Tương tự như vậy, sự đụng độ của các tàu chiến Trung Quốc và Philíppin tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối tại Manila. Việc tăng cường sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã bị đổ vỡ khi Thủ tướng Hàn Quốc đến thăm đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp. Nhưng người ta không nên quá hoang mang. Mỹ đã tuyên bố rằng quần đảo Senkaku nằm trong tầm bảo vệ của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Trong khi đó, cuộc đụng độ tại Scarborough đang hạ nhiệt và mặc dù Nhật Bản đã triệu hồi Đại sứ tại Hàn Quốc, nhưng dường như hai nước sẽ không đi xa hơn.

Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Đông Á là đáng lo ngại và dễ hiểu. Tại châu Âu, mặc dù những người Hy Lạp có thể phàn nàn về những điều khoản để Đức ủng hộ việc tài trợ khẩn cấp, nhưng giai đoạn từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, các nước châu Âu đã đạt được tiến bộ lớn trong việc liên kết với nhau. Nhưng tại châu Á thì không. Những vấn đề bắt nguồn từ những năm 30 và 40 của thế kỷ trước vẫn còn nguyên, thậm chí còn bị sách giáo khoa và các chính sách thiên lệch của các chính phủ thổi phồng.

Một số nhà phân tích quốc phòng Mỹ đang xem chiến lược biển của Trung Quốc là hung hăng, với việc tăng chi tiêu quốc phòng và phát triển các công nghệ tên lửa và tàu ngầm được thiết kế để bao vây các vùng biển từ bờ biển Trung Quốc đến "chuỗi đảo đầu tiên" Đài Loan và Nhật Bản. Nhưng một số người khác lại thấy chiến lược đó của Trung Quốc là bối rối, mâu thuẫn và bị tê liệt do những lợi ích quan liêu cạnh tranh nhau, với bằng chứng rõ nhất là những kết quả tiêu cực của những chính sách quyết đoán hơn của Trung Quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Quả thực các chính sách của Trung Quốc đang hủy hoại quan hệ của họ với gần như tất cả các nước láng giềng. 

Trong khi Trung Quốc đang chi hàng tỷ Nhân dân tệ (NDT) trong một nỗ lực tăng quyền lực mềm tại châu Á, hành vi của Bắc Kinh tại Biển Đông đang mâu thuẫn với thông điệp của họ. Một số quan chức cho rằng Trung Quốc theo đuổi chiến lược này là do họ "kế thừa" những tuyên bố chủ quyền lịch sử, trong đó có một bản đồ "đường lưỡi bò" tại Biển Đông từ thời Dân quốc. Ngày nay, do công nghệ cho phép khai thác các nguồn tài nguyên dưới nước và các nguồn hải sản nên Trung Quốc càng không thể từ bỏ di sản này.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không biết chính xác địa điểm của đường lưỡi bò, hoặc liệu tuyên bố chủ quyền của họ chỉ đề cập đến phần đất liền, hay mở rộng ra cả thềm lục địa và đại dương. Mỹ đã hai lần (năm 1995 và 2010) tuyên bố rằng Biển Đông nên quản lý theo Công ước Luật biển 1982 của LHQ, nhưng Mỹ không can thiệp vào những tuyên bố chủ quyền và thúc giục các bên giải quyết tranh chấp thông qua thương thuyết.

Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử không ràng buộc về pháp lý để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ này, nhưng do là một cường quốc lớn, Trung Quốc đang tin rằng họ sẽ có lợi hơn trong các cuộc thương thuyết song phương, chứ không phải đa phương với các nước nhỏ. Nhưng đây là một chiến lược sai lầm. Là một nước lớn, Trung Quốc sẽ có ưu thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào và có thể làm giảm thiệt hại tự gây ra bằng việc nhất trí một bộ quy tắc ứng xử.

Đối với tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc không nên cử các tàu chính thức đi vào các vùng biển Nhật Bản và thiết lập một đường dây nóng với Nhật Bản để giải quyết các cuộc khủng hoảng do phái "diều hâu" dân tộc chủ nghĩa gây ra. Đồng thời hai nước nên phục hồi cơ cấu khung năm 2008 về cùng khai thác các mỏ khí đốt tranh chấp tại Biển Hoa Đông. Chính phủ trung ương Nhật Bản nên mua lại các hòn đảo cằn cỗi từ các chủ tư nhân và tuyên bố chúng là vùng biển quốc tế được bảo vệ. Hiện là lúc tất cả các nước Đông Á nên nhớ lời khuyên nổi tiếng của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill rằng "tranh cãi luôn tốt hơn chiến tranh".

Joseph S. Nye,  Project syndicate ngày 4/9.

Thùy Anh(gt)