Từ cách đây 30 năm, chế độ Trung Quốc dựa vào 2 trụ cột chính là tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Dường như thế giới thấy trụ cột thứ nhất thường xuyên hơn. Tuy nhiên, điều đó dường như không còn nữa.

 

Trong 2 tuần qua, Trung Quốc có một tranh chấp gay gắt với Nhật liên quan đến quần đảo Senkaku. Bắc Kinh phản ứng bằng các ngôn từ ngày càng cứng rắn với việc Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc, kể cả việc bắt giữ công dân Nhật hoặc triệu Đại sứ Nhật giữa đêm để phản đối. Ngay cả khi Nhật đã thả viên thuyền trưởng, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với việc yêu cầu xin lỗi.

 

Vụ xung đột Senkaku chỉ là một trong hàng loạt các va chạm thời gian qua. Năm 2009, tàu cá Trung Quốc đã quấy nhiễu tàu hải quân Mỹ trong khu vực được coi là hải phận quốc tế. Gần đây, nhiều đội tàu đánh cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng biển Indonesia dẫn tới đụng độ với với tàu tuần tra nước này.

 

Sau vụ chìm tàu Hàn Quốc, Trung Quốc cam kết không bảo vệ cho nước chịu trách nhiệm. Thế nhưng khi cuộc điều tra kết thúc, Trung Quốc đã đứng ra bảo vệ Bắc Triều Tiên để không bị LHQ lên án, đồng thời tăng cường quan hệ quân sự. Sau gần 2 thập kỷ phát triển quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc, Hàn Quốc đã phải đối mặt với thực tế rằng Trung Quốc có lợi ích trong việc giữ cho bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.

 

Sự quả quyết của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là hành động khiêu khích hoặc sự giận dữ. Đó còn là một cách nhận thức mới. Dưới thời Mao và Đặng, Trung Quốc được coi như nhà lãnh đạo thế giới thứ Ba chống lại các nước bá quyền như Liên Xô và Mỹ. Đặng thường giữ cho các tranh chấp với các nước láng giềng không làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế.

 

Đến tháng 7 vừa qua, khi NT Clinton đứng về phía Việt Nam trong việc chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông  NT Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác chỉ là nước nhỏ. Đó là một sự thực”.

 

Thái độ trên của Trung Quốc cũng có thể chỉ là do vấn đề nội bộ hoặc liên quan đến cuộc đấu quyền lực cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào năm 2012. Tuy nhiên, nó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh nước này trong khu vực.

 

Trung Quốc thường giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, thái độ ngày càng quả quyết hơn của nước này sẽ khiến người ta không ngạc nhiên khi “các nước nhỏ” e ngại chiến lược “chia để trị” của Trung Quốc. Cựu TTg Lý Quang Diệu gần đây đã phát biểu rằng, Trung Quốc cần thận trọng xem xét cách xử lý với các nước ASEAN một cách riêng rẽ vì điều này sẽ đẩy họ gần Mỹ hơn.

 

Chính xác điều đó dường như đang diễn ra. Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức một cách vội vã giữa TTh Obama và nguyên thủ các nước ASEAN không phải là một sự kiện nổi bật. Tuy nhiên, thông cáo chung của hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của “tự do hàng hải” và “an ninh hàng hải” chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phải lưu tâm.

 

Hải Lý (gt)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)