Sau nhiều tuần chờ đợi, giới ngoại giao châu Âu ngày 16/1 đã được nghe những lời nói công khai rõ ràng của ông Trump khi đánh giá thấp vai trò của những trụ cột quan hệ xuyên Đại Tây Dương - một trong những đồng minh truyền thống thân cận nhất của nước Mỹ. Trong khi Chính phủ của bà Angela Merkel đang cố gắng "hạ nhiệt" chính trị sau bài trả lời phỏng vấn của ông Trump đăng trên tờ "Times" (Anh) và "Bild" (Đức), giới chức Berlin đã không thể kiềm chế cơn tức giận khi Thủ tướng của họ được so sánh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, rồi những cáo buộc liên quan đến chính sách tị nạn của bà Merkel. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng những bình luận của ông Trump là điều "thật ngỡ ngàng". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức Norbert Rottgen đều nói với tờ "Financial Times" rằng những nhận xét của ông Trump cho thấy "sự đoàn kết chính trị của các nước phương Tây chả có nghĩa lý gì đối với ông".

Sự thay đổi hoàn toàn cách nhìn của Washington đối với châu Âu là một điều khó tưởng tượng. Mỹ là một phần không thể tách rời với an ninh châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, còn các thỏa thuận thương mại đã khiến Đại Tây Dương là một trong những hành lang thương mại có sức hút lợi nhuận hấp dẫn nhất thế giới.

Vấn đề đặt ra tại EU là liệu những cổ súy của ông Trump đối với Brexit có làm tăng thêm sự chia rẽ và thách thức của EU, hay sẽ tạo ra một liên minh để cùng nhau chống lại một mối đe dọa mà họ cảm nhận được. Manuel Valls, cựu Thủ tướng Pháp và là một ứng cử viên của phe trung tả cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Pháp, đã lên tiếng kêu gọi: "Chúng ta, những người châu Âu, phải đoàn kết lại và nói cho họ biết chúng ta là ai". Ông kêu gọi các nước trong EU hãy gắn kết với nhau hơn nữa trong vấn đề quốc phòng và cùng nhau thống nhất lập trường cứng rắn đối với Brexit để đưa ra cảnh báo cho những nước nào có ý định rời bỏ EU.

Theo lời một nhà ngoại giao cấp cao EU làm việc về vấn đề đàm phán Brexit, khi Anh càng tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ thì những nước EU lại càng muốn gắn kết cùng nhau. Sự đoàn kết trong EU mà Thủ tướng Đức kêu gọi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và bà cũng nhận thấy trách nhiệm đặc biệt của nước Đức trước thực tế hiện nay.

Giống như nhiều người tại Berlin, ông Rottgen cho biết ông từng hy vọng ông Trump sẽ có cách tiếp cận vấn đề mềm mỏng hơn khi ngày tuyên thệ nhậm chức của ông đang đến gần. Tuy nhiên, "ông Trump đã không thay đổi chút nào cả, ông ý nói lại đúng như quan điểm của ông khi ra tranh cử... Có một thực tế rằng ông coi NATO là lỗi thời và ông cũng không cảm thấy gì nếu như EU chia tách, chứng tỏ ông không quan tâm gì đến sự thống nhất của các nước phương Tây".

Một số chính trị gia tại châu Âu, những người từng tiếp xúc với ông Trump kể từ khi diễn ra bầu cử Mỹ đều cho rằng các dấu hiệu lo ngại là có cơ sở. Trong cuộc điện đàm sau cuộc bầu cử Mỹ, câu hỏi đầu tiên mà ông Trump hỏi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk là liệu nước nào trong EU sẽ là nước tiếp theo rời EU. Điều này được coi là cách thể hiện quan điểm chính sách của ông Trump, đánh dấu một cuộc cách mạng đổi thay trong quan hệ của Mỹ với những cường quốc tại châu Âu, đảo lộn vai trò lịch sử to lớn là cùng nhau xây dựng lại châu lục sau thời kỳ chiến tranh.

Trong những năm gần đây, dưới thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ vẫn tiếp tục là lực lượng giữ ổn định trong thời kỳ có nhiều biến động tại châu Âu, như thời kỳ khủng hoảng đồng Euro hay sự can thiệp của Nga tại Ukraine. Với việc cổ vũ cho Brexit, ông Trump như đang cổ vũ cho sự chia tách các nước trong khối ra khỏi EU. Một số đảng tại châu Âu đã chớp lấy nhận xét của Trump để nói điều họ đang mong muốn, chẳng hạn như Phong trào 5 Sao (M5S) tại Italy kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu, hay cho rằng châu Âu cần phải thay đổi khi thế giới đang thay đổi.

Một số nhà ngoại giao châu Âu cho rằng nên chấp nhận quan điểm truyền thống đối với vấn đề Nga và NATO, còn nước Mỹ nên giữ nguyên những hiệp định đã ký kết với Iran. Một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho rằng các nhận xét của Tổng thống đắc cử Mỹ rất rõ ràng và công khai, do đó các bộ trưởng, các nhà ngoại giao châu Âu đều tỏ ra hết sức lo ngại về các kế hoạch của ông Trump khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ.

Bên lề cuộc họp các ngoại trưởng EU diễn ra tại Brussels (Bỉ), ông Steinmeier cho rằng không chỉ chính sách đối ngoại mà cả chính sách thương mại của Mỹ cũng sẽ gây tranh cãi cùng với những cảnh báo về các dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng EU phải đoàn kết thống nhất cùng nhau trước những lời bình luận của ông Trump. Ông Ayrault cho rằng đối với vấn đề Brexit, cách tốt nhất để châu Âu bảo vệ mình là phải đoàn kết thành một khối và không được quên rằng sức mạnh của châu Âu nằm trong sự đoàn kết của người châu Âu.

Tờ "Financial Times" (ngày 17/1)

Mỹ Anh (gt)