Hãng nghiên cứu BMI thuộc Fitch Group đã nói trong một báo cáo vào ngày 30/9 có tiêu đề “Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Duterte sẽ làm xói mòn ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ” rằng: “Sự chuyển hướng rõ ràng chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ Mỹ sang Trung Quốc có thể làm xói mòn đáng kể ảnh hưởng địa chính trị của Washington ở châu Á vào thời điểm khi mà những căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng đang gia tăng. Kết quả là, Mỹ và Nhật Bản sẽ ngày càng nỗ lực nuôi dưỡng Việt Nam như là một đối tác an ninh khu vực ở Biển Đông”.

Sự “tái cân bằng” – như được các thành viên nội các của Duterte miêu tả – chính sách đối ngoại này được coi là đem lại lợi ích cho nước láng giềng Trung Quốc, mỉa mai thay là siêu cường bị chính Philippines kiện lên Tòa Trọng tài xung quanh tranh chấp ở các khu vực biển được cho là giàu nguồn tài nguyên ở Biển Đông, mà trong đó Manila là bên thắng kiện.

Hãng nghiên cứu BMI, lưu ý rằng “người tiền nhiệm của Duterte, Benigno Aquino III, theo đuổi một chính sách chống Trung Quốc mạnh mẽ, khi Bắc Kinh có lập trường ngày càng quyết đoán đối với các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Một sự dịch chuyển địa chính trị lớn ở châu Á có vẻ đã bắt đầu vào giữa năm 2016, khi Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines, và điều này sẽ làm xói mòn vị trí của Mỹ và có lợi cho Trung Quốc”. Hãng nghiên cứu BMI cũng lưu ý thêm: “ông Aquino thúc đẩy quan hệ của Philippines với Mỹ và Nhật Bản, cả hai nước đều cảnh giác trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở châu Á”.

Mặt khác, “ông Duterte đã có giọng điệu chống Mỹ đáng chú ý, trong khi nghe có vẻ thỏa hiệp hơn với Trung Quốc”. Theo hãng nghiên cứu BMI, “điều này cho thấy rằng sự hiện diện của Philippines trong khối các quốc gia châu Á do Mỹ không chính thức dẫn dắt nhằm mục tiêu đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc không còn được đảm bảo”. Bản báo cáo lưu ý rằng với vị trí chiến lược nằm giữa các tuyến thương mại toàn cầu nối Thái Bình Dương và Biển Đông, nên Philippines có được tầm quan trọng địa chính trị, “Mỹ lần đầu tiên nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Philippines hơn 1 thế kỷ trước, khi họ giành lấy vùng lãnh thổ này từ Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898”. Bản báo cáo còn bổ sung rằng ngay cả sau khi chấm dứt sự cai trị đối với Philippines khi được trao độc lập vào năm 1946, Mỹ vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Manila. Báo cáo lưu ý rằng biểu hiện mới đây nhất cho mối quan hệ thân thiết Philippines-Mỹ là vào năm 2014, Aquino ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường 10 năm với Washington.

Trái lại, hãng nghiên cứu BMI chỉ ra rằng khi Tòa Trọng tài tại La Hay đưa ra phán quyết vào tháng 7 vừa qua tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hơn 4/5 vùng Biển Đông là không có giá trị, thì “Bắc Kinh ngay lập tức bác bỏ phán quyết, cho rằng tòa có thành kiến. Ngoài ra, Trung Quốc rất có khả năng sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình ở Biển Đông thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo có khả năng chứa các cơ sở quân sự, và có khả năng lớn nhất tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển này trong tương lai gần”.

Theo hãng nghiên cứu BMI, “trong địa chính trị châu Á hiện đại, Trung Quốc coi Philippines là yếu tố then chốt của cái gọi là ‘chuỗi đảo thứ nhất’ chạy từ phía Nam Nhật Bản và Đài Loan xuống tới Biển Đông, cái mà Mỹ đã đưa ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm kiềm chế Liên Xô và Trung Quốc”. Hãng nghiên cứu BMI cho biết: “Do đó, nếu Philippines định từ bỏ mạng lưới liên minh do Mỹ dẫn dắt, thì đó sẽ là một đòn nặng nề giáng xuống chiến lược ‘chuỗi đảo thứ nhất’ của Washington”. Hãng này bổ sung thêm rằng “ngay cả nếu Philippines chỉ là có lập trường trung lập hơn, thì điều này cũng sẽ có lợi cho Trung Quốc”.

