asean-cambodia.jpg

Bất cứ ai mong chờ sự bảo đảm về việc Mỹ tiếp tục những cam kết ở châu Á qua cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ có thể cảm thấy ít lạc quan. Thậm chí ngay cả những kỳ vọng ở mức thấp rằng ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton sẽ dành nhiều thời gian cho chính sách đối ngoại cũng vẫn gây thất vọng qua những gì mà hai cử ứng viên thể hiện.

Trong số những dịp ít ỏi mà châu Á được đề cập đến trong 90 phút tranh luận, gần như tất cả những nội dung đưa ra đều liên quan đến việc Mỹ cần làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc tận dụng lợi thế của mình. Ông Trump cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ và không hành động đủ mạnh để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, trong khi cả hai ứng cử viên đều nêu lên lo ngại về Trung Quốc coi đó là một mối đe dọa đối với không gian mạng.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa cũng nhắc lại phát ngôn trước đây của ông, phần lớn là sai, cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc đang nhận được sự bảo vệ quốc phòng từ Mỹ mà không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào. Ông nói: “Họ không trả tiền cho chúng ta. Nhưng họ cần phải trả tiền cho chúng ta, vì chúng ta đang cung cấp dịch vụ rất lớn và chúng ta đang mất đi tiền bạc. Chúng ta không thể bảo vệ Nhật Bản, một người khổng lồ bán xe cho chúng ta với giá hàng triệu USD”.

Không ngạc nhiên, cả hai ứng viên đều chỉ trích mạnh mẽ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận được cho là sẽ trở thành trụ cột của chính sách “xoay trục” của Mỹ. Và với sự phản đối mạnh mẽ một cách công khai như vậy, có lẽ bây giờ là lúc giả định chắc chắn rằng thỏa thuận này sẽ chết nếu nó không được Quốc hội Mỹ thông qua trong những tháng cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama.

Nếu những áp lực trong nước nghe như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính sách tái cân bằng châu Á, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ cho rằng vẫn còn có lý do để hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp tục những cam kết trong khu vực một khi mà tác động bóp méo của cuộc bầu cử mất dần.

Tuy nhiên, điều khiến họ trăn trở là những nỗ lực bên ngoài dần làm suy yếu những trụ cột chính sách của Mỹ. Trong năm qua, khi Mỹ có những thay đổi chính trị bởi cuộc bầu cử tổng thống, chính sách tái cân bằng châu Á đã bắt đầu giống như một sự thất bại.

Năm nguy cơ đối với chính sách tái cân bằng

Châu Á sẽ là một khu vực quan trọng nhất trên thế giới trong những thập kỷ tới và Mỹ cần phải có sự hiện diện ở đó. Việc duy trì tái cân bằng cũng không yêu cầu những loại chi phí quân sự như đòi hỏi ở các khu vực khác mà Mỹ can dự. Đó là chi phí tương đối thấp, lợi nhuận cao, chính sách hợp lý mà vẫn được nhận được sự ủng hộ chính trị chủ đạo của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nhưng lôgích đó có thể không đủ mạnh nếu những nỗ lực của Chính quyền Obama bắt đầu có vẻ không mang lại kết quả. Vị tổng thống tương lai có thể không khuyến khích đầu tư vào chính sách này nếu người đó nhận thấy việc cố gắng duy trì ảnh hưởng ở châu Á là nỗ lực vô ích.

Trong một bài viết năm 2014, chuyên gia Tập đoàn Rand Corporation China Scott Harold liệt kê 5 luận điểm có thể phá hủy chính sách tái cân bằng. Thứ nhất và thứ hai là rút bỏ “tài sản” của Mỹ trong khu vực, do mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc hoặc Triều Tiên hay yêu cầu từ một trong những đồng minh của Mỹ bởi những vấn đề trong quan hệ song phương. Thứ ba là Mỹ ngấm ngầm hay công khai từ bỏ quyền lãnh đạo trong khu vực cho Trung Quốc. Thứ tư là sự sụp đổ của TPP, và thứ năm là một thất bại trong việc giữ lại đầy đủ các cam kết nguồn lực quốc phòng để hỗ trợ chính sách tái cân bằng.

Nếu như trước đó hầu hết các mối đe dọa đó dường như không có khả năng xảy ra, thì bây giờ nó không còn như vậy. Ít nhất ba trong số đó – sự thất bại của TPP, việc từ bỏ quyền lãnh đạo khu vực và mối quan hệ không tốt đẹp với một đồng minh – đã trở thành khả năng thực tế. Về TPP, nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận trước khi hết năm, thì chính sách tái cân bằng sẽ có một trụ cột kinh tế mạnh mẽ. Nếu việc này không xảy ra, sau đó, ngay cả trong những kịch bản tối ưu nhất trên tất cả các mặt, tổng thống tiếp theo sẽ thừa hưởng một chính sách châu Á suy yếu đáng kể.

