Kể từ năm 1952, các chính phủ kế tiếp của Nhật Bản tuyên bố sự ổn định chính trị và thịnh vượng kinh tế ở khu vực Đông Nam Á đang ràng buộc chặt chẽ với lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Như một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tokyo, Đông Nam Á là khu vực mà ngoại giao Nhật Bản đạt được những thành công đáng kể trong việc hạn chế những thách thức để lại sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nhật Bản và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chỉ gạt qua nỗi đau quá khứ chiến tranh mà còn đi một chặng đường dài để xây dựng quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược gần gũi. 

Trong khu vực ASEAN, Nhật Bản đã và đang theo đuổi một chiến lược thúc đẩy quan hệ tốt với 5 quốc gia thuộc khu vực sông Mekong gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Ngoại trừ Thái Lan, 4 quốc gia còn lại dù giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng kinh tế vẫn còn yếu kém và cần sự hỗ trợ kinh tế từ bên ngoài để đạt được tiến bộ. Với dân số 240 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 665.000 tỷ USD, các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong - nằm ở giao điểm của ba thị trường lớn là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN khác - có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Nhật Bản. 

Nhật Bản đã tạo ra những cơ chế để thực hiện Chính sách ngoại giao Mekong. Theo đó, Nhật Bản và 5 quốc gia thuộc khu vực sông Mekong đã thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên kể từ năm 2009 để xem xét và đánh giá tiến độ hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó là các chương trình chiến lược hành động trong thời hạn ba năm kể từ chương trình chiến lược giai đoạn 2010-2012, và tiếp đó là giai đoạn 2013-2015 với việc mở rộng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODA) lên tới 600.000 tỷ yên. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong được tổ chức tại Tokyo tuần đầu của tháng 7/2015, Nhật Bản và các nước thuộc khu vực sông Mekong khẳng định quyết tâm thực hiện chương trình hợp tác đầy tham vọng được gọi là “Chiến lược Tokyo mới năm 2015 cho sự hợp tác Nhật Bản-Mekong trong giai đoạn 2016-2018”. Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ vốn ODA cho khu vực lên tới 750.000 tỷ yên (tương đương 6.100 tỷ USD). Tuyên bố chung của Hội nghị khẳng định cam kết thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và đảm bảo tăng trưởng trong khu vực sông Mekong. Để đảm bảo tăng trưởng chất lượng, cả hai bên đều cho rằng cần phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kết nối trong khu vực và các vùng xung quanh để cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực và đảm bảo phát triển bền vững, phát triển thân thiện với môi trường. Nhật Bản sẽ mở rộng hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, phát triển đô thị, giao thông, cấp thóat nước, nông nghiệp và viễn thông. Hai bên cũng nhận thấy sự cần thiết tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như các đối tác thuộc khu vực tư nhân. 

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh trên, Nhật Bản, Thái Lan và Myanmar đã ký một Bản ghi nhớ hợp tác cùng phát triển các đặc khu kinh tế ở Dawei (Myanmar). Dawei được xem như là cửa ngõ kinh tế nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Dự án sẽ bắt đầu với việc xây dựng tuyến đường dài 138 km từ Dawei tới tỉnh Kanchanaburi phía Tây Bắc của thủ đô Bangkok (Thái Lan). Nhật Bản cũng đang phát triển dự án kết nối hàng hải giữa Dawei và cảng Chennai ở miền Nam Ấn Độ. 

Tại Hội nghị trên, Nhật Bản và 5 quốc gia thuộc khu vực sông Mekong cũng đã thảo luận một số vấn đề khu vực có liên quan đến hòa bình và ổn định như giải trừ vũ khí hạt nhân, an ninh hàng hải và hợp tác năng lượng. Đáng chú ý, hội nghị đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc duy trì tự do hàng hải, hàng không và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tính trạng căng thẳng gia tăng tại Biển Đông trong thời gian gần đây. 

Tóm lại, có một câu hỏi đặt ra là: Chính sách ngoại giao Mekong của Nhật Bản nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc? Trước sự gia tăng lợi ích chiến lược và kinh tế của Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe đang xác định lại vai trò an ninh và kinh tế của Nhật Bản trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng thận trọng không công khai đối đầu với Trung Quốc. Như một biện pháp xây dựng lòng tin, Nhật Bản đã thể chế hóa cơ chế song phương được gọi là Đối thoại chính sách Nhật Bản-Trung Quốc vào khu vực sông Mekong. Động thái này sẽ cung cấp một nền tảng để hai nước trao đổi quan điểm về nhiều khía cạnh của sự phát triển. Cho đến nay đã có 5 cuộc Đối thoại chính sách Nhật-Trung diễn ra và cuộc Đối thoại tiếp theo sẽ được tổ chức ở Nhật Bản năm 2016. 

Mặc dù là nước đến sau nhưng Trung Quốc đang tăng cường lôi kéo các nước thuộc khu vực sông Mekong thông qua việc hỗ trợ kinh tế cho các dự án như xây dựng hành lang Bắc-Nam và các dự án kết nối đường sắt. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước thuộc khu vực sông Mekong nhiều hơn so với Nhật Bản. Các nước thuộc khu vực sông Mekong nên sử dụng cơ hội này để tận dụng lợi thế của cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc. 

K.V. Kesavan, chuyên viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu Nhà quan sát Ấn Độ (ORF). Bài viết được đăng trên OFR.

Trần Quang (gt)