Bài báo cho rằng trong bối cảnh như vậy, có ba yếu tố ảnh hưởng đến những lựa chọn của Ấn Độ đối với Myanmar. Thứ nhất, Myanmar được coi như một cơ hội lớn, như một cầu nối Ấn Độ với các nước khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thứ hai, Ấn Độ biết rằng các các bang Đông Bắc Ấn Độ giáp Myanmar là những khu vực nghèo nhất và thường bất ổn. Việc Ấn Độ đầu tư nhiều vào Myanmar mà không mang lại lợi ích cho khu vực Đông Bắc Ấn Độ sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề này. Do đó, các yếu tố trong nước sẽ chi phối quyết định của Ấn Độ khi can dự vào Myanmar. Thứ ba là “bóng ma” Trung Quốc lởn vởn trên đầu mỗi khi Ấn Độ thảo luận tiến trình hành động đối với Myanmar. 

Vậy làm thế nào để giải quyết ba vấn đề hóc búa này? Các bài học trong lịch sử kinh doanh có thể được áp dụng. Trong thế giới thương mại, không phải đối thủ cạnh tranh lớn hơn hoặc mạnh hơn luôn giành thắng lợi trên thị trường. Trong hầu hết các trường hợp, “người chơi” nào sáng tạo, linh hoạt và kịp thời hơn sẽ thành công. Cũng như bất kỳ nước đang phát triển có thu nhập thấp nào, nhu cầu của Myanmar hiện rất lớn, trong đó có nhu cầu về hạ tầng, công nghiệp chế tạo, năng lượng, giao thông vận tải và các nhu cầu cơ bản… Trung Quốc có thể xây dựng đường sá, hải cảng và đập nước cho Myanmar nhưng ai sẽ là người vận hành và bảo dưỡng? Tương tự như vậy, hệ thống giáo dục của Myanmar cần giáo viên và chuyên gia; hạ tầng y tế không chỉ cần bác sĩ mà còn cần cả y tá, hộ lý, dược sĩ, kỹ thuật viên.

Myanmar cần các nhà kiến trúc, quy hoạch đô thị, các thiết kế, lao động thủ công lành nghề, cùng với kỹ năng quản lý, tài chính, thuế, môi trường, quy chế thương mại, thủ tục bầu cử…Những lĩnh vực này Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh hơn Trung Quốc, bởi nước này có đội ngũ lao động lành nghề nói tiếng Anh. 

Có hai cách mà Ấn Độ có thể giúp Myanmar phát triển những khả năng trên. Thứ nhất, Ấn Độ cần xây dựng các cơ sở cần thiết tại Myanmar. Tốt hơn hết, Ấn Độ nên đầu tư để xây dựng các cơ sở tại các vùng Đông Bắc giáp Myanmar để tăng thêm lợi thế cho các trường dạy tiếng Anh hiện có, nhằm thu hút sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên từ các nước láng giềng liền kề như Myanmar, Bangladesh và Bhutan. Hướng đi này sẽ liên kết các mục tiêu trong nước của Ấn Độ với các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của New Delhi. Hàng nghìn sinh viên Myanmar sau khi trở về nước với một chương trình giáo dục hữu ích sẽ có thể tạo dựng và tăng cường mối quan hệ hữu nghị lâu dài với Ấn Độ. 

Thứ hai, có thể hướng tới những dự án chung Trung Quốc-Ấn Độ tại Myanmar. Tham gia tiến trình phát triển kinh tế của Myanmar là quan trọng đối với Ấn Độ, không chỉ vì lợi ích kết nối với ASEAN, mà điều cơ bản hơn là nó sẽ thể hiện một sự thật quan trọng rằng Ấn Độ không thể phát triển một cách bền vững nếu các nước láng giềng của Ấn Độ yếu kém và lạc hậu.

 Báo "The Hindu

Thùy Anh (gt)