Về phần oong Duterte, hãng nghiên cứu BMI cho rằng “tính cách thất thường của ông báo hiệu sự bối rối địa chính trị”. Báo cáo lưu ý “Duterte đã trở thành tin tức hàng đầu trên báo chí quốc tế kể từ sau tháng 9/2016 với việc công khai mắng mỏ Mỹ và EU, những bên chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông vì con số ước tính 3.000 người thiệt mạng do chiến dịch này gây ra. Duterte coi sự chỉ trích như vậy là vi phạm chủ quyền của Philippines và ngày càng nhấn mạnh rằng ông sẽ theo đuổi một ‘chính sách đối ngoại độc lập’ mà sẽ đem đến mối quan hệ ấm áp hơn với Trung Quốc, và có thể là cả với Nga”.

Nhưng đối với hãng nghiên cứu BMI, “Các kế hoạch chính sách đối ngoại dài hạn của Duterte vẫn còn chưa rõ ràng. Ông ta là một trong một vài nhà lãnh đạo dân túy đã nổi danh như cồn vào năm 2016, và không phải là thành viên của giới tinh hoa truyền thống Philippines có liên kết với Mỹ. Như vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ông này có một thế giới quan khác so với những người tiền nhiệm của mình. Ngoài ra, là cựu thị trưởng của Davao, Duterte thiếu kinh nghiệm quốc tế, và cuối cùng có thể nhận thấy rằng giọng điệu dân tộc chủ nghĩa của ông khó có thể thực hiện. Duterte cũng có danh tiếng vì đã đưa ra những tuyên bố táo bạo hoặc gây tranh cãi, chỉ vì sau đó ông hoặc quan chức cấp cao khác sẽ rút lại phần nào đó, làm dấy lên câu hỏi về ý định thực sự của ông”. Hãng nghiên cứu BMI đã trích dẫn những tuyên bố trái ngược từ Duterte, người nói rằng Philippines sẽ chấm dứt các cuộc tuần tra chung với Mỹ trong vùng biển tranh chấp, trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay “chữa cháy” cho phát biểu của tổng thống.

Như vậy, “Tính thất thường rõ ràng của Duterte mang lại những rủi ro về chính trị. Thứ nhất, giọng điệu có phần bài Mỹ của ông có thể khiến Mỹ xa lánh hoặc làm dấy lên những nghi ngờ về sự đáng tin cậy của Philippines như là một đồng minh trong các vòng phòng thủ của Mỹ, bất kể ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Washington do đó sẽ phải tìm kiếm một đồng minh khu vực thay thế, và ứng cử viên có khả năng nhất là Việt Nam, nước cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông và mong muốn có được mối quan hệ thân thiết hơn với Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam, còn hơn cả Philippines, không muốn tự buộc mình vào Mỹ, xét đến việc nước này trong nhiều thập kỷ qua đã tìm cách hành động độc lập với các cường quốc thế giới. Do đó, không có khả năng Việt Nam sẽ ký kết một liên minh chính thức với Mỹ”.

Theo hãng BMI, về mặt này, Duterte được coi là “không nhất thiết phải hòa hợp với tổng thống Mỹ tiếp theo”, dù là Hillary Clinton hay Donald Trump, “Chúng tôi tin rằng Tổng thống Duterte không có khả năng hòa hợp với tổng thống Mỹ tiếp theo, người sẽ được bầu vào ngày 8/11 tới. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton có khả năng sẽ “xoay trục” chính sách đối ngoại của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiều hơn, điều sẽ đem lại một lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, mong muốn của Duterte về một chính sách đối ngoại độc lập hơn cho thấy rằng ông sẽ không hợp tác với chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngoài ra, Clinton, người đề xướng ra ‘những giá trị Mỹ’ lan rộng khắp thế giới, nhiều khả năng sẽ chỉ trích những hành động lạm dụng nhân quyền ở Philippines, do đó khiến Duterte nổi giận”.

Về phần ông Trump, hãng nghiên cứu BMI nói rằng ông đã “nhiều lần đặt câu hỏi về sự lợi ích của các liên minh lâu đời của Mỹ với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên NATO và Saudi Arabia, cho thấy ông cũng nghi ngờ tính cần thiết của hiệp ước phòng thủ Mỹ-Philippines năm 1951. Đồng thời, Trump là người chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, có nghĩa là ông có khả năng sẽ tìm cách chống đối Bắc Kinh ở châu Á. Trump có thể tìm thấy nền tảng chung nào đó với Duterte, do giọng điệu thẳng thắn và gây tranh cãi của họ, nhưng nếu Duterte duy trì khuynh hướng chống Mỹ của mình, thì bất kỳ sự tương đồng nào với Trump cũng sẽ không đủ để làm thay đổi chính sách đối ngoại của ông. Trong 6 năm tới, giả sử Duterte duy trì các lập trường hiện tại của ông, thì Philippines có khả năng chứng kiến mối quan hệ không ổn định với Mỹ. Ngay cả nếu Philippines không liên kết với Trung Quốc, thì sự suy yếu của liên minh Mỹ-Philippines sẽ có lợi cho Bắc Kinh bằng cách làm xói mòn nhóm các nước do Mỹ dẫn dắt tìm cách đối trọng với Trung Quốc”. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng nếu Duterte “khéo léo di chuyển Philippines giữa Mỹ và Trung Quốc, ông có thể ngày càng bị cả hai nước lôi kéo thông qua những hứa hẹn về hợp tác kinh tế và quốc phòng gia tăng, làm gia tăng ý thức độc lập của Manila”.

Nhật Bản, một đồng minh lâu đời khác, “cũng sẽ trở nên quan ngại về sự chuyển hướng có thể có của Philippines sang Trung Quốc”, vì Tokyo và Bắc Kinh cũng có các vụ tranh chấp lãnh thổ. Hãng nghiên cứu BMI phân tích: “Duterte đã không gây hiềm khích với Nhật Bản, nhưng lập trường thân Trung Quốc rõ ràng của ông sẽ làm dấy lên sự nghi ngờ trong bộ máy chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Duterte sẽ tới thăm Trung Quốc vào ngày 18-21/10 tới, trước khi tới Nhật Bản vào ngày 25-27/10. Những chuyến thăm này cần phải đưa ra lập trường rõ ràng hơn của ông đối với Bắc Kinh và Tokyo”.

Đối với Nga, một nước khác mà Duterte muốn có quan hệ thân thiết hơn, báo cáo lưu ý rằng “Moskva chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế ở Đông Nam Á. Việc Duterte đề cập đến Nga có thể là cách mà ông phát đi tín hiệu tới Mỹ rằng ông sẵn sàng làm bạn với những nước phản đối Washington, coi đó là một phần trong sự tái cân bằng chính sách đối ngoại của mình. Trong điều kiện thực, điều này sẽ dẫn đến việc mua sắm vũ khí của Nga, và có lẽ không có gì hơn. Thay vào đó, Duterte có lẽ đã đề cập đến Nga như là một sự phòng ngừa trước Trung Quốc, xét tới việc Trung Quốc vẫn bất hòa với Philippines”.

Vừa qua, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario đã miêu tả đường hướng mà Chính quyền Duterte đang theo đuổi là “bất hạnh”, khi tổ chức tư vấn được đặt theo tên ông tuyên bố những nhà đầu tư bị cản trở bởi chính sách đối ngoại được cho là độc lập. Del Rosario nói với các phóng viên bên lề diễn đàn kinh tế được Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Stratbase-ADR tổ chức rằng “họ nên xem xét lại cái mà họ cho là chính sách đối ngoại độc lập. Bạn có thể theo đuổi quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác mà không phải hy sinh các quốc gia mà trong suốt thời gian qua luôn ở đó để giúp đỡ chúng ta”.

Giám đốc viện nghiên cứu ADR Dindo Manhit, khi đề cập đến những động thái thân thiện gần đây của Tổng thống Philippines với Trung Quốc và Nga trong khi lại thiếu thân thiện với EU và Mỹ, các đối tác thương mại hàng đầu của nước này, cho rằng: “Trong khi sứ mệnh của tổng thống xác định cách tiếp cận của nước này tới các mối quan hệ đối ngoại là không thể bác bỏ, nhưng chính quyền cũng cần phải cân nhắc lại chiến lược của mình xét về mặt có khả năng khiến các đối tác kinh tế và an ninh lâu đời xa lánh. Philippines cần duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước bằng hữu đáng tin cậy và theo đuổi quan hệ mang tính xây dựng với tất cả các nước láng giềng của mình, bằng cả lời nói và hành động. Một bầu không khí không nồng hậu ở Philippines có thể dễ dàng “hạ nhiệt” các mối quan hệ kinh tế của nước này. Ở Mỹ, như những nơi khác, các nhà đầu tư tư nhân nghe nói đã trở nên lo lắng về những triển vọng của Philippines. Nền kinh tế Mỹ là nguồn đầu tư tư nhân lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines sau Nhật Bản”./.

Theo “Inquirer” (ngày 4/10)

Hương Trà (gt)