981-8684-1399654813.jpg

Năm 2009, lần đầu tiên Saudi Arabia đã xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc với số lượng nhiều hơn sang Mỹ. Trung Quốc cũng đã có những khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp lọc dầu của Saudi Arabia. Song việc đầu tư vào dầu mỏ của Trung Quốc không chỉ dừng ở đó, nước này còn tìm mua tài sản trong các công ty dầu khí của Canada trong những năm 2011-2012.

Nói tới nền công nghiệp năng lượng của Trung Quốc cần chú ý tới ba công ty quốc doanh lớn. Hai công ty chuyên khai thác dầu khí là Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và PetroChina, còn công ty thứ ba là Sinopec, công ty lọc dầu.
Hiện Trung Quốc đang tập trung đầu tư lớn vào lĩnh vực vận chuyển dầu và khí đốt từ các giếng dầu tới nhà máy lọc dầu để biến dầu thành nhiên liệu hóa lỏng.

Một trong những dự án gần đây nhất trong lĩnh vực này là dự án xây dựng đường ống dẫn từ Iran tới Pakistan, hiện đang được tiến hành bất chấp sự phản đối của Mỹ. Lý do được đưa ra là dự án này không phải để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc mà để giúp Pakistan xử lý bớt các vấn đề năng lượng hiện tại. Một dự án đường ống dẫn khác gần đây được thực hiện với Nga. Không như dự án đường ống từ Iran tới Pakistan, dự án đường ống này đưa dầu thô từ Nga tới Đại Khánh, Trung Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo tạp chí “Chứng khoán Trung Quốc”, Chính phủ Trung Quốc sẽ tách phần tài sản đường ống ra khỏi ba công ty trên và sau đó bán lại cho các nhà đầu tư tư nhân. Tờ tạp chí cho biết động thái này là nhằm giảm bớt sự độc quyền mà các doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng từ khi thành lập. Động thái này cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh hơn trong lĩnh vực năng lượng, và hy vọng sẽ làm giảm tình trạng tham nhũng trong ngành năng lượng Trung Quốc.

Mặc dù điều này nghe có vẻ hợp lý, song có những lý do để tin rằng nó sẽ chẳng mấy hiệu quả. Phần lớn là bởi Trung Quốc sẽ chỉ bán các đường ống vận chuyển. Các công ty nhà nước sẽ vẫn có sự độc quyền trong khai thác, lọc và phân phối các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt. Hơn nữa, còn có thông tin Chính phủ Trung Quốc sẽ thành lập một công ty mới hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển và ít nhiều công ty này sẽ lại được hưởng nhiều đặc quyền. Rất có thể việc tạo ra một công ty như vậy là cách để Chính phủ Trung Quốc kiểm soát việc vận chuyển năng lượng.

Nếu Trung Quốc thực sự quan ngại về tình trạng tham nhũng trong ngành dầu khí nói riêng và năng lượng nói chung, thì họ sẽ phải thu lại toàn bộ các tài sản của các doanh nghiệp nhà nước rồi bán cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân. Họ sẽ không tạo ra một công ty mới như vậy. Trung Quốc trong tương lai gần vẫn sẽ là một khách hàng năng lượng lớn. Mức tiêu thụ dầu thô của nước này sẽ tăng 10% mỗi năm. Chỉ riêng mùa hè vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện hai dự án đường ống dẫn mới với ba nước khác nhau. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tích cực gia tăng lượng xăng dầu dự trữ chiến lược.

Theo “Eurasia review

Mỹ Anh (gt)