Indonesia đang phấn đấu trở thành một quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực cũng như trên toàn cầu. Vì vậy, Indonesia cần phải có một cách giải thích mới về chính sách đối ngoại độc lập và tích cực. Giáo sư Hikmahanto Juwana tại Đại học Indonesia cho rằng cách diễn giải mới về chính sách đối ngoại độc lập và tích cực được thể hiện qua hai vụ việc cụ thể: đánh chìm tàu nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia và thi hành án tử hình tội phạm ma túy. Hai động thái này đã thực sự gây lo ngại đối với các nước. Thậm chí, Brazil đã phản ứng mạnh khi không tiếp nhận Đại sứ Indonesia Toto Riyanto, trong khi Úc gây áp lực và đe dọa quan hệ hai nước sẽ trở nên xấu đi. Nhiều người chỉ trích chính sách đánh chìm tàu nước ngoài của quốc đảo này là một chính sách có chọn lọc. Indonesia đã không mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định đánh chìm tàu

Thái Lan, Việt Nam hay Philippines, nhưng phải mất một thời gian dài để đánh chìm tàu Trung Quốc. Đối với các vụ xử tử công dân nước ngoài bị kết án tử hình liên quan đến ma túy, bất chấp lời kêu gọi lặp đi lặp lại của các nước có công dân bị kết án, Indonesia vẫn kiên quyết thực thi phán quyết. Tổng thống Jokowi liên tục nhấn mạnh rằng việc thi hành hình phạt tử hình thuộc thẩm quyền của Indonesia và phải được tất cả các nước khác tôn trọng.

Vậy một chính sách đối ngoại quyết đoán có ý nghĩa gì đối với các nước khác? Chắc chắn điều này cho thấy Indonesia đang đi lên như một nước có vị thế khu vực và toàn cầu. Indonesia ngày nay rất khác với những gì đã từng được biết đến. Nền kinh tế mới nổi cùng với các học thuyết về chủ quyền và lợi ích quốc gia của nước này đã tạo nên sự tự tin và hướng đến một lập trường cứng rắn hơn. Khi nói đến lợi ích quốc gia, chính quyền Indonesia sẵn sàng đương đầu với bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai cản đường. Do đó, các quốc gia trên thế giới cần phải điều chỉnh trước chính sách đối ngoại của Indonesia. Các nước lớn và phát triển có thể không nên gây áp lực về các vấn đề vốn thuộc thẩm quyền trong nước của Indonesia.

Hơn nữa, các quốc gia phải hiểu rằng chính sách đối ngoại mới không chỉ đơn thuần là những gì Tổng thống Jokowi mong muốn mà còn là nguyện vọng của nhân dân. Trong một nền dân chủ đang phát triển, người dân đã có tiếng nói quan trọng hơn trong việc hình thành các mối quan hệ với các quốc gia khác. Như vậy, chính sách đối ngoại quyết đoán của Indonesia đã xem xét nguyện vọng của công chúng. Hầu hết các chính sách của Tổng thống Jokowi được đề cập ở trên đã nhận được ủng hộ rộng rãi của công chúng Indonesia.

Theo “Bưu điện Jakarta

Mỹ Anh (gt)