1380902690_00_76a61.jpg

Thực tế, chính sách về Đông Nam Á của Mỹ vẫn chưa thể hiện rõ kể từ khi ông Trump giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tháng 11/2016. Indonesia là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công du 4 nước châu Á-Thái Bình Dương của ông Pence, bắt đầu từ ngày 15/4. Điểm đến cuối cùng của ông Pence sẽ là Úc, nơi giới lãnh đạo đang muốn nghe sự khẳng định của Chính quyền Washington về các cam kết liên minh, cũng như định hướng chính sách của Mỹ đối với khu vực. Hai chặng dừng chân đầu tiên của ông Pence là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng là những nơi mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã tới trong các chuyến công du trước đó vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua. Các chuyến thăm cấp cao này khẳng định sự coi trọng của Chính quyền Washington đối với 2 đồng minh khu vực then chốt. Dù vẫn còn những bất đồng về các vấn đề kinh tế song quan hệ tổng thể của Nhà Trắng dưới thời ông Trump với Tokyo và Seoul đã được củng cố và tăng cường, nhất là trong lĩnh vực an ninh, do các lo ngại trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên.

Trong khi đó, những tháng đầu tiên ông Trump lên nắm quyền, quan hệ của Mỹ với Đông Nam Á đã vấp phải nhiều vấn đề. Lệnh cấm đi lại của ông Trump đối với các công dân những nước có người Hồi giáo chiếm ưu thế không được đón nhận ở Indonesia, quốc gia có người Hồi giáo đông nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ đang trải qua giai đoạn thâm hụt thương mại đáng kể với các thành viên ASEAN là Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, và kết quả là các nước này bị Chính quyền Trump điều tra về vi phạm thương mại. Bị Mỹ liệt vào danh sách “những kẻ lừa đảo” thương mại khiến 4 quốc gia này đang rất lo ngại và phật ý. Hiện vẫn chưa rõ Chính quyền Trump sẽ xử lý thế nào nếu cáo buộc về vi phạm thương mại được xác định là có thật. Việc ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng gây lúng túng cho Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, những nước đã ký TPP, và chưa ai dám chắc về khả năng Washington có một thỏa thuận thay thế.

Các nhà lãnh đạo ASEAN rất quan tâm tới quan điểm của tân Tổng thống Mỹ về khối khu vực này. Cho đến nay, ông Trump dường như vẫn phớt lờ hiệp hội với tổng số dân lên tới 625 triệu người và là khối có vai trò trung tâm trong việc định hình các mối quan hệ hợp tác ở Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khả năng ông Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở Philippines và Việt Nam vào cuối năm nay cũng chưa được xác nhận cụ thể.

Trong suốt 8 năm cầm quyền, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã luôn tìm cách thúc đẩy quan hệ mật thiết hơn với các nước thành viên ASEAN. Ông Obama đã tới thăm khu vực này tổng cộng 7 lần và gặp tất cả các lãnh đạo ASEAN 11 lần. Ông đã hai lần tới thăm Indonesia, Malaysia, Philippines và Myanmar. Dưới thời Obama, Mỹ đã phê chuẩn Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á và trở thành nước đầu tiên ngoài ASEAN bổ nhiệm Đại sứ ở ASEAN. Trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Chính quyền Obama, ASEAN và các nước thành viên có một vị trí vô cùng quan trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, điều mà Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh rất muốn được nghe chính là liệu người đứng đầu Nhà Trắng có thực sự coi trọng mối quan hệ của Mỹ với ASEAN và vai trò lãnh đạo của tổ chức này trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương giống như người tiền nhiệm của ông hay không. Mặc dù Mỹ hoàn toàn có lý khi tìm cách cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc - nước mà Mỹ cũng đang bị thâm hụt thương mại lớn, song thái độ cứng rắn của ông Trump với các đối tác nhỏ hơn, như Indonesia và Việt Nam, là điều có thể gây tổn hại về mặt chiến lược.

Các nước Đông Nam Á trông đợi ở Mỹ không chỉ về mặt an ninh mà còn cả về lợi ích kinh tế. Trong năm qua, nhiều quốc gia khu vực, bao gồm Philippines - đồng minh lâu năm nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, và Malaysia - một trong những đồng minh then chốt khác của Mỹ, đã có dấu hiệu ngả về phía Bắc Kinh. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là thực tế Trung Quốc đang “ve vãn” họ bằng những thỏa thuận kinh tế hấp dẫn hơn.

Quyết định rút khỏi TPP của ông Trump đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng, uy tín và vị thế của Mỹ ở khu vực. Nếu ông tiếp tục mạnh tay với các vấn đề thương mại, các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục xích gần hơn về phía Trung Quốc. Việc ông Trump ủng hộ các mối quan hệ và chính sách song phương hơn là đa phương, cũng như cách giải quyết các vấn đề quốc tế của ông theo hướng thực dụng, nhất là về thương mại và an ninh không gây được tiếng vang ở khu vực ASEAN.

Là các nước vừa và nhỏ, các nước Đông Nam Á thích cách tiếp cận đa phương trong các vấn đề khu vực. Đó là lý do tại sao khối này tiên phong thúc đẩy và đi đầu trong các thể chế khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ và EAS. Một số có thể còn coi các hội nghị này là “nơi để bộc bạch” các quan điểm của mình. Bởi vậy, nếu ông Trump và các phụ tá của ông vắng mặt trong các hội nghị thượng đỉnh ASEAN hay các hội nghị cấp bộ trưởng thì ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ bị thu hẹp đáng kể. Trong nhiều vấn đề, đáng chú ý là vấn đề Biển Đông, Mỹ cần có sự hợp tác và hỗ trợ từ phía ASEAN nếu muốn giải quyết các vấn đề này một cách hiệu quả. Do đó, sẽ là một sai lầm chiến lược nếu Chính quyền Trump bỏ qua Đông Nam Á, ASEAN và các thành viên của khối.

Theo “Atimes

Hương Trà (gt)