Khi Bắc Kinh triển khai sức mạnh của mình ra Biển Đông, các nước láng giềng bị đe dọa đã và đang tìm kiếm sự bảo trợ của Mỹ thì chúng ta lại chỉ hướng vào một hiệp ước quốc tế mà ngay cả các nhà làm luật của chúng ta cũng không chấp nhận. Sự phát triển quân sự mạnh mẽ (của Trung Quốc), đối lập với ngân sách đang bị thu hẹp nhanh chóng của Lầu Năm Góc, đã gây lo ngại cho các nước vốn quen với việc có các tàu sân bay của Mỹ tuần tra trên vùng biển của họ. Hãng Reuters ngày 26/7 loan tin Bắc Kinh đang chế tạo hai tàu sân bay và dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc giải thích rằng việc bảo vệ các vùng biển quốc gia là "trách nhiệm thiêng liêng của lực lượng vũ trang Trung Quốc".

Nhưng cái mà Bắc Kinh coi là "vùng biển quốc gia" lại bao gồm nhiều vùng mà các nước khác đã tuyên bố chủ quyền từ lâu. Ai sẽ bảo vệ các lợi ích hàng hải của Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác? Trung Quốc đã chiếm nhiều hòn đảo giàu nguồn cá của họ. Còn việc 6 nước muốn khai thác dầu, tài nguyên và các loại hàng hóa khác dưới biển sâu tại các vùng lãnh thổ trên Biển Đông mà họ tuyên bố thuộc chủ quyền của họ thì sao? Bắc Kinh tuyên bố tất cả là của mình.

Trong cuộc gặp với những người đồng cấp từ tất cả các nước này tại In-đô-nê-xi-a tuần trước, Ngoại trưởng Clinton kêu gọi "tất cả các bên làm rõ tuyên bố của mình tại Biển Đông phù hợp với luật quốc tế được công nhận".

Nói một cách công bằng, không có một phản ứng dễ dàng trước hành xử kiểu "bắt nạt" của Trung Quốc. Liệu chúng ta sẽ theo đuổi việc xây dựng quan hệ, như các cố vấn "bồ câu" của Tổng thống Obama đề xuất, hay thực hiện một số cuộc tập trận riêng để nhắc nhở Bắc Kinh về sự vượt trội của Hải quân Mỹ, như Lầu Năm Góc đã làm gần đây? Việc không quyết định gì, và dựa vào "luật pháp" - cái mà các cộng sự của bà Clinton đã giải thích là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) - không phải là câu trả lời.

Những người Mỹ phản đối UNCLOS mỉa mai gọi nó là LOST (thất bại, thua thiệt), cho rằng nó làm tổn hại lợi ích của Mỹ và không thể giải quyết các loại tranh chấp trên biển như mục đích của công ước này. Dù đúng hay sai thì số này cũng đang chiến thắng: Thượng viện Mỹ đã từ chối thông qua công ước, vì thế nó không có hiệu lực trong luật pháp Mỹ.

Nhưng Chính quyền Obama vẫn nói với bạn bè và đối thủ rằng công ước LHQ này là cơ sở cho chính sách khu vực của chúng ta. Như tờ "Bưu điện Oasinhtơn" từng nhận xét một cách tinh tế, đây là "sự mỉa mai mà những người khác nói trong các cuộc gặp riêng với quan chức Mỹ".

Tệ hơn là, tất cả các bên liên quan không thể không cho rằng đây chỉ là chiếc màng mỏng che đậy chính sách thật của chúng ta. Trung Quốc coi đây là một tín hiệu đèn xanh cho việc tiếp tục ỷ lớn hiếp bé - và các nước láng giềng đã và đang phải hồi đáp bằng sự cứng rắn riêng của họ.

Ngày 26/7, các tư lệnh quân đội trong khu vực gặp nhau tại Hà Nội, một số người kêu gọi hải quân các nước tham gia đoàn kết lại để chống thái độ gây hấn của Trung Quốc. Nguy cơ xảy ra đối đầu hải quân - dù có chủ ý hay không - đang tăng lên. Mỹ đang ở đâu khi cần giữ tất cả những cái đầu nguội bớt? Ở bên lề, giơ lên các công ước LHQ vô nghĩa. 

Tệ hơn nữa, lòng tin mù quáng vào sứ mạnh thần kỳ của luật quốc tế và các thể chế đã trở thành một tiêu chí của Chính quyền Mỹ. Không có chính sách thực sự ở Xuđăng hay Libi, các nhà ngoại giao của Mỹ nhiệt tình ủng hộ việc đưa lãnh đạo các nước ấy ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại La Hay - khi chúng ta chưa phải là một thành viên của ICC. Sự hợp tác toàn cầu có thể là một công cụ tốt để thực hiện một chính sách quốc gia - nhưng nó không thể thay thế chính sách. Việc đề ra các nguyên tắc rõ ràng để cả bạn bè và đối thủ đều biết chúng ta đang đứng ở đâu có thể là việc khó, nhưng cần thiết. Việc rêu rao một công ước mà chính các nhà làm luật của Mỹ không chấp nhận sẽ không làm được việc này.

Quá nhiều đồng minh Mỹ bị bỏ rơi lo ngại rằng nếu các thỏa thuận phòng thủ chung của chúng ta với họ bị thử thách, chúng ta sẽ bội ước trách nhiệm của mình./.

Theo NYpost

Mỹ Anh (gt)