Trong bối cảnh Ixraen đe dọa tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran, và Mỹ không loại trừ khả năng dùng vũ lực nếu các lệnh trừng phạt và giải pháp ngoại giao bị thất bại, ông Putin -người gần như chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 4/3 tới - khẳng định: "Mối đe dọa tấn công quân sự ngày càng tăng nhằm vào Iran quả thực làm chúng tôi lo ngại. Nếu chuyện này xảy ra sẽ gây thảm họa thực sự và hậu quả của nó là ngoài sức tưởng tượng". Ông Putin cho rằng các cường quốc toàn cầu, đang tìm cách loại bỏ chương trình hạt nhân của Iran, nên công nhận quyền được làm giàu urani của nước này - một đề nghị mà phương Tây nên linh hoạt hơn nếu muốn thuyết phục Têhêran kiềm chế chương trình hạt nhân. Ngoài ra, ông Putin cũng cảnh báo các nước phương Tây và Arập không can thiệp quân sự vào Xyri và các nước láng giềng của Xyri, đồng thời cáo buộc Oasinhtơn can thiệp vào đời sống chính trị Nga và các nước láng giềng của Nga. Với giọng điệu cứng rắn, ông Putin - người sắp trở lại Điện Cremli trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình lớn nhất phản đối 12 năm cầm quyền của ông tại Nga và những biến động lớn tại Trung Đông - cho biết sự can thiệp của Mỹ và NATO ở nước ngoài đang đe dọa chứ không giúp củng cố sự ổn định toàn cầu. Ông nói: "Tôi rất hy vọng Mỹ và các nước khác.... không cố thúc đẩy kịch bản quân sự tại Xyri khi không nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)". Ông Putin nói rõ rằng Nga, cùng với Trung Quốc - những nước từng phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ yêu cầu chấm dứt hoạt động đàn áp của chính phủ đối với người biểu tình tại Xyri - sẽ dùng những đòn bẩy như vậy để ngăn chặn các hành động của Mỹ vào thời điểm thích hợp.

Ông nói thêm các nước thành viên NATO không nên thành lập các liên minh để tiến hành can thiệp bằng quân sự nếu thiếu sự ủng hộ của HĐBA LHQ. Ông nhấn mạnh: "Không ai có quyền tự giành lấy đặc quyền và quyền lực của LHQ, nhất là khi họ có ý định sử dụng vũ lực đối với các nước có chủ quyền". Về vấn đề Bắc Triều Tiên, ông Putin cũng phản đối việc gây sức ép quá nhiều đối với Bình Nhưỡng, đồng thời nói rằng "những nỗ lực 'nắn gân' nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên là không được phép" bởi nó có thể phản tác dụng. Ông Putin cho rằng sự can thiệp bằng quân sự của phương Tây vào nhiều nước, như cuộc xâm lược Irắc năm 2003, các cuộc không kích của NATO nhằm vào lực lượng của nhà lãnh đạo Gaddafi tại Libi... chỉ kích động thêm tình trạng phổ biến hạt nhân. Trong bài viết này, ông Putin còn chỉ trích Mỹ về vấn đề Ápganixtan, ví dụ như cuộc chiến tại Ápganixtan không làm giảm hoạt động buôn bán ma túy và mối đe dọa từ các tay súng, hay việc Mỹ đang thiết lập các căn cứ quân sự tại nước này và ở những nước láng giềng của Ápganixtan... Theo các nhà chỉ trích, dụng ý của Putin khi nói tới mối đe dọa từ Mỹ là nhằm làm trệch hướng sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước và củng cố thêm hình ảnh của mình là người bảo vệ nước Nga.Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Nga nên quan tâm hơn đến nước láng giềng Trung Quốc đang trỗi dậy. Trong bài viết này, ông Putin có đề cập chút ít tới Trung Quốc nhưng toàn dùng lời lẽ ca ngợi khi viết: "Tôi tin rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không phải là mối đe dọa, ngược lại nó ẩn chứa tiềm năng hợp tác thương mại to lớn - một cơ hội để 'cánh buồm kinh tế Nga' đón 'gió Trung Quốc'. Việc Trung Quốc đi đầu trên trường quốc tế không phải là bằng chứng chứng tỏ nước này có tham vọng thống trị".

Theo Reuters (ngày 27/2)

Nhật Linh (gt)