Việc chúng ta sẽ thấy kết quả nào vào tháng 12 hiện phụ thuộc nhiều vào sức thuyết phục của ông Obama. Vào thời điểm khi chính trị làm cho các thỏa thuận như vậy không được chào đón, Tổng thống đang tiến hành một cuộc chiến đơn độc để ủng hộ nó. Lạc quan thì ông Obama hiện đang có tỷ lệ tán thành cao và có vốn chính trị để sử dụng.

Tuy nhiên, những người bi quan có thể chỉ ra sự hoàn toàn không thể tiên đoán của Quốc hội Mỹ và mức độ ảnh hưởng của Tổng thống đối với các nhà lập pháp. Ba tháng trước khi kết thúc 8 năm cầm quyền của ông, lần đầu tiên các nhà lập pháp quyết định gạt sang một bên quyền phủ quyết của ông. (Ông Obama đã phủ quyết dự luật cho phép các gia đình nạn nhân ngày 11/9 khởi kiện Saudi Arabia, nhưng Quốc hội với số phiếu áp đảo đã bác bỏ quyền phủ quyết đó).

Về vấn đề lãnh đạo khu vực, sự phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á trong vài tháng qua là rất đáng lo ngại đối với Washington. Chậm nhưng chắc, một số bạn bè và đồng minh của Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị các phương án dự phòng trong lúc Bắc Kinh phô trương sức mạnh. Ví dụ rõ ràng nhất gần đây là Philippines. Tại Philippines, tất cả nỗi sợ hãi về sự tái cân bằng sang châu Á của chính quyền đang trở thành hiện thực: đã có một sự chuyển dịch rõ ràng về sự phục tùng Trung Quốc và thậm chí là lời yêu cầu liên quan đến việc rút “tài sản” của Mỹ. Không có câu hỏi nào về việc bầu chính khách phi đảng phái Rodrigo Duterte lên làm tổng thống làm gia tăng áp lực đối với Washington hồi đầu năm nay, nhưng hầu như không ai có thể dự đoán mối quan hệ song phương sẽ trở nên khó khăn thế nào.

Giai đoạn trầm lắng diễn ra hồi tháng trước khi ông Obama bất ngờ hoãn một cuộc họp với nhà lãnh đạo Philippines vì một sự xúc phạm thô lỗ. Sau đó, ông Duterte có vẻ đưa ra yêu cầu các lực lượng đặc biệt của Mỹ rút khỏi Mindanao và sau đó tuyên bố chấm dứt các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Philippines trong tương lai. Đây rõ ràng là động thái để xoa dịu Trung Quốc. Một số quan chức sau đó biện hộ cho Tổng thống Duterte nhưng rõ ràng Manila hiện đang nghiêng về phía Bắc Kinh và ông Duterte thậm chí đã phát tín hiệu về sự cởi mở của ông với một số kiểu thỏa thuận nào đó về vấn đề Biển Đông với Bắc Kinh.

Ở những nơi khác, Việt Nam đang cố gắng bồi đắp quan hệ với Ấn Độ và Nga, với mối quan ngại rõ ràng về sức mạnh của Mỹ trong khu vực. Điều này diễn ra trong khi Washington cố gắng tăng cường hợp tác quân sự.
Và khi ảnh hưởng của Mỹ suy yếu, thì ảnh hưởng đòn bẩy của Trung Quốc gia tăng. Ví dụ, cách tiếp cận “chia để trị” của Bắc Kinh đối với ASEAN và vấn đề Biển Đông đã có hiệu quả đáng kể trong việc tạo ra những rạn nứt trong nhóm các nước Đông Nam Á. Mặc dù ASEAN đã có thể đưa ra một mặt trận thống nhất kể từ khi thất bại trong việc đưa ra thông cáo chung tại Hội nghị ngoại trưởng năm 2012, những rạn nứt đã xuất hiện trở lại vào năm nay – do áp lực chiến lược từ Trung Quốc.

Vào tháng Tư, Trung Quốc thông báo rằng họ đã đạt được sự đồng thuận bốn điểm với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. Một trong những điểm này bao gồm việc xem xét vấn đề này chỉ là vấn đề song phương giữa các nước tuyên bố chủ quyền và "không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và toàn bộ ASEAN". Sau đó, vào tháng Sáu, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông - nhưng tuyên bố này không bao giờ được công bố chính thức, được cho rằng do sức ép Trung Quốc gây ra cho các quốc gia thành viên như Lào.

Vẫn còn phải đợi xem Bắc Kinh sẵn sàng thúc ép vấn đề Biển Đông nhiều đến mức nào trong những tháng tới khi Washington ngày càng phân tâm. Tất cả điều đó nêu lên về việc chính sách tái cân bằng châu Á còn lại gì khi vị Tổng thống Mỹ tiếp theo nhậm chức. Các mối quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore và Myanmar có khả năng sẽ là những điểm mạnh, nhưng khi nói đến các tác động trên ảnh hưởng tổng thể và uy tín ở Thái Bình Dương, có khả năng Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ không có nhiều việc để làm./.

Theo “Straits Times” (ngày 1/10)

Mỹ Anh (gt)