16/03/2012
Vấn đề không phải là liệu Barack Obama có phải đã là một tổng thống giỏi về chính sách đối ngoại hay không. Mà là liệu ông có thể là một tổng thống xuất sắc về chính sách đối ngoại hay không.
Trong cuộc chạy đua maratông là chiến dịch tranh cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, các ứng cử viên trong nhiều tháng qua đã tìm cách ngáng đường lẫn nhau về tất cả mọi thứ từ chủ nghĩa tư bản cho đến những giá trị gia đình trong một loạt các cuộc tranh luận dường như bất tận. Nhưng chính sách đối ngoại là một chủ đề không xuất hiện nhiều. Điều này là bất bình thường. Trong những thập kỷ sau chiến tranh Việt Nam, các đảng viên Cộng hòa không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để nói về các mối nguy hiểm toàn cầu - hoặc tấn công các đối thủ thuộc đảng Dân chủ của họ vì những nhân nhượng vô nguyên tắc nhu nhược. Tuy nhiên, những ngày này, người ta có thể lắng nghe hàng giờ các đảng viên Cộng hòa và chỉ thấy một cuộc tấn công không thường xuyên, hạn hẹp vào cách xử lý chính sách đối ngoại Mỹ của Barack Obama. Đương nhiên, lý do chính là nền kinh tế đang chi phối cuộc đàm luận quốc gia. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Nếu các đảng viên Cộng hòa nhìn thấy những cơ hội để đả kích ông Obama về chính sách đối ngoại, thì họ sẽ không do dự. Năm 1980, nền kinh tế khốn cùng, nhưng cả cuộc bầu cử sơ bộ lẫn tổng tuyển cử đều bị chi phối bởi những cuộc tấn công vào các chính sách của Jimmy Carter đối với Liên Xô, Iran và các nước khác. Thực tế là, bất chấp những thách thức ở trong nước và các nguồn lực hạn chế, Tổng thống Obama đã theo đuổi một chính sách đối ngoại có hiệu quả. Trên thực tế, trong năm qua, các chính sách của Obama đã kết hợp với nhau theo một cách thức đặc biệt thành công. Trong một chuyên mục op-ed (mục tranh luận của các ý kiến trái với quan điểm của ban biên tập tờ báo) được đăng vào ngày 9/1 trên tờ Financial Times, Philip Zelikow, một trợ lý cấp cao lâu năm của Condoleezza Rice và là một trong những học giả thông minh về chính sách của đảng Cộng hòa, đã mô tả năm qua là “năm quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thập kỷ... Việc tăng cường mang tính tích lũy sức lực và cam kết của Mỹ là có thể cảm nhận được”.
Tất nhiên, đó không phải là những gì các ứng cử viên đảng Cộng hòa đề cập khi họ nói về chủ đề này. Mitt Romney, người được cho là nhân vật có triển vọng thành công trong cuộc chạy đua đã tấn công Obama nhiều hơn so với tất cả các đối thủ của ông, cáo buộc rằng Obama là một kẻ nhân nhượng xin lỗi cho nước Mỹ, thiếu dũng cảm và “do dự, thiếu quyết đoán, nhút nhát và quá thận trọng”. Sự chỉ trích chung chung và có phần mơ hồ này theo sau câu chuyện quen thuộc của đảng Cộng hòa, nhưng nó không chắc đứng vững, đặc biệt là với các cử tri của cuộc tổng tuyển cử. Thậm chí trước khi có một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái làm tê liệt al-Qaeda, thậm chí trước khi tiêu diệt Osama bin Laden, thậm chí trước khi có sự kiện Libi, hầu hết người Mỹ đều cho Obama những điểm cộng đối với cách ông giải quyết chính sách đối ngoại. (Tỷ lệ ủng hộ ông hiện nay là 52%.) Các đảng viên Cộng hòa đã đưa ra những cáo buộc cụ thể trong một vài lĩnh vực - Ixraen và