Có thể nói, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và thái độ quả quyết của Bắc Kinh trong việc khẳng định chủ quyền ở khu vực này đang khiến Philíppin, Đài Loan, Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Brunây - các nước và vùng lãnh thổ cũng đang đòi chủ quyền - lo ngại. Không những thế, các nước láng giềng của Trung Quốc cũng cảm nhận được “hơi nóng” từ Bắc Kinh. Ấn Độ, quốc gia được coi là đối thủ kinh tế và từng xung đột vũ trang với Trung Quốc năm 1962 tại Himalaya do tranh chấp biên giới, hiện có một cuộc tranh cãi khác với Trung Quốc liên quan đến đoạn thượng nguồn của sông Brahmaputra. Theo phía Ấn Độ, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 24 nhà máy thủy điện với tổng công suất gần 2.000 MW dọc thượng nguồn sông Brahmaputra, đoạn có tên là Sông Arun, trước khi đổ vào Ấn Độ.

Sự lo ngại của Ấn Độ ngày càng tăng là do hầu hết các dòng sông chính của nước này đều bắt nguồn từ Tây Tạng - nơi Trung Quốc chiếm đóng và đưa vào bản đồ từ năm 1950, đồng thời tuyên bố đây là một vùng không thể tách rời của Tây Trung Quốc. Cả sông Brahmaputra và sông Indus đều xuất phát từ một hồ lớn ở phía tây Tây Tạng, gần núi Kailash. Chuyên gia phân tích chiến lược của Ấn Độ Brahma Chellaney cho rằng “Trung Quốc luôn biện hộ khi từ chối tham gia các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với bất kỳ quốc gia nào. Họ thường tuyên bố rằng họ quan tâm tới lợi ích của các nước hạ nguồn, nhưng sự thực là khoảng một nửa tổng số đập nước lớn trên thế giới là ở Trung Quốc. Với rất nhiều sông lớn bắt nguồn từ Tây Tạng, Ấn Độ hiện là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn nhất. Vấn đề này thường được Bộ tài nguyên các nước đưa ra một cách yếu ớt và không bao giờ có bất kỳ sức ép quốc tế nào, trong khi danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng từ Trung Quốc ngày càng dài, bao gồm Nga, Cadắcxtan, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào”. Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào cũng bị báo động bởi các kế hoạch xây dựng ba đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Công, chưa kể sáu cơ sở thủy điện hiện có. Điểm còn thiếu trong các kế hoạch này là một nỗ lực chung của khu vực hoặc của cộng đồng quốc tế nhằm phản đối các kế hoạch của Trung Quốc.

Danh sách những nước bị ảnh hưởng dọc biên giới trên bộ của Trung Quốc mà Chellaney đưa ra khá rõ. Nhưng vấn đề đọng lại là liệu hai cường quốc trong khu vực là Nga và Ấn Độ có sẵn sàng đối mặt, dù đơn lẻ hay phối hợp, với các nỗ lực của Bắc Kinh muốn khống chế dòng chảy của các con sông ở châu Á để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp của họ hay không. Cho tới nay, các tín hiệu không mấy khả quan khi “quyền lực mềm” kinh tế của Trung Quốc đang cám dỗ Nga và Ấn Độ giống như Bắc Kinh đã làm với kinh tế Mỹ.

  Theo Oilprice

 Mỹ Anh (gt)