Chiến lược của Úc đáp ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hội chứng phân liệt. Những lo ngại sợ làm phức tạp quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã khiến Úc đáp ứng không hiệu quả với những thách thức từ việc Trung Quốc bồi đắp đảo gây ra cho an ninh ở Biển Đông. Với lo ngại về việc làm xấu đi quan hệ an ninh với Mỹ, Úc đã xử lý không tốt lời mời về việc gia nhập Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (AIIB). Đây chính là vấn đề do chiến lược Trung Quốc mà chúng ta lựa chọn.

Chiến lược của Úc vừa can dự về mặt kinh tế, vừa bao vây một Trung Quốc đang trở nên hung hãn khi tăng cường quân sự. Hai nửa của chiến lược phân lập về tính cách này đã chống lại nhau như trong các vụ việc phản ứng với việc xây đảo và gia nhập AIIB cho thấy rõ. Tệ hơn nữa, Trung Quốc đang lợi dụng sự thiếu nhất quán này. Chiến lược Biển Đông của họ sử dụng một cách có chủ ý các tàu kéo lưới đánh cá, Cảnh sát biển và các công ty bồi lấp cát để thao túng một cách cẩn trọng giữa can dự và bao vây. Chiến lược của chúng ta đã thất bại.

Chúng ta cần một chiến lược an ninh quốc gia mới có thể bao hàm cả sự thịnh vượng và an ninh của mình. Chính phủ của bà Gillard đã cố gắng theo cách này nhưng biện pháp sử dụng không có trọng tâm, xây dựng dựa trên những thỏa hiệp về hành chính và tung tấm lưới quá rộng bao phủ quá nhiều quốc gia. Những chính sách không có trọng tâm của chúng ta trở thành mang tính chất sự kiện, nhảy từ vụ việc này sang vụ việc khác hơn là cố gắng xây dựng một tương lai tốt đep hơn với những vấn đề đó.

Một mô hình tốt hơn là việc Mỹ đã quản lý quan hệ với Liên Xô trong thời gian chiến tranh lạnh. Chiến lược đó tập trung nhất quán vào mối quan hệ song phương này, thậm chí theo thời gian các hành động được triển khai ra toàn cầu. Với Mỹ, phần còn lại của thế giới bao gồm những quốc gia khác có thể hỗ trợ, ngăn cản hay làm sao nhãng mối quan hệ trung tâm này nhưng tính riêng bản thân các nước đó thì không có vai trò quan trọng.

Chúng ta cần làm tương tự: Tập trung vào mối quan hệ quan trọng nhất của mình. Tuy nhiên với chúng ta, điều này cần bao hàm cả sự thịnh vượng và an ninh. Trung Quốc là quốc gia mang lại những cơ hội lớn nhất cho chúng ta nếu mọi chuyện tốt đẹp nhưng đồng thời cũng là mối họa lớn nhất nếu mọi chuyện không phải thế. Không có quốc gia nào khác kết hợp được cả hai mặt này theo cách như vậy. Nếu chúng ta tập trung vào Trung Quốc, thì điều này sẽ mang lại sự mạch lạc mới cho việc hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại, ưu tiên ngân sách và sự phân bổ nguồn lực.

Điều đó cũng có nghĩa là chính sách của chúng ta với các nước khác cũng cần được định hướng bằng việc họ sẽ giúp, ngăn cản hay làm ta sao nhãng từ mối quan hệ với Trung Quốc. Việc xử lý những xung đột và vấn đề sắp tới sẽ phụ thuộc vào việc họ tác động như thế nào đến mối quan hệ trung tâm này.

Như thế chúng ta sẽ hài hòa với Mỹ. Chiến lược tái cân bằng sang Thái Bình Dương của Mỹ có nghĩa là những khu vực khác nay không phải là trung tâm, mà phục vụ cho cuộc chơi chính ở Đông Bắc Á. Thậm chí về mặt an ninh, Úc hiện nay quan trọng với Mỹ chủ yếu là trong việc chúng ta sẽ giúp họ quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc như thế nào. Quan hệ an ninh của chúng ta với Mỹ trong trọng tâm chiến lược Trung Quốc cũng sẽ tương tự như vậy.

Tuy nhiên, để thiết kế được một chính sách như vậy, chúng ta cần biết tương lai quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ như thế nào. Những sách trắng quốc phòng trước đây đã thiên về một trật tự mơ hồ, không được xác định rõ và đó chính là thế mạnh và mong muốn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Liệu chúng ta có thể xác định được tương lai mà chúng ta mong muốn, hay sẽ tiếp tục gắn với một chiến lược đã thất bại và cho phép Trung Quốc đưa chúng ta tới tương lai mà họ mong muốn?

Peter Layton là nghiên cứu viên của Viện Châu Á Griffith, Úc. Bài viết được đăng trên The Australian.

Trần Quang (gt)