Iran - chủ yếu với hy vọng rằng họ có thể củng cố sự ủng hộ tại một khu vực bầu cử chủ chốt (những người theo phái Phúc âm) và tranh thủ sự ủng hộ của khu vực cử tri khác (người Mỹ gốc Do Thái), nhưng ngay cả ở đó, các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ vừa lòng với đường hướng của Obama. Chính sách đối ngoại không phải là một cuộc thi về mức độ được lòng dân, mà nó có ý nghĩa về mặt lịch sử mà Đảng Cộng hòa, đảng từ thời Nixon đã được hưởng một lợi thế rõ ràng trong các vấn đề chính sách đối ngoại, sẽ bước vào cuộc đua năm 2012 mà không có bất kỳ sự khích lệ nào như vậy. Đó có thể một phần là vì những thất bại của George W. Bush, nhưng nó cũng là vì Obama đã xử lý một cách khéo léo tình hình. Và ông đã làm như vậy với một êkíp không phải gồm những đối thủ mà là những nhân vật có ảnh hưởng mà khó có thể quản lý họ. Trong số các cố vấn chính sách đối ngoại nòng cốt của Tổng thống trong phần lớn 3 năm đầu của ông có hai người mà ông đã chạy đua với họ trong chiến dịch tranh cử sơ bộ năm 2008 (Hillary Clinton và Joe Biden), một người đứng đầu Bộ Quốc phòng kế thừa từ người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa của ông (Robert Gates) và một vị tướng được cho là đã bất đồng với ông về Irắc và Ápganixtan (David Petraeus). Việc họ phần lớn nhất trí về chính sách rộng lớn là có ích, nhưng đó vẫn là một êkíp đã cộng tác tốt với nhau trong chừng mực nào đó nhờ Cố vấn An ninh Quốc gia dè dặt nhưng hiệu quả cao, Thomas Donilon, .
Nhà bình luận Walter Lippmann đã từng viết rằng “chính sách đối ngoại cốt ở việc đem lại sự cân bằng, với một sự dư thừa thoải mái quyền lực để dự trữ, những cam kết của quốc gia và sức mạnh của quốc gia”. Từ năm 2001, nước Mỹ đã trải qua một thập kỷ với những cam kết và can thiệp ồ ạt ở nước ngoài, điều tỏ ra vô cùng tốn kém về người và của - và rất không được lòng dân trên khắp thế giới. Theo sau sự mở rộng quá mức này là một cuộc khủng hoảng kinh tế làm cạn kiệt sức mạnh của Mỹ. Kết quả là một chính sách đối ngoại không có khả năng trả nợ. Obama lên nắm quyền đã quyết định giảm bớt những cam kết dư thừa, lấy lại thiện chí và tái tập trung vào các sứ mệnh cốt lõi của Mỹ để đạt được một địa vị toàn cầu ổn định và bền vững hơn. Obama có thể được ghi công vì đã đạt được nhiều thứ trong những hoàn cảnh này. Nhưng muốn để lại một di sản lâu dài hơn là di sản một nền ngoại giao công chúng tập trung, có hiệu quả và tốt đẹp, ông sẽ cần phải xây dựng dựa vào những thành công của mình và việc nhận thức và thực hiện một loạt các chính sách thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới tốt đẹp hơn - ổn định hơn, cởi mở hơn và tự do hơn. Những tổng thống giỏi về chính sách đối ngoại (như Dwight Eisenhower, George HW Bush) đã xử lý thành thạo một loạt phức tạp những thách thức, mắc ít lỗi tai hại. Những tổng thống kém (như George W. Bush và Lyndon Johnson) đã mắc những sai lầm khiến Mỹ hao tổn sinh mạng, của cải và uy tín. Nhưng những tổng thống xuất sắc về chính sách đối ngoại (như Harry Truman) đã tạo được các cơ cấu và các mối quan hệ lâu dài đem lại hòa bình và thịnh vượng bền vững. Obama đã là một tổng thống giỏi về chính sách đối ngoại; ông có cơ hội để trở thành một tổng thống xuất sắc.
