Trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa” do phía Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú lâm – Hoàng Sa của Việt Nam

Tác giả cho rằng phản ứng cứng rắn và nhanh chóng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhận được sự coi trọng của các nhà quan sát quốc tế. Theo nghiên cứu viên Bhaskas. Roy thuộc Nhóm Phân tích Nam Á (SAAG), xu thế phát triển theo hướng ngày một cứng rắn của ngoại giao Trung Quốc cho thấy chính sách ngoại giao của nước này đang trong quá trình điều chỉnh. Một số người vẫn kiên trì sách lược ngoại giao “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đưa ra từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng số đông hơn lại cho rằng sách lược ngoại giao này đã không thể bảo vệ được lợi ích quốc gia của Trung Quốc. 

Theo tác giả Bành Niệm, trong những năm gần đây, cuộc tranh luận về sách lược ngoại giao ngày càng nóng lên ở Trung Quốc. Một số học giả Trung Quốc cho rằng thực lực Trung Quốc hiện không như xưa, đặc biệt là sau khi đã vượt Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc nên vận dụng sức mạnh tích lũy được một cách thích hợp để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo tác giả, tranh luận trên trước tiên phải xem xét vấn đề định vị công năng của ngoại giao. 

Ban đầu, sở dĩ Trung Quốc đưa ra sách lược ngoại giao “giấu mình chờ thời” là do các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trao cho ngoại giao công năng chủ yếu là phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc ngoại giao Trung Quốc phải tạo môi trường bên ngoài có lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng hiện nay, tình hình đã khác. Tuy trọng tâm công tác hiện nay của Trung Quốc vẫn là phát triển kinh tế đất nước, thúc đẩy hài hòa xã hội và ngoại giao vẫn phải phục vụ trọng tâm công tác này, nhưng do tình hình an ninh quốc gia ngày càng nổi cộm, nên ngoại giao còn phải phục vụ cho việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Có như vậy, định vị công năng của ngoại giao mới sát tình hình thực tế. 

Một mặt, ngoại giao phải cố gắng hết sức bảo vệ ổn định môi trường bên ngoài Trung Quốc, mặt khác ngoại giao cũng phải kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Hai công năng này không thể điều hòa và khiến cho chính sách ngoại giao hiện nay của Trung Quốc xuất hiện mâu thuẫn. Cho nên, việc định vị công năng của ngoại giao Trung Quốc như thế nào là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện nay cần xem xét một cách nghiêm túc. 

Bên cạnh đó phải thấy rằng mục tiêu cuối cùng của ngoại giao là bảo vệ lợi ích quốc gia. Do vậy, rất cần phải xem xét tới sách lược ngoại giao nào có thể bảo vệ lợi ích quốc gia nhiều hơn. Cùng với sự gia tăng về mức độ toàn cầu hóa, mối liên hệ giữa Trung Quốc và thế giới ngày càng chặt chẽ, lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài cũng ngày một lớn. Điều đó có nghĩa lợi ích của Trung Quốc hiện nay không chỉ bao gồm lợi ích trong nước mà còn bao gồm cả lợi ích ở nước ngoài. Sách lược ngoại giao truyền thống thiên về phục vụ lợi ích trong nước và chưa thể bảo vệ lợi ích ở nước ngoài một cách cực đại. Vì vậy, ngoại giao tương lai của Trung Quốc cần phải xem xét tới việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài như thế nào. 

Ngoài ra, sự tăng trưởng về thực lực của Trung Quốc cũng khiến không gian chiến lược cho việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ của nước này bị chèn ép. Những thay đổi tự thân của Trung Quốc đã khiến sách lược ngoại giao “giấu mình chờ thời” truyền thống thiếu không gian sinh tồn. Cùng với sự gia tăng về thực lực, Trung Quốc cũng cần phải gánh vác trách nhiệm tương ứng. Nếu Trung Quốc không gánh vác trách nhiệm này, về căn bản sẽ hủy hoại thực lực mềm của chính mình. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách ngoại giao Trung Quốc cũng cần phải tính tới việc làm thế nào thực thi nghĩa vụ của mình một cách tương đối tốt.

Tác giả Bành Niệm. Bài đăng trên hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc (Hồng Công) ngày 13/8.

Thùy Anh(gt)