Hỏi: Indonesia được coi như tiếng nói lãnh đạo trong ASEAN, tuy nhiên hồi tháng 7/2012 tại Phnom Penh, Indonesia đã không thể tạo đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Ông có đồng ý với quan điểm cho rằng nếu các nước thành viên không thể thống nhất với nhau trong ứng xử với Trung Quốc thì vấn đề này sẽ trở thành một “Palestine châu Á” không ?

Trả lời: Không, tôi hoàn toàn không đồng tình. Chúng ta không nên thổi phồng thái quá vấn đề này. Nên nhớ hồi cuối những năm 1980, đầu 1990, chúng ta đã đánh vật với cuộc xung đột Campuchia, với sự đối đầu Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Chúng ta đã vượt qua được những thách thức đó, không vấp phải vấn đề gì. Nay chúng ta có một thách thức ở dạng khác.

Hỏi: Là Trung Quốc ?

Trả lời: Tôi không coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một vấn đề. Đó là một thực tế của cuộc sống, giống như sự trỗi dậy của Ấn Độ, ASEAN, hay của Indonesia. Đó là một sự đa dạng trong môi trường của chúng ta. Không bao giờ có thể có một tình trạng hoàn hảo ở đó chúng ta có thể đặt mọi thứ vào trong khung và nói chúng ta hoàn toàn hòa hợp với nhau. Mọi thứ luôn thay đổi, đến rồi đi, không chỉ giữa quan hệ các quốc gia mà giữa các vấn đề cũng vậy. Ngày trước quan hệ quốc tế giống như chơi cờ, mỗi nước là một bàn cờ, một vấn đề. Nhưng ngày nay có nhiều bàn cờ, đa dạng, nhưng chúng ta vẫn cần một tình trạng cân bằng, ở một dạng nào đó. Tất nhiên, Biển Đông là một vấn đề lớn, đủ lớn để cho tất cả chúng ta phải quan tâm. Nhưng chúng ta có một kênh, đó là kênh ASEAN - Trung Quốc, có quy tắc mà chúng ta đã thông qua năm ngoái. Còn năm nay chúng ta sẽ cố gắng thúc đẩy cho COC.

Hỏi: Ai sẽ là người thực hiện việc này?

Trả lời: Tôi không lo ngại, nhưng có một lưu ý. Tôi có cảm giác rằng trong khi triển vọng của COC trở nên thực tế hơn, có những bên lại muốn bắt đầu trước bằng cách tạo ra những điều kiện làm cơ sở trước khi COC có hiệu lực. Đây chính là vấn đề tôi muốn đề cập tới. Tôi bắt đầu nhìn thấy một tâm lý nghịch, một tác động ngược mà ở đó triển vọng của COC đi cùng với một tương lai không quá xa, điều này khuyến khích một số nước tạo những tình huống trên thực đại hay trên biển, trước khi COC được đưa ra, bằng cách tiến hành những bước đi đơn phương. Và chính là lúc này chúng ta cần nói, này, hãy từ từ thôi. Nếu không chúng ta sẽ có hành động ăn miếng trả miếng kéo theo những phản ứng, hiểu nhầm và hiểu lầm.

Hỏi: Nói cách khác, vấn đề này có thể được kiểm soát. Bắt buộc phải thế. Thế còn những lựa chọn khác thì sao?

Trả lời: Tôi nói nghe có vẻ công thức quá, có lẽ hơi lý tưởng. Nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra động lực. Vì vậy, tại Indonesia chúng ta nói rằng chúng ta đang hối thúc hòa bình, điều này nghe có vẻ trái ngược. Vì thông thường người ta hối thúc chiến tranh, nhưng tôi muốn nền ngoại giao của chúng ta hối thúc hòa bình mạnh mẽ như thể hối thúc chiến tranh vậy.

Hỏi: Thế còn vấn đề Rohingya tại Myanmar thì sao?

Những gì xảy ra tại Myanmar hiện nay không hoàn toàn gây ngạc nhiên cho chúng ta. Myanmar từng là nước có một hệ thống, rất chuyên chế, rất áp bức, nhưng giờ với hệ thống chính trị mở, các lực lượng trước bị áp bức đã được bày tỏ quan điểm, dẫn đến những xung đột cộng đồng theo chiều ngang như thế này. Chúng ta đã và đang cố gắng đóng góp bằng cách đối thoại với họ trực tiếp, bằng cách khuyến khích họ tiếp tục bám sát quá trình đổi mới. Giải pháp không phải là bớt đi tự do, đổi mới, mà thực ra là phải thêm nhiều nữa, vì thần đèn đã ra khỏi cây đèn rồi. Giờ đây, như chúng ta đang làm, Mynamar phải giữ cân bằng giữa tự do và thượng tôn pháp luật. Vì vậy, chúng ta phải khuyến khích họ đề cập các vấn đề nhân đạo, luật pháp, vị thế của người Roingya. Tổng thống của chúng ta đã gặp TTh Thein Sein tại Phnom Penh để nói rằng đây là vấn đề chúng ta quan tâm, và sự sẵn sàng trong chia sẻ với Myanmar những bài học kinh nghiệm của Indonesia.

Hỏi: Về những diễn biến mới đây tại Palestine, Indonesia sẽ phản ứng như thế nào?

Trả lời: Một số nước cho rằng nêu vấn đề nhà nước Palestine có thể gây bất lợi cho tiến trình hòa bình. Nhưng nước khác, như Indonesia, cho rằng việc này thực ra mang tính bổ trợ, để cho Palestine ngồi trong Liên Hiệp Quốc với tư cách quan sát viên bây giờ thì hy vọng trong tương lai sẽ sớm trở thành thành viên chính thức, và điều này cũng nhất quán với quan điểm của hai nhà nước Palestine và Israel. Nhưng phản ứng từ Israel với việc tuyên bố sẽ xây thêm khu định cư đương nhiên không có lợi cho vấn đề này. Chúng ta đang đi đúng hướng lịch sử khi bỏ phiếu cho Palestine ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tới đây chúng ta cần tiếp tục khuyến khích tiến trình hòa bình được xem xét, đồng thời hỗ trợ năng lực của nhà nước Palestine.

Hỏi: Gần đây nhiều nhà ngoại giao gây sức ép với Iran về chính sách hạt nhân. Quan điểm của Indonesia về vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Indonesia coi đây là một vấn đề quan trọng. Trong lịch sử chúng ta có quan hệ gần gũi với Iran, đồng thời chúng ta cũng có quan hệ tốt với những nước muốn ép Iran đi theo một hướng nhất định. Quan điểm nhất quán của chúng ta là tuyên bố rõ một số điểm. Thứ nhất, ủng hộ quyền được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đó là quyền cố hữu của mỗi quốc gia. Nhưng đồng thời, chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất cứ nước nào phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, kể cả nếu là Iran. Nhưng hiện nay, có sự mất lòng tin nghiêm trọng, Iran không tin tưởng một phần của cộng đồng quốc tế, còn phần còn lại của cộng đồng quốc tế lại có vấn đề với Iran. Tôi biết là chính quyền của Tổng Thống Obama có lẽ đã nỗ lực nhiều hơn chính quyền trước trong việc thiết lập đối thoại với Iran, hy vọng cách tiếp cận này được tiếp tục duy trì.

Hỏi: Papua dường như vẫn là một vấn đề đối với Indonesia ở nước ngoài. Chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Tôi không đồng ý với quan điểm trên, hãy nhìn vào phương trình của cái gọi là “vấn đề Papua”. Tôi nghĩ xu hướng là theo hướng ngược lại. Vài năm trở lại đây, bất kỳ tại cuộc họp nào tại Liên Hiệp Quốc, không thấy có đoàn nào nêu vấn đề Papua. Tại Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương, trong đó Indonesia là quan sát viên, đã có không khí hoàn toàn khác, tại đó các nước về cơ bản nói chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn, xong chúng tôi ủng hộ quy chế tự chủ của khu vực này”, tóm lại thái độ của bên ngoài đối với vấn đề này trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Hỏi: Ưu tiên trong chính sách đối ngoại Indonesia trong năm tới là gì?

Trả lời: Hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực là rất quan trọng. Ngoài ra, Indonesia còn có nhiều vai trò khác trên cấp độ quốc tế phải thực hiện. Tổng thống là đồng chủ tịch của Nhóm cấp cao của Liên Hiệp Quốc cho Chương trình Phát triển hậu 2015, đó là trách nhiệm lớn đối với chúng ta, phải hoàn thành vào tháng 5/2013, nó quan trọng vì sẽ thiết lập nền tảng cho nhiều năm tiếp theo, như Mục tiêu thiên niên kỷ. Vì thế năm tới ngoài vấn đề này, chúng ta cần phải tập trung cho APEC, G-20, UN, ASEAN và đối thoại liên tôn giáo.

Lê Sơn (gt)