Học thuyết Obama
Các ứng cử viên trên con đường tranh cử thường nói về chính sách đối ngoại, thứ dường như có lợi thế về chính trị, chỉ để phát hiện ra rằng họ không thực sự tin vào bất kỳ một điều nào trong đó một khi lên nắm quyền. Những tuyên bố về chính sách đối ngoại duy nhất của George W. Bush đáng lưu ý trong chiến dịch tranh cử của ông là chỉ trích sự ngạo mạn và việc xây dựng quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, ngay khi ông trở thành Tổng thống, như các sự kiện đã tự thể hiện, ông đã nhận ra rằng mình thực sự thích nói về nước Mỹ như một quốc gia được Chúa và lịch sử lựa chọn để lãnh đạo thế giới. Và ông đã khởi xướng dự án xây dựng quốc gia rộng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Những tuyên bố của Mitt Romney về Taliban và Iran chẳng hạn không cho chúng ta biết gì nhiều hơn ngoài việc ông đã tìm thấy một điểm để giành lợi thế trước Obama. Mặt khác, Tổng thống đã lên nắm quyền với một loạt những niềm tin về thế giới mà ông đã tìm cách hành động theo. Trước nhất là trong thập kỷ qua, Mỹ đã lãng phí sức mạnh và uy tín của mình cho một sự can thiệp vào Irắc mà ông tin rằng đó là một sai lầm tốn kém và là một sự xao lãng lớn. Trên cương vị cầm quyền, Obama đã kiên định với quan điểm của mình bất chấp sức ép đòi phải làm khác đi, và theo một cách thức có kỷ luật, ông đã rút bớt các lực lượng của Mỹ tại Irắc, từ 142.000 quân khi ông nhậm chức tới không còn một binh lính nào kể từ một vài tuần trước đây. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, khi tôi hỏi Obama chính sách đối ngoại của Tổng thống nào mà ông ngưỡng mộ, ngay lập tức ông đã chọn George HW Bush (Bush cha), một Tổng thống được biết đến là một người có óc thực tế về chính sách đối ngoại, mà khẩu hiệu của ông là thận trọng, hiệu quả về chi phí, ngoại giao và kiềm chế. James Baker, Ngoại trưởng của Bush, đã thừa nhận ủng hộ đường hướng của Obama đối với các quan hệ quốc tế.
Ngược lại với chính sách của ông về Irắc, Obama lập luận ủng hộ tăng cường lực lượng ở Ápganixtan. Nhưng ngay cả ở đó, ông đã tìm cách chấm dứt những mặt mở rộng hơn nữa của sứ mệnh, tập trung cuộc chiến đấu vào chống khủng bố chống lại al-Qaeda và các nhóm tương tự, cho dù ở Ápganixtan, Pakixtan hay Yêmen. Sự lựa chọn thay thế, một cuộc chiến tranh chống nổi dậy tại Ápganixtan, có thể dễ dàng biến thành một dự án xây dựng quốc gia bỏ ngỏ tại một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Một số quan chức chính quyền đã xác nhận với tư cách cá nhân rằng ngay từ đầu Obama đã muốn thu hẹp sứ mệnh ở Ápganixtan lại thành một cuộc chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố. Ông hoặc đã bị quân đội qua mặt hoặc đã quyết định chấp nhận lời tư vấn tăng quân của quân đội. Cuối cùng, ông đã tán thành một sự tăng cường lực lượng trong 18 tháng để buộc Taliban phải đàm phán và công bố hồi tháng 6/2011 rằng Mỹ sẽ bắt đầu rút 10.000 quân tại Ápganixtan vào cuối năm 2011 và thêm 23.000 quân vào cuối mùa Hè năm 2012, để lại 68.000 quân ở đất nước này. Trong khi đó, ông đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố một cách dữ dội, mở rộng một cách đáng kể chiến dịch tác chiến đặc biệt và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ đó đã tiêu diệt hầu hết các thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda - phần lớn trong số đó sống ở Pakixtan. Thành công trọn vẹn của chiến lược này là cuộc đột kích vào khu nhà của Osama bin Laden ở Pakixtan và vụ ám sát ông ta. (Dĩ nhiên, với toàn bộ công cuộc chống khủng bố thành công, chiến lược này dường như hoàn hảo khi nhìn lại. Nếu những sứ mệnh khác nhau này thất bại, nếu nhiều binh lính Mỹ hy sinh, những chiến thuật này sẽ được gọi là nguy hiểm và liều lĩnh.) Trong trận đánh trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố, Obama đã làm theo nhiều chiến thuật tấn công của Chính quyền Bush, sử dụng chúng một cách tích cực hơn và đạt được thành công lớn hơn.
Các đảng viên Cộng hòa thấy khó có thể tấn công Obama một cách hiệu quả vào vấn đề cốt lõi của việc chiến đấu chống lại các kẻ thù của Mỹ bởi vì ông đã giành lợi thế trước họ. Khi được yêu cầu mô tả Học thuyết Obama, Tổng thống đã chọn không trả lời trực tiếp, nhưng ông giải thích rằng ông tin tưởng Mỹ phải hành động cùng với các nước khác. Ông đã nói với tạp chí Time: “[Học thuyết của tôi] là một vai trò lãnh đạo của Mỹ công nhận sự trỗi dậy của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin. Đó là một vai trò lãnh đạo của Mỹ công nhận những hạn chế của chúng ta về nguồn lực và năng lực”. Đường hướng đa phương đó - lắng nghe người khác, nhận thức được niềm tự hào dân tộc, những lợi ích và cái tôi của họ - chắc chắn là một sản phẩm của lai lịch có tính thế giới của ông, với cha là người người Kênia, cha dượng là người người Inđônêxia và mẹ là nhà nghiên cứu nghiêm túc về sự phát triển toàn cầu. Điều đó đã cho thấy kết quả. Obama đã yêu cầu các quốc gia khác tiến bước trong cuộc khủng hoảng Libi nếu họ mong đợi sự giúp đỡ của Mỹ. Điều này đã được một số người châm biếm là “lãnh đạo từ phía sau”, nhưng thực sự nó buộc những nước khác phải hành động trong một vấn đề mà Mỹ không coi là trọng tâm đối với an ninh quốc gia của nước này. Ông ngụ ý nếu Pháp và Anh coi Libi có ý nghĩa quan trọng sống còn, thì họ cần phải hành động bằng tiền bạc và quân đội của mình. Tại châu Á, Obama khiến các quốc gia phải yêu cầu Mỹ can dự thay vì lao vào đề xuất nó. Các nước đang sẵn sàng hơn chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ nếu Oasinhtơn có đủ kiên nhẫn để khiến họ yêu cầu điều đó.
Trong một khu vực mà ông cho là có ý nghĩa quan trọng sống còn, Obama đã chứng tỏ bản thân mình sẵn sàng tỏ ra vô cùng cứng rắn. Sau khi tìm cách đàm phán với người Iran và bị họ cự tuyệt, Chính quyền đã tăng cường áp lực đối với Têhêran. Chính quyền đã tăng thêm các biện pháp trừng phạt, tăng cường hợp tác với chính phủ Ixraen và các quốc gia Arập vùng Vịnh và đưa ra các biện pháp trừng phạt thậm chí còn gây lụn bại hơn nhằm chồng chất cái giá phải trả lên Iran. Không điều nào có thể khả thi nếu thiếu ngoại giao đa phương đáng kể. Người Trung Quốc và người Nga đã ký vào các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc (điều đảm bảo rằng chúng được thi hành trên toàn thế giới). Các đồng minh châu Âu và Đông Á của Oasinhtơn đã tiến xa hơn nữa trong việc cắt đứt các mối quan hệ kinh tế với Iran. Quan sát các kết quả, Thủ tướng Ixraen, Benjamin Netanyahu, có lẽ là nhân vật diều hâu hàng đầu trên thế giới đối với Iran - và không phải người hâm mộ Tổng thống - vào ngày 14/1 đã thừa nhận rằng sức ép đang có hiệu lực, rằng Iran đang “lung lay” và rằng chính sách ngăn chặn cứng rắn kiểu này có thể thực sự phát huy tác dụng. Một phần lớn trong chính sách đối ngoại là xử lý khủng hoảng. Tổng thống đã nói “Sự việc xảy ra, và người ta phải đối phó lại”. Phong trào Xanh của Iran và Mùa Xuân Arập là những sự kiện đầy thách thức và bất ngờ, và Chính quyền Obama đã có một sự phân biệt chiến lược giữa hai sự kiện này. Về Iran, trong khi đưa ra sự ủng hộ mang tính giọng điệu, Nhà Trắng dường như đã kết luận rằng chế độ này có thể sẽ đàn áp phong trào Xanh - điều hóa ra lại là một chẩn đoán chính xác.
Trong trường hợp Tuynidi, Ai Cập và Libi, Chính quyền kết luận rằng các cuộc phản kháng dân chủ đã trở nên không thể ngăn cản và các chế độ bị diệt vong. Ronald Reagan đã phải mất hai năm kể từ khi bắt đầu các cuộc phản kháng dân chủ ở Philíppin để lật đổ Ferdinand Marcos. Vào năm 1997 khi các cuộc phản kháng bắt đầu ở Inđônêxia, Bill Clinton mất một năm để thúc giục Tổng thống Suharto từ chức. Năm 2011 Obama mất hai tuần để thúc giục Hosni Mubarak ra đi. Bằng cách đặt Mỹ vào đúng bên của một làn sóng lịch sử, Obama đã đưa nước này nằm ngoài các cuộc tranh luận chính trị của Ai Cập. Người Ai Cập biết họ sẽ thành công hay thất bại trong thử nghiệm dân chủ của họ là nhờ chính bản thân họ chứ không phải Oasinhtơn. Tại một Trung Đông nơi tin rằng nước Mỹ âm mưu và kiểm soát tất cả, thì đó là một bước tiến. Đã có những sự bỏ lỡ. Bất kể quan điểm của người ta về vấn đề Ixraen-Palextin như thế nào, khó có thể coi đường hướng của Obama là một thành công. Vấn đề cơ bản ở đó vẫn là không bên nào có chiều hướng hoặc có khả năng đem lại hòa bình ngay lúc này. Ixraen được cai trị bởi một liên minh cánh hữu sẽ sụp đổ nếu nó cố gắng đạt được hòa bình và một Thủ tướng hầu như chắc chắn không muốn làm như vậy. Palextin bị chia rẽ thành hai nhóm, một nhóm trong đó dứt khoát bác bỏ hòa bình với Ixraen. Trong bối cảnh này, mạo hiểm uy tín của Mỹ với hy vọng rằng một vài từ ngữ hoặc cú huých sẽ thay đổi tình hình dường như là ngây thơ. Sẽ tốt hơn nếu tiếp tục với những gì dường như là chiến lược ban đầu của Obama: bổ nhiệm một đặc phái viên để thế giới biết rằng Oasinhtơn muốn một sự thỏa thuận – nhưng không đặt vốn liếng của tổng thống vào một tình huống mà dường như đã được định sẵn là trì trệ. Người ta có thể bổ sung thêm những vấn đề khác. Quan hệ với Iran có thể bùng nổ khi sức ép hình thành (và giá dầu tăng) mà không có bất kỳ con đường ngoại giao rõ rệt nào hướng tới một thỏa thuận hạt nhân. Chính sách hiện nay giả định rằng Iran sẽ đầu hàng hoặc, sau khi mô tả tình hình với những ngôn từ khốc liệt, Chính quyền Obama sẽ tiến hành những bước thậm chí còn mạnh mẽ hơn, có thể bao gồm cả một cuộc tấn công quân sự vào đất nước này. Không kịch bản nào dường như là có thể, và cũng không bên nào dường như làm việc để xây dựng một kịch bản thứ ba.
Cơ hội châu Á
Xử lý khủng hoảng, hiệu quả hay không hiệu quả, không phải là chiến lược. Obama đã quyết định giảm bớt những cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và hạn chế các cam kết của nước này ở những nơi như Irắc và thậm chí cả Ápganixtan để ông có thể tập trung chính sách đối ngoại của Mỹ vào các lợi ích cốt lõi của Mỹ. Ông đã xác định những lợi ích cốt lõi này là quan hệ của Mỹ với các cường quốc và việc nước này nắm lấy các vấn đề toàn cầu lớn hơn. Ông đã thiết lập lại quan hệ với Nga, xây dựng dựa trên các mối quan hệ đang lớn mạnh với Ấn Độ, thiết lập một mối quan hệ cộng tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và duy trì những liên hệ lịch sử với các đồng minh châu Âu. Nhưng sự nâng cấp lớn nhất trong quan hệ của Mỹ là ở châu Á. Chiến lược "tái cân bằng" rất có thể là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Obama và là điều mà các nhà sử học sẽ chỉ ra khi tìm kiếm một Học thuyết Obama. Nó được đặt tiền đề trên một sự công nhận đơn giản, mạnh mẽ. Trung tâm của sức mạnh kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển về phía Đông. Trong 10 năm tới, ba trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ở châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Những căng thẳng và các cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất cũng có thể ở châu Á khi những nước này cũng tìm kiếm quyền lực chính trị, văn hóa và quân sự. Nếu Mỹ định sẽ là cường quốc toàn cầu trung tâm, nước này sẽ cần phải là một cường quốc Thái Bình Dương.
Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Ôxtrâylia, Obama đã đánh tín hiệu về ý định của Mỹ. Ông nói “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi đang ở đây”. Tổng thống đã hứa hẹn rằng bất chấp những cắt giảm quốc phòng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của quân đội, sẽ không có sự cắt giảm nào tại châu Á. Trong năm qua, Chính quyền đã khởi xướng một loạt các nỗ lực ngoại giao mà lên đến đỉnh điểm vào cuối năm với một đợt bùng lên các sáng kiến. Mỹ sẽ thiết lập một căn cứ quân sự (loại xoàng) tại Ôxtrâylia, mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở Thái Bình Dương. Nước này đã khởi xướng một hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương, mà nếu được đàm phán, sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất kể từ sau NAFTA. Mỹ đã tái thiết lập quan hệ với Mianma, do đó có được ảnh hưởng đối với một nước then chốt tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ. Và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác với các nước châu Á khác tại Hội nghị cấp cao Đông Á để hạn chế ảnh hưởng và những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông). Sự chuyển hướng sang châu Á đã có hiệu quả cao, tận dụng lợi thế từ sự hiếu chiến của Trung Quốc. Nhưng hiện nay Chính quyền phải làm việc để xây dựng một tầm nhìn có tính khẳng định về một châu Á không hợp lại với nhau chống lại Trung Quốc mà thay vào đó là cởi mở, đa dạng và đa số. Thách thức thực sự là thuyết phục Trung Quốc rằng nước này được lợi từ sự ổn định, các quy tắc và sự thịnh vượng mà một tầm nhìn như vậy sẽ tạo ra (giống như Đức được hưởng lợi từ một châu Âu hòa bình và thịnh vượng với nước này ở trung tâm) và thuyết phục người Trung Quốc rằng họ sẽ hạnh phúc với một châu Á như vậy hơn là với một châu Á được đặc trưng bởi sự cạnh tranh địa chính trị. Cho đến nay, quan hệ của Oasinhtơn với Trung Quốc chưa đạt đến mức độ đối thoại chiến lược nghiêm túc vốn sẽ là cần thiết để đạt được bất kỳ sự hợp tác toàn cầu thực sự nào trong những năm tới. Trong tương lai, an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào một mối quan hệ hữu ích với Trung Quốc nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác.
Thách thức với Trung Quốc là thách thức với những cường quốc khác - và với chính sách đối ngoại của Obama nói chung. Có quan hệ tốt với các nước là điều đáng làm. Nhưng điều mang tính quyết định là có quan hệ tốt giúp ích cho một tầm nhìn rộng lớn hơn về một thế giới được đặc trưng bởi những mức độ ngày càng tăng về sự cởi mở, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, hợp tác quốc tế, hòa bình, thịnh vượng và tự do. Hơn 60 năm qua, Mỹ đã giúp xây dựng một trật tự quốc tế được đặc trưng bởi các thể chế, các chính sách, các chuẩn mực và các thông lệ tốt nhất. Hàng trăm tổ chức giúp phối hợp những chính sách của các nước về tất cả mọi thứ từ thương mại cho đến phòng bệnh rồi đến bảo vệ môi trường là tất cả những tạo vật mới trong đời sống quốc tế, và chúng đã tạo ra một thế giới hòa bình và thịnh vượng to lớn hơn con người từng biết đến. Nhưng thế giới này cần phải củng cố khi các quốc gia mới vươn lên giành quyền lực. Thách thức đối với Mỹ là tạo ra một cấu trúc ổn định cho thế giới mà tất cả các cường quốc mới nổi lên có thể tham gia và duy trì. Điều đó có nghĩa là đem lại sức sống mới cho thương mại toàn cầu, thúc đẩy thông qua một chương trình nghị sự chống phổ biến vũ khí hạt nhân, làm việc để hội nhập các cường quốc mới nổi, và có lẽ quan trọng là, đưa ra một tầm nhìn về thế giới này. Henry Kissinger đã từng nói rằng phép thử cho một chính khách là tìm ra vị trí giữa sự trì trệ và mở rộng quá mức. Chỉ mình chiến thuật tốt sẽ khiến người ta phản ứng với các sự kiện và trì trệ trong dòng lịch sử. Một tầm nhìn quá rộng lớn sẽ khiến người ta phải mở rộng quá mức, kiệt sức và mời gọi các đối thủ. Barack Obama đã đi đúng hướng về chính sách đối ngoại. Thách thức đối với ông là tìm ra điểm có lợi nhất./.
Theo Fareedzakaria (ngày 19/1)
Vũ Hiền (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.