Người Viking xưa kia thống trị biển cả để cướp bóc. Người Anh thì thống trị đại dương để thiết lập đế chế. Còn Hải quân Mỹ, trong 40 năm qua bằng cách tham gia bảo vệ các tuyến đường biển chính trên thế giới, đã góp phần mở ra thời đại mới kết nối thương mại và toàn cầu chưa từng có. Vì thế, các đại dương trên thế giới luôn là không gian chiến lược quan trọng. Nhưng các mối đe dọa ngày nay vượt qua phạm vi diễn biến thời sự thường ngày như năng lực hải quân tiên tiến của Trung Quốc hay các hoạt động tàu ngầm gia tăng của Nga ở Biển Baltic. Một trong những thách thức đó đang diễn ra thầm lặng trên biển mà không được chú ý đến, đó là: việc kiểm soát nguồn cá của thế giới.

Vì hơn 90% nguồn cá toàn cầu gần như biến mất hoặc cạn kiệt trong khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng, nên cạnh tranh về quyền đánh bắt và tiếp cận với nguồn cá ngày càng trở nên gay gắt. Dù các quốc gia đã có lịch sử lâu đời về những va chạm xung quanh những loại hàng hóa tiêu dùng, nhưng đối với nhiều nước, đánh bắt cá còn là nguồn lương thực và kế sinh nhai chính.

Tình trạng căng thẳng trong tiếp cận với nguồn cá đó chủ yếu bắt nguồn từ hành xử của một nước: đó là Trung Quốc. Vì là nước sản xuất cá lớn nhất thế giới từ năm 1990, Trung Quốc nhận thấy mình đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung cá với 30% nguồn cá của nước này bị cạn kiệt, và 20% bị đánh bắt quá mức. Trong khi đó, lượng tiêu dùng cá của Trung Quốc tăng trung bình 6%/năm trong giai đoạn từ 1999-2010 và cũng khoảng thời gian đó dân số nước này lại tăng thêm 80 triệu người – tương đương với toàn bộ dân số của nước Đức.

Để đáp ứng tất cả nhu cầu đó, Trung Quốc đã xây dựng một đội đánh bắt cá xa bờ lớn nhất thế giới với hơn 2.000 tàuđặt kế hoạch đạt con số 2.300 tàu vào năm nay – gấp 10 lần đội tàu cá xa bờ của Mỹ. Ngành đánh bắt cá của Trung Quốc là một trong những ngành kinh tế được nhà nước trợ cấp mạnh nhất. Do vậy, sự mở rộng nhanh chóng đội tàu cá này không phải là ví dụ điển hình về sự tăng trưởng kinh tế tư nhân hoặc tăng trưởng theo nhu cầu, mà nhờ sự can thiệp trực tiếp của chính phủ.

Trung Quốc biết là họ đang phải đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực đang đến gần, có thể dẫn đến bất ổn xã  hội và đe dọa đến chính thể trong nước. Do đó, tăng sản lượng cá là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm duy trì sự tồn tại của chế độ - Trung Quốc cũng hung hăng hơn và mở rộng đánh bắt cá trái phép bằng tàu kéo lưới khắp thế giới, đặc biệt ở các vùng biển láng giềng trong khu vực Đông Á như Nhật Bản và Nga. Ví dụ, Hàn Quốc rất lo ngại trước 4.600 tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của nước này và các tàu bắt cá trái phép của Trung Quốc đã bị bắt ở vùng biển của Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.

Các nước khác cũng không coi nhẹ hành động này của Trung Quốc. Mùa thu năm ngoái, hơn 200 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Nhật Bản trong bối cảnh hai nước đang căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Để trừng phạt, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản không cho các tàu cá Trung Quốc neo đậu để tránh cơn bão sắp đến. Vài tuần trước đây, Philippines đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila sau khi một chiếc tàu cá Trung Quốc đâm ba tàu của Philippines và hơn 25 tàu Trung Quốc bắt loài sò khổng lồ đang bị đe dọa tuyệt chủng ở quanh bãi cạn Scarborough trù phú nhưng đang tranh chấp ở Biển Đông.

Tầm quan trọng của an ninh lương thực đối với các cường quốc trỗi dậy như Trung Quốc không thể bị xem nhẹ. Nguồn cá đang dần cạn kiệt phần nào thúc đẩy Bắc Kinh yêu sách lãnh thổ trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở Hoa Đông, Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Ngoài ra, do dân số thế giới và tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng, kéo theo đó là lượng tiêu thụ cá trên toàn cầu, nên xung đột về nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn cung thực phẩm cũng tăng lên đáng kể và dễ dẫn đến bạo lực. Theo đó, cách hành xử của Trung Quốc có thể được xem như là tín hiệu cảnh báo sớm về hệ lụy an ninh của các nguồn cá không được quản lý và việc đánh bắt cá trái phép có thể dẫn đến xung đột trong tương lai.

Trước thực trạng đó, các nước đã bắt đầu đơn phương áp dụng các biện pháp mạnh để chống đánh bắt cá trái phép. Ví dụ, Tổng thống mới đắc cử của Indonesia Joko Widodo đã đề ra chính sách “liệu pháp sốc” (shock therapy) để ngăn chặn việc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này, bao gồm đánh chìm tất cả tàu cá đánh bắt trái phép. Đây là hình phạt hiếm thấy, ít nhiều gây bất ngờ và bất bình ở các nước láng giềng có ngư dân bị bắt. Quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương cũng đã cấm hoàn toàn việc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và đang trong quá trình điều máy bay không người lái đến để tuần tra việc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này. Dưới áp lực của Mỹ và EU, Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch tăng hình phạt đối với việc đánh bắt cá trái phép lên mức cao nhất – gấp 5 lần giá trị đánh bắt.

Thách thức đặt ra là nguồn dự trữ cá thì giảm còn xung đột về nguồn cá lại gia tăng. Đây là một trường hợp kinh điển về “bi kịch của các tài sản công” (tragedy of commons), dẫn đến một thế giới dễ nảy sinh xung đột. Để đối phó với thách thức này, cần phải có giải pháp dài hạn là thay đổi thói quen tiêu dùng và tăng cường quản lý nguồn tài nguyên của thế giới một cách cân bằng hơn. Trước mắt, các nước cần thực thi các hiệp định khu vực và quốc tế hiện hành để giảm nhẹ hậu quả tiêu cực từ việc đánh cá quá mức, ví dụ như Hiệp định về các biện pháp nhà nước có cảng (PSM) do Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) thông qua năm 2009. Hiệp định này truy lung việc đánh bắt cá trái phép bằng cách yêu cầu các quốc gia ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ hơn với các tàu cắm cờ nước ngoài neo đậu đậu trong cảng của họ.

Các tổ chức phi chính phủ và lĩnh vực công nghệ tư nhân cũng tích cực tham gia vào việc quản lý nguồn cá này. Ví dụ, Tổ chức nhân đạo Pew (Pew Charitable Trusts) đề ra Dự án Chấm dứt Đánh bắt cá trái phép (Ending illegal fishing project). Cùng với nhiều biện pháp khác, Dự án này thiết lập một cơ sở dữ liệu theo dõi bằng vệ tinh trực tiếp, giám sát sự di chuyển của các tàu cá trên thực tế, và khi phát hiện sự di chuyển đáng ngờ sẽ báo cho các cơ quan chức năng về mối đe dọa đánh bắt cá trái phép. Google cũng đang định triển khai một dự án tương tự gọi là Giám sát Đánh bắt cá toàn cầu. Một số công ty sản xuất máy bay không người lái đang xây dựng quan hệ hợp tác với các quốc gia như Belize, sử dụng loại máy bay này để tuần tra cac dãy san hô của mình.

Trong lịch sử thì xung đột hải quân thường xảy ra do cạnh tranh về các tuyến đường biển và khả năng tiếp cận biển. Tuy nhiên, trong tương lai, khi dân số tăng lên và nguồn cá bị kiệt dần, xung đột có thể nổ ra vì nguồn tài nguyên phong phú nằm dưới mặt nước biển – còn hòa bình thì phụ thuộc vào việc quản lý các nguồn tài nguyên đó như thế nào./.

Bài viết của Johan Bergenas và Ariella Knight được lần đầu tiên đăng trên trang World Politics Review.

Người dịch: Tất Thắng

Hiệu đính: Minh Ngọc