Hai tháng cầm quyền của Tổng thống Donald Trump đã trôi qua. Dù có những quan ngại tại châu Á thì khu vực này vẫn phải học cách đối phó với tân Tổng thống Mỹ. Mặc dù các vị trí chính sách đối ngoại của chính quyền Trump đã định hình nhưng vẫn có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn chức vụ trong chính quyền vẫn chưa được bổ nhiệm. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu ban đầu để có thể đánh giá về chính sách của chính quyền tổng thống Trump đối với châu Á.

An ninh và chính sách đối ngoại

Thứ nhất, cần phải phân biệt giữa những lời nói và hành động. Rõ ràng, thế giới đã quá tập trung phân tích các bình luận trên Twitter hay lời nói của ông Trump và mọi thứ có vẻ ảm đạm. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã “gây sự” với Trung Quốc qua dòng bình luận trên Twitter và đáng báo động hơn, ông còn đưa ra những bình luận đòi xem xét lại cam kết an ninh của Mỹ đối với hai đồng minh trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những bình luận của ông không chỉ khiến cho Seoul và Tokyo mà cả các nước khác trong khu vực, các quốc gia mà Mỹ đang có mối quan hệ quốc phòng và an ninh sâu rộng, đều thấy ngạc nhiên. Đáng lo ngại hơn, ông Trump còn nhận một cuộc điện đàm từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, tiếp theo đó là bình luận về việc Washington có thể xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc”, vốn là nền tảng cho mối quan hệ Trung-Mỹ trong hơn 40 năm qua. Bên cạnh đó, việc ông Trump bổ nhiệm các nhân vật có thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và kinh tế đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Tuy nhiên, sau hai tháng nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với an ninh khu vực nhìn chung khá thẳng thắn. Mối quan hệ với Nhật Bản đã nhanh chóng trở lại quỹ đạo nhờ phần lớn vào Thủ tướng Shinzo Abe, người đã ngay lập tức tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump, ngăn chặn ông có bất kỳ cơ hội nào để đưa Mỹ ra khỏi cam kết truyền thống đối với Nhật Bản. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có chuyến thăm thành công tới Tokyo khi ông nhắc lại cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản và an ninh khu vực. Ông cũng thực hiện chuyến thăm tới Hàn Quốc, nơi ông trấn an nước chủ nhà rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ trong trường hợp có sự xâm lược từ Triều Tiên.

Về mối quan hệ với Trung Quốc, ông Trump đã khiến tình hình bớt căng thẳng khi tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ tuân thủ chính sách Một Trung Quốc. Tất cả những diễn biến này cho thấy mọi người không nên quá coi trọng những dòng bình luận trên mạng của ông Trump.

Thứ hai, gạt ra ngoài những giọng điệu ác cảm của ông Trump, có thể nhận thấy rằng việc ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ cần phải có đóng góp lớn hơn trong an ninh của mình là điều không hề mới. Với cách riêng của từng người, các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama cũng đều thúc giục các nước đồng minh chia sẻ gánh nặng lớn hơn cùng với Mỹ. Thực tế đơn giản là Mỹ hiện nay không đủ khả năng chi trả chi phí bảo đảm an ninh cho tất cả các nước bạn bè và đồng minh của mình. Nhưng thậm chí xét trên góc độ này thì ngay trong chuyến thăm Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng không nêu lên vấn đề chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhật Bản.

Thứ ba, cần phải nhận ra rằng trong phạm vi an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, bên cạnh Tổng thống Trump là những nhân sự rất có năng lực, phần lớn là những kiến trúc sư trong lĩnh vực an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.

Thương mại và các vấn đề kinh tế

Dù ông Trump không phải là một người theo chủ nghĩa biệt lập nhưng chắc chắn ông là một người theo thuyết trọng thương và có tư tưởng bảo hộ. Với chủ trương “Nước Mỹ là trên hết”, ông đã đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc làm đầu tiên khi lên nắm quyền. Với bước đi này, ông đưa ra dấu hiệu rõ ràng rằng ông không quan tâm tới các hiệp định thương mại đa phương mà ông cảm thấy bất lợi cho Mỹ. Ông sẽ chỉ theo đuổi các hiệp định song phương vốn giúp ông có nhiều lực đẩy đàm phán hơn.

Đã có nhiều ý kiến về "hồi chuông báo tử" ông Trump dành cho TPP. Tuy nhiên, có hai điểm cần lưu ý về việc này. Thứ nhất, dù sao TPP chưa hẳn là đã “chết yểu”. Về mặt kỹ thuật, 11 thành viên TPP còn lại vẫn có thể tiếp tục cứu vãn TPP bằng cách sửa đổi một số điều luật khi không có sự tham gia của Mỹ. Tất nhiên, sự thiếu vắng Mỹ sẽ khiến cho TPP trở nên kém hấp dẫn hơn. Thứ hai, sự cam kết của Mỹ đối với TPP vốn đã lung lay từ trước đó bởi tất cả các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều phản đối TPP, trong đó có cả bà Hillary Clinton, “kiến trúc sư trưởng” của hiệp định này.

Hiện có quan ngại về khả năng Mỹ có thể đang hướng tới một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Bởi vậy, mối quan hệ với Trung Quốc sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ và có chiến lược qua việc kết hợp hài hòa các chương trình nghị sự an ninh và thương mại để trấn an tình hình. Tóm lại, những dấu hiệu ban đầu cho thấy châu Á có thể yên tâm phần nào về chính sách đối ngoại của chính quyền Trump trong lĩnh vực an ninh, nhưng có nhiều quan ngại sâu sắc về chính sách thương mại và kinh tế.

Tác giả là Giáo sư Joseph CY Liow, Chủ nhiệm Khoa Chính trị Quốc tế, trường Nghiên cứu Quốc tế RSIS, thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên tờ “ Straitstimes”.

Vũ Hiền (gt)