Theo đó, dù hành động này về bản chất là một vấn đề trong nước, song nó lại gây ra những tác động về chính sách đối ngoại. Với những nước đã kí Bản ghi nhớ chung (MOU) với Indonesia về cách ứng xử với ngư dân, đặc biệt trong vùng biển tranh chấp (như với Malaysia), hành động này có thể gây xung đột ngoại giao do vi phạm các quy định quốc tế và có thể cả đạo đức của chính sách ngoại giao thời hiện đại. 

Trước những phát biểu của ông Jokowi ám chỉ về sự ủng hộ có điều kiện của Indonesia đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khó có thể dự đoán Tổng thống Indonesia sẽ làm gì trong 5 năm tới đây. Nhiều nhà quan sát, kể cả ở Indonesia, đã đặt câu hỏi liệu có phải ông Jokowi đang thay đổi đường lối, theo đuổi một hướng đi chính sách đối ngoại mới, hay đơn thuần để lấy lòng người dân trong nước. 

Nhiều khả năng Tổng thống Jokowi sẽ không thay đổi đột ngột chính sách đối ngoại của Indonesia. Ông sẽ duy trì vị thế độc lập của Indonesia với "chính sách đối ngoại tự do và chủ động" mang tính định hướng lâu nay. Dù vậy, điều có thể thay đổi trong nhiệm kỳ của ông chính là sự nhấn mạnh, định hướng và chiến lược để đạt được mục tiêu trên trong khi củng cố sự ủng hộ chính trị trong nước. Nói cách khác, ông Jokowi có thể tạo ấn tượng rằng ông ít quan tâm hơn về ngoại giao, song thực sự có phải như vậy hay không? 

Là nguyên thủ quốc gia, ông Jokowi chịu trách nhiệm trước Quốc hội về nhiều vấn đề và bị giới hạn trong phạm vi thể chế nhất định. Dưới thời Tổng thống Jokowi, Indonesia không có khả năng từ bỏ tư cách thành viên ASEAN, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trái lại, Jakarta nhiều khả năng tăng cường vai trò của mình trong mọi thể chế đa phương như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á và G20. 

Cũng như người tiền nhiệm, ông Jokowi sẽ không đánh giá thấp mối tương quan giữa địa lý và địa chính trị trong hoạch định chính sách đối ngoại. Ở một quốc gia đang nhanh chóng nổi lên như một cường quốc bậc trung, ông Jokowi phải cân nhắc vấn đề nhân khẩu học và chính trị trong nước, bao gồm cả việc xử lý vấn đề tâm lý dân tộc gia tăng trong hoạch định chính sách đối ngoại. Ông cần hình thành một chính sách đối ngoại thực dụng và dù củng cố sự ủng hộ trong nước, Jokowi cũng không thể đốt cháy các cầu nối ngoại giao. 

Việc bắt giữ tàu cá nước ngoài là cách Jokowi nói với người dân Indonesia rằng ông không chùn bước khi phải bảo vệ chủ quyền và tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, trong dài hạn, Quốc hội Indonesia không có khả năng cho phép Tổng thống Jokowi tự do thao túng chính sách đối ngoại hơn nữa. Tâm lý chủ nghĩa dân tộc có thể mang lại lợi ích trong ngắn hạn, song không phải là điều tốt cho chủ nghĩa đa phương trong thời đại ngày nay. 

Lâu nay người tiền nhiệm của ông Jokowi là ông Yudhoyono từng bị nhìn nhận là thiếu quyết đoán. Vì thế, Tổng thống Jokowi muốn được xem là quyết đoán, không phải lúc nào cũng cúi đầu trước các cường quốc. Tuy nhiên, ông sẽ sớm nhận ra liệu trong một thế giới có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, một dân tộc tách biệt có thể đơn độc vượt qua những cơn sóng dữ hay không? 

Trong khu vực, ông Jokowi sẽ phải cẩn trọng hơn ở vùng biển ASEAN. Nếu theo đuổi một chính sách cách biệt với ASEAN, ở một thời điểm mà thể chế này cần sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các quốc gia thành viên, tiến trình hợp tác khu vực sẽ bị thụt lùi. Bất chấp nhiều tuyên bố gần đây, không có lý do nào cho thấy Indonesia sẽ từ bỏ ASEAN, vốn góp phần tích cực vào sự phát triển chính trị của Indonesia. Để xóa đi không khí bất ổn trong khu vực, ông Jokowi cần phải bắt đầu hợp tác với các đối tác ASEAN như truyền thống. 

Kể từ thời Tổng thống Suharto, Indonesia đã có tầm ảnh hưởng lớn với ASEAN. Indonesia là động lực thúc đẩy Cộng đồng Chính trị và An ninh ASEAN và từng là động lực thiết lập nên Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (1976) và Hiệp ước Bali II, tạo nền tảng cho việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). AEC sẽ không thể trở thành hiện thực vào cuối năm nay nếu thiếu Indonesia. Ngoài ra, Indonesia được xem là bên có thể ứng phó với một Trung Quốc ngày một quyết đoán trên Biển Đông. Chẳng hạn, Jakarta có thể thúc đẩy việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và dung hòa tình trạng đối địch hải quân Trung-Mỹ trong khu vực. 

Chính sách chuyển đổi không gian biển của Indonesia của Tổng thống Jokowi có ba mũi nhọn. Một là tăng cường sức bật từ trong nước, trấn áp nạn đánh cá bất hợp pháp chỉ là một khía cạnh. Hai là tăng cường năng lực hải quân và không quân. Ba là việc xây dựng khoảng 24 cảng biển sâu trên cả nước cũng như nâng cấp các cơ sở hỗ trợ khác trong lĩnh vực hàng hải. 

Quyết định nâng cấp hải quân của Tổng thống Jokowi có thể làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang hải quân trong khu vực hiện nay và làm phức tạp hơn vấn đề an ninh trên biển, trong đó có các yêu sách lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông. Ngoài Indonesia, các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đang mở rộng các hạm đội tàu ngầm của mình. Chính vì thế, thách thức với Tổng thống Jokowi là làm thế nào để thực hiện chính sách hàng hải mạnh mẽ song không đánh mất bạn bè khu vực.

B.A Hamzah là Giảng viên Cấp cao tại Khoa Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc phòng Malaysia, Kuala Lumpur. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và được đăng lần đầu trên RSIS.

Trần Quang (gt)