, Nga và Ấn Độ cần chung tay gây áp lực buộc Trung Quốc phải từ bỏ các chính sách hiếu chiến đối với các quốc gia láng giềng. Các nước này phải sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt Trung Quốc nếu nước này vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế. Nếu Trung Quốc có thể vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn mà không bị trừng phạt thì họ sẽ không có động lực để trở thành một thành viên có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới. Tất cả các quốc gia cần phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo Trung Quốc đồng ý hoàn tất và áp dụng COC ở Biển Đông trong thời gian sớm nhất. Một niềm hi vọng nữa là Trung Quốc nhận thấy các hành động hung hãn của mình sẽ đẩy các nước láng giềng liên minh lại để chống Trung Quốc khiến Trung Quốc phải từ bỏ các chính sách thiếu thân thiện đang làm ảnh hưởng đến hoà bình ở khu vực và khiến các cường quốc bên ngoài phải tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ các lợi ích của họ./.

Theo “Times of India

Lê Sơn (gt)