xi_beijing_net.jpg

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với "những người bạn có sức hấp dẫn" trên khắp thế giới từ lâu đã trở thành đặc trưng trong chính sách "ngoại giao sổ séc" của nước này: đi kèm với những sự kiện lớn ở nước ngoài là các hợp đồng trị giá nhiều triệu USD. Tuy nhiên, chuyến thăