Một Đại sứ tại Liên hợp quốc đã bày tỏ hy vọng rằng ông Jokowi sẽ sớm từ bỏ thái độ thờ ơ và thiếu quan tâm đến các vấn đề chính sách đối ngoại. Vị Đại sứ này cũng nói thêm rằng dù vẫn còn bận tâm với vấn đề chính trị và kinh tế phức tạp trong nước nhưng Indonesia cũng không nên "tự cô lập" mình với các vấn đề toàn cầu. So với 6 người tiền nhiệm, ông Jokowi rõ ràng là nhà lãnh đạo ít quan tâm tới các vấn đề đối ngoại nhất và chưa có dấu hiệu thay đổi.

Người tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono đã rất quan tâm tới vai trò của quốc gia vạn đảo trên sân chơi toàn cầu và đã thực hiện điều đó với tất cả các kiến thức và kỹ năng của mình. Bà Megawati Sukarnoputri, Chủ tịch Đảng cầm quyền, người được cho thừa hưởng tài năng từ cha (ông Sukarno), phần lớn đã "thụ động" trong 3 năm cầm quyền nhưng chí ít bà cũng đã chọn nhà ngoại giao Hassan Wirajuda làm Ngoại trưởng và đã để ông này "tự do" thay mặt mình đảm đương công việc. Người kế nhiệm bà cũng tin cậy ông Hassan Wirajuda rất nhiều khi giữ ông này làm Ngoại trưởng thêm một năm sau đó.

Ông Marty Natalegawa trở thành Ngoại trưởng dưới thời Yudhoyono (giai đoạn 2009-2014) với nhiệm vụ chính là thực hiện tầm nhìn và tham vọng của Tổng thống trên các diễn đàn quốc tế. Sau khi ông Jokowi nhậm chức Tổng thống thứ bảy của quốc gia vạn đảo (tháng 10/2014), ông Jokowi đã chọn nhà ngoại giao cấp cao Retno LP Marsudi. Quyết định này của ông Jokowi được cho là dựa trên ít nhất 3 yếu tố: khả năng, giới tính, và điều quan trọng nhất ông Retno là sự lựa chọn của bà Megawati.

Thực tế, bà Retno chưa bao giờ nắm một vị trí quan trọng trong Bộ Ngoại giao - một trong những lý do khiến dư luận nghi ngờ về khả năng bà có thể bù đắp được sự thiếu kinh nghiệm hoặc sự quan tâm đến chính sách đối ngoại của ông Jokowi. Bà Retno đã nỗ lực rất nhiều trong việc chỉ đạo Bộ Ngoại giao thực hiện tầm nhìn của Tổng thống trong năm năm tiếp theo, bao gồm cả việc đưa Indonesia trở thành một cường quốc hàng hải được tôn trọng. Nhiều người tin rằng ông Jokowi cảm thấy thoải mái hơn khi thường xuyên hỏi ý kiến tư vấn từ một học giả nổi tiếng làm việc tại một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Jakarta về các vấn đề đối ngoại.

Bên cạnh đó, việc Indonesia quyết định tạo khoảng cách với những gì đang diễn ra ở Myanmar khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Phải chăng chính phủ quốc gia vạn đảo muốn áp dụng cách tiếp cận "chờ đợi và xem xét" đồng thời hành động một cách "an toàn"? Giới chuyên gia cho rằng Indonesia cần phải tích cực can dự, khuyến khích Myanmar trong quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài quân sự sang nền dân chủ đầy đủ như quốc đảo này. Là nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới sau Ấn Độ và Mỹ, là nước đầu tàu của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Indonesia cần đi đầu trong việc sát cánh với Myanmar trên hành trình chuyển đổi. Myanmar sẽ lắng nghe Indonesia bởi quốc đảo đã từng có kinh nghiệm tương tự và không có xung đột lợi ích ở đây. Tuy nhiên, việc bà Ngoại trưởng Retno chỉ đưa ra lời chúc mừng Myanmar về cuộc bầu cử thành công vừa qua được dư luận đánh giá là "quá ít, quá muộn", và do đó trở nên "vô nghĩa". Một sai lầm ngoại giao khác là ông Jokowi đã quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila (Philippines).

Chuyên gia Kornelius Purba đi đến kết luận rằng đây là thời điểm quan trọng để ông Jokowi chỉ định thành lập một hội đồng chính sách đối ngoại mạnh mẽ gồm các nhà nghiên cứu có nguồn gốc khác nhau, nhưng có chuyên môn, kiến thức thuyết phục về quan hệ quốc tế. Họ sẽ là các cố vấn đáng tin cậy cho ông Jokowi bởi nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã sử dụng một hệ thống như vậy. Đây cũng là lúc ông Jokowi phải tăng cường và chủ động dẫn dắt quốc gia vạn đảo trong các vấn đề toàn cầu.

Theo "Bưu điện Jakarta"

Lê Quang (gt)