Bài phân tích của nhà báo David Lague đăng trên Reuters nói về cách tiếp cận mới mà ông gọi là “cây gậy nhỏ” của Bắc Kinh. Trong thời gian căng thẳng quanh bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, Bắc Kinh vẫn đang kiềm chế không điều tàu chiến mà điều các tàu hải giám gần như không trang bị hỏa lực, mà phương Tây gọi là "tàu dân quân" tới khu vực. Hành động này được cho là có chủ ý giảm thiểu nguy cơ xung đột và hạn chế phản ứng trong khu vực.

Ông Thẩm Đinh Lập, chuyên gia về an ninh tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói việc sử dụng các loại tàu này nhằm mục đích thể hiện "quyền lực mềm", tránh tạo ra ấn tượng là TQ sử dụng "ngoại giao pháo hạm". Ông nhận xét như vậy "hòa bình và đạo đức hơn” nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ nhượng bộ.

Tuy đang mở rộng và củng cố hạm đội tàu chiến, tàu ngầm và chiến đấu cơ, nhưng Bắc Kinh hiểu rằng hung hăng quá sẽ chỉ khiến các nước khác trong khu vực, đặc biệt là VN, Malaysia, Indonesia và PLP, xích lại gần với nhau, cũng như tiến gần với Mỹ. Những toan tính trên khiến cho Bắc Kinh duy trì chính sách gửi thông điệp mạnh nhưng thông qua đội tàu dân sự, trong khi vẫn duy trì hạm đội ở đằng sau.

Hiện các tàu dân sự của TQ thuộc quản lý của nhiều cơ quan như Cơ quan An toàn hàng hải, Cơ quan biên phòng và cảnh sát biển, Cơ quan thực hiện Luật thủy sản, Cơ quan Hải dương nhà nước và Tổng cục Hải quan cùng với các cơ quan địa phương ở các tỉnh. Điều này làm cho hoạt động của TQ bị chồng chéo và không đồng nhất. Các chuyên gia hàng hải TQ vì vậy đang kêu gọi Bắc Kinh tăng cường đội tàu bán dân sự đang đảm trách nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và cần thiết lập một lực lượng tuần duyên chung giữa các cơ quan để tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả.

Liên quan đến tranh chấp đảo Scarborough/Hoàng Nham, ngày 15/5, tại Bắc Kinh, NFN BNG/TQ Hồng Lỗi khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với đảo Hoàng Nham của TQ là kiên định và TQ sẽ nỗ lực hết sức, mong PLP cùng giải quyết vụ việc đảo Hoàng Nham hiện nay thông qua thương lượng ngoại giao.

Trước đó ngày 14/5, trả lời các phóng viên, TTh PLP Benigno Aquino đã cho biết những bình luận, mà theo các chuyên gia, thể hiện những quan điểm mềm hơn của PLP do áp lực lớn từ Mỹ cũng như người dân PLP.

Trong một động thái khác, ngày 16/5, PLP đã ban bố lệnh cấm đánh bắt cá hai tháng tại bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, sau khi PLP tuyên bố không công nhận lệnh cấm đánh bắt cá tương tự của TQ. Lệnh cấm của PLP và TQ, đều có hiệu lực từ ngày 16/5, được giới quan sát xem như cơ hội để tìm ra giải pháp giữ thể diện cho hai nước rút khỏi tranh chấp này. TQ hiện có hai tàu ngư chính và 10 tàu đánh cá tại đảo Scarborough/Hoàng Nham  trong khi PLP có hai tàu của chính quyền và một tàu đánh cá ở trong khu vực.

Các báo nhận xét mỗi bên đều rút ra được bài học từ sự kiện này và cân nhắc việc xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng tại Biển Đông để tránh các cuộc xung đột tiềm ẩn.

Tiến sỹ Moxiakov, Viện Phương Đông Nga cho rằng tranh chấp tại đảo Scarborough/Hoàng Nham nếu dẫn đến chiến tranh và là ngòi nổ cho xung đột quy mô lớn tại khu vực, sẽ hoàn toàn không tương xứng với hậu quả nghiêm trọng mà nó gây nên. Hơn nữa nếu Mỹ can dự vào xung đột vũ trang, thì sẽ đe dọa toàn bộ mối quan hệ Mỹ-TQ, trong đó kim ngạch hai chiều đạt hơn 400 tỷ USD. Sự đổ vỡ trong quan hệ sẽ dẫn tới hậu quả tai hại cho cả kinh tế TQ và Mỹ. Do đo, Mỹ sẽ cố gắng mọi cách để tránh bị lôi kéo vào tranh chấp. Mỹ chỉ can thiệp một khi tình hình xấu và mang tính thảm họa đối với PLP.

Về phía TQ, ông Moxiakov cho rằng do còn bận xử lý vấn đề chuyển giao quyền lực nội bộ, TQ sẽ không muốn chiến tranh. Nhưng họ cũng không thể dễ dàng bỏ qua, do cánh dân tốc chủ nghĩa trong nội bộ TQ từ lâu đã chỉ trích chính quyền quá mềm yếu. Như vậy nếu không có gì đột biến, TQ sẽ không mạo hiểm lao vào xung đột với PLP, một khi đứng sau nước này là Mỹ.

Trong khi đó, Mạng Sina, Kommersant, Cambodia Herald ngày 16/5 cho biết ngày 15/5, Trung tá Omar Tonsay, NFN Hải quân PLP, cho biết ngày 13/5, tầu ngầm hạt nhân USS North Carolina của Mỹ đã cập cảng Subic Freeport theo một kế hoạch “tu bổ thường xuyên” và sẽ rời cảng ngày 19/5. Vịnh Subic trước đây là căn cứ hải quân của Mỹ, nay được PLP biến thành cảng tự do, bãi nghỉ mát và khu công nghiệp nhẹ. Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nằm phía Tây Vịnh Subic 234 km (145 hải lý). Khác biệt đối với bãi cạn bắt đầu ngày 8/4 khi tàu bảo vệ hàng hải lớn của TQ ngăn cản nỗ lực PLP chặn bắt tàu đánh cá TQ. Ông Tonsay cũng nói, tàu ngầm hạt nhân này ghé cảng Subic không liên quan gì với vụ đối đầu kéo dài trên vùng biển đảo Scarborough/Hoàng Nham giữa PLP và TQ, mà chỉ là một lần ghé thăm bình thường.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng không phải là ngẫu nhiên mà chiếc USS North Carolina của Mỹ lại ghé Subic, một hải cảng nhìn ra phía bãi Scarborough, chỉ cách đấy 145 hải lý về phía tây. Chuyến đi lần này của tàu USS North Carolina được cho là nhằm hai mục tiêu, vừa trấn an PLP, vừa cho thấy Mỹ vẫn đang theo dõi kỹ căng thẳng giữa TQ và PLP.

Tình hình căng thẳng Manila - Bắc Kinh liên quan đến chủ quyền trên bãi Scarborough/Hoàng Nham đã nêu bật sự yếu kém quá mức của PLP về phương diện quân sự. Theo RFI, tình hình sắp tới đây có thể khác sau phát biểu hôm 16/5 của TTh PLP Aquino cho biết PLP có thể bỏ ra khoảng 1,6 tỷ USD để mua hai phi đội máy bay phản lực gồm từ 16 - 24 chiếc và ông không loại trừ việc đặt mua từ một nước "tiến bộ" khác, chứ không nhất thiết từ Mỹ. Theo TTh Aquino, nguồn cung cấp có thể đến từ châu Âu, “hay là một nơi gần” PLP.

Mạng Hoa Hạ ngày 16/5 đăng bài “Sự cần thiết và tính khả thi của hợp tác giữa hai bờ ở Biển Đông” của Trương Văn Sinh, Phó Giáo sư, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính trị, Đại học Hạ Môn TQ cho biết gần đây, VN và PLP liên tục gây sự ở Biển Đông đã làm cho nhân dân hai bờ hết sức chú ý. Việc hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền của dân tộc Trung Hoa ở Biển Đông là trách nhiệm chung của người dân TQ. Thứ nhất, về vấn đề Biển Đông, lập trường và chủ trương của hai bờ đối với biên cương chủ quyền truyền thống của TQ là thống nhất. Hai bờ đều có trách nhiệm và nghĩa vụ duy trì chủ quyền chung ở Biển Đông. Thứ hai, việc hợp tác của hai bờ ở Biển Đông là rất cần thiết, vừa phải chiếu cố đến hiện thực chính trị của hai bờ, vừa cố gắng thống nhất lập trường của hai bờ về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Quân đội hai bờ có thể xây dựng kế hoạch riêng, nhưng khi một bên bị bên thứ ba tấn công thì bên kia sẽ chủ động có biện pháp hỗ trợ cần thiết như viện trợ nhân đạo, tiếp tế hậu cần, phòng ngự bên sườn.

Trần Quang (gt)