us-navy-400x266.jpg

Việc ông Donald Trump lên nắm quyền đặt ra một dấu hỏi lớn về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Đông Nam Á, khi dường như chắc chắn Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ chấm dứt mọi hy vọng về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một báo cáo của "Quỹ Châu Á" nhìn nhận việc Mỹ thoái lui ở châu Á sẽ tạo ra khoảng trống lãnh đạo, kích hoạt bất ổn lớn trong trật tự khu vực. Tổ chức này cảnh báo rằng sự hiện diện của Mỹ là yếu tố cần thiết để duy trì hòa bình, an ninh tại châu Á trong nhiều thập kỉ qua. Vậy một khu vực với hơn 500 triệu dân mong đợi gì từ vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ?

Theo John Brandon, Giám đốc cấp cao của Chương trình quan hệ quốc tế thuộc Quỹ châu Á, đặt dấu chấm hết với TPP đồng nghĩa với việc Mỹ rời bỏ Đông Nam Á. Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, đồng tác giả của báo cáo, nhận định: “Chiến lược xoay trục hay tái cân bằng của ông Obama cuối cùng chỉ cho thấy vẻ rỗng tuếch và thiếu tin tưởng. Chính quyền Obama thường tuyên bố hùng hồn, nhưng ít có hành động thực tế. Ông Trump có thể tăng cường và tái xây dựng quyền lực cứng của Mỹ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, mũi nhọn chính cho can dự địa chính trị tại khu vực phải là các lợi ích thương mại, không quá chú trọng đến vấn đề dân chủ, nhân quyền”. Đó là viễn cảnh đáng trông đợi đối với lãnh đạo một số nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Campuchia Hun Sen thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Donald Trump trước thềm bầu cử. Ông Hun Sen trước đó thường xuyên chỉ trích các cáo buộc của Mỹ về nạn tham nhũng, lạm dụng nhân quyền ở Campuchia. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người có biệt danh “Donald Trum của phương Đông”, cũng bày tỏ sự ưa thích của mình đối với Tổng thống Mỹ đắc cử. Thủ tướng Malaysia cũng nói nhiều đến quan hệ cá nhân với ông Trump được kết nối từ một buổi đánh golf vài năm trước đây.

Ông Trump nói nhiều đến “chủ nghĩa cô lập” khi vận động tranh cử, với hàm ý chú trọng đến các vấn đề trong nội địa, giảm can dự ở bên ngoài. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông sẽ giữ cam kết này như thế nào khi chính thức lên nắm quyền. Một hệ quả có thể xảy ra là quan hệ giữa Mỹ với ASEAN - một cấu thành then chốt trong chiến lược tái cân bằng - phải đối mặt với bất trắc. Việc Mỹ giảm hậu thuẫn cho ASEAN sẽ là một cú đánh mạnh nhằm vào mong muốn của tổ chức này, đó là giữ vai trò trung tâm trong các diễn biến chính trị tại khu vực. Ông Brandon bình luận: “Ông Trump sẽ muốn biết Mỹ thu được gì khi dự các cuộc họp của ASEAN. Nếu thấy kết quả không nhiều và không có giá trị, ông ấy sẽ không quan tâm tới Đông Nam Á như chính quyền Obama… Câu hỏi đặt ra là ông Trump có ưa thích chủ nghĩa đơn phương hơn đa phương hay không? Có thể ông ấy sẽ có được quan hệ song phương vững mạnh, nhưng ông Trump sẽ khiến khu vực thất vọng khi không nhìn mọi thứ dưới góc độ đa phương, cũng như không ghi nhận vai trò của các thiết chế đa phương như ASEAN hay Diễn đàn Khu vực ASEAN(ARF)”,

Các thị trường ở Đông Nam Á cũng đã bắt đầu đón nhận hiệu ứng từ chiến thắng của ông Trump ngay ở thời điểm ông chưa chính thức nhậm chức với cam kết kết cắt giảm mạnh các sắc thuế, nới điều kinh doanh trong nội địa, gia tăng đầu tư cho hạ tầng. Thị trường kỳ vọng những chính sách như vậy sẽ đưa tới việc Cục Dữ trự Liên bang (FED) tăng lãi suất, khơi mào cho làn sóng bán tháo ở các nền kinh tế đang nổi. Indonesia và Malaysia - hai nước mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến 40% lượng trái phiếu chính phủ là đáng ngại nhất. Đồng ringgit của Malaysia đã mất giá hơn 7% để từ ngày 9/11, hiện giao dịch ở mức 1 USD đổi 4,479 ringgit. Đồng rupiah cua Indonesia cũng rung lắc mạnh, ở ngưỡng 1 USD đổi 13,50 rupiah. Nếu các chính sách mang tính bảo hộ của chính quyền Trump được thực hiện, các nước Đông Nam Á còn chịu tác động mạnh hơn, khi Mỹ là thị trường nhập khẩu lượng hàng hóa lên tới hơn 100 tỉ USD từ ASEAN (năm 2015). Là điểm đến trung tâm về gia công cho bên ngoài, Philippines sẽ đối mặt với tổn thất lớn khi chính quyền Trump có ý buộc các công ty Mỹ mở rộng sản xuất trong nội địa, hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Myanamar cũng gặp khó khăn, khi viễn cảnh không được Mỹ trao Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Ngay cả khi các giải pháp trừng phạt chỉ giới hạn nhằm vào Trung Quốc, Đông Nam Á cũng sẽ vẫn chịu tác động. Lý do nằm ở chỗ, các công ty Trung Quốc tiếp tục mở rộng các chuỗi sản xuất có quy mô ở khu vực. Với GDP đạt 2.500 tỉ USD, Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, hiện là đối tác thương mại hàng thứ 4 của Mỹ. Việc chính quyền Trump tương lai quyết định thoái lui khỏi khu vực hay quay về chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây ảnh hưởng đến cả lợi ích của Mỹ và ASEAN. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói rằng thông qua TPP hay không là thuốc thử liều cao đối với uy tín của Mỹ. Số phận coi như an bài của TPP đã ngay lập tức mở ra cánh cửa cho Trung Quốc thế chỗ. Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC mới đây ở Peru, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh các nỗ lực để tiến đến Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc làm đầu tàu, gồm 10 nước ASEAN cùng với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Sự ra đời của RCEP không chỉ khẳng định thực tế Trung Quốc đã tạo dựng một thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới từ trước đến nay, mà còn đồng nghĩa với việc Đông Nam Á sẽ bị cuốn sâu hơn vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc.

Theo "Forbes" (ngày 8/12)

Hùng Sơn (gt)