Ngày 16/5 năm nay, Thủ tướng Modi đáng lẽ sẽ tận hưởng lễ kỷ niệm tròn một năm kể từ khi Chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) - do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông dẫn dắt - giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014. Thế nhưng thay vì dự lễ kỷ niệm ngày trọng đại này tại Ấn Độ với các cộng sự của mình trong BJP, Thủ tướng Modi sẽ có chuyến công du tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Mông Cổ.

Đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Modi đã ghi dấu ấn với quyết định mời lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) tới dự lễ tuyên thệ nhậm chức và kết thúc năm cầm quyền đầu tiên với các chuyến công du tới 18 nước trong vòng 12 tháng. Với việc thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc bảo vệ lợi ích của Ấn Độ ở nước ngoài, Thủ tướng Modi đã thực hiện điều mà BJP gọi là một trong 5 “điểm chính” trong chiến lược đối ngoại - Samvaad - tức là chính sách ngoại giao tiếp xúc liên tục, thường xuyên với thế giới.

Đối với những người hướng ngoại, ông Modi là một vị Thủ tướng mơ ước, người luôn luôn kiên quyết và đổi mới trong tầm nhìn và hành động. Chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ nghị viện và không bị sức ép từ phe đối lập ở trong nước, Thủ tướng Modi có điều kiện dành nhiều thời gian và sức lực để tăng cường vị thế của Ấn Độ ở nước ngoài hơn bất kỳ Thủ tướng nào của Ấn Độ, kể từ thời Jawaharlal Nehru.

Thủ tướng Modi không chỉ chú tâm tới công tác đối ngoại, ông cũng cố gắng thể hiện Ấn Độ như một nước đang trên đường hướng tới địa vị nước lớn. Thực tế, một “điểm chính” khác trong chiến lược đối ngoại của BJP là Sammaan, hay còn gọi là phẩm giá và danh dự quốc gia, đã được Thủ tướng Modi gánh vác trên vai, làm bừng lên khát vọng của người Ấn Độ về sự công nhận và uy tín trên toàn cầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết lời ca ngợi ông Modi trên tạp chí "Time", coi ông như một biểu tượng của “sự năng động và sự nổi lên của Ấn Độ”, trong khi một nhà xuất bản của Trung Quốc đánh giá ông như một nhà lãnh đạo được xếp thứ bậc cao nhất thế giới trong điều hành công việc đối nội và đối ngoại.

Trong năm đầu tiên, Thủ tướng Modi đã cho ra mắt “con bài chủ” mà BJP coi là một “điểm chính” khác trong chính sách đối ngoại - đó là Samriddhi (chia sẻ thịnh vượng kinh tế). Tạp chí “the Economist” cho rằng trong khi bầu không khí thất vọng và ảm đạm đang bao vây Trung Quốc, Nga, Brazil và Nam Phi thì có một thị trường lớn đang nổi lên một cách kiên cường - đó là Ấn Độ.

Thủ tướng Modi đã theo đuổi mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các chuyến công du và ông đã thu được những cam kết đầu tư tài chính lớn từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Australia và Đức. Tuy nhiên, do FDI của Ấn Độ tụt xuống tận đáy khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền nên sẽ mất vài năm nữa mới có thể thu được kết quả thực sự. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của ông đã thuyết phục các nhà đầu tư tới và cảm nhận sự thay đổi trong môi trường đầu tư tại Ấn Độ.

Thủ tướng Modi cũng đề ra mục tiêu tham vọng tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa hàng năm của Ấn Độ lên 900 tỷ USD vào năm 2020. Đối với Ấn Độ, để trở thành một cường quốc về thương mại, Thủ tướng Modi hiểu rằng hàng xuất khẩu phải có sức cạnh tranh cao và phải có các hành lang kết nối với các nước láng giềng và xa hơn nữa. Công thức “3 chữ C” (connectivity, commerce và culture: Kết nối, thương mại và văn hóa) của Thủ tướng Modi có nghĩa là phải khai thác tiềm năng thương mại xuyên biên giới và tăng cường vai trò của Ấn Độ trong thương mại thế giới. Những người hoài nghi sẽ cho rằng sự chậm trễ của Ấn Độ trong xây dựng đường bộ, đường sắt, hành lang kinh tế, ống dẫn dầu và hải cảng ở Nam Á và Đông Nam Á là trái ngược với những tuyên bố hùng hồn của Chính phủ Thủ tướng Modi rằng sẽ triển khai nhanh chính sách.

Trong khi Trung Quốc sẽ nhảy nhanh như sóc khắp thế giới nhờ “Con đường Tơ lụa”, Thủ tướng Modi cần tạo những lực đẩy mới cho các kế hoạch lớn khôi phục “Con đường gia vị” và Mausam (tuyến đường buôn bán bằng thuyền buồm cổ xưa) đã từng đưa Ấn Độ lên vị trí trung tâm kinh tế của khu vực. Trong năm thứ hai, Thủ tướng Modi cũng phải giải quyết vấn đề hiện đại hóa quân đội để đối phó với chiến tranh và tình trạng bất ổn từ các láng giềng. Thủ tướng Modi phải tập trung củng cố ảnh hưởng của Ấn Độ tại Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, nơi ông đã được cộng điểm trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Theo “India Times

Vũ Hiền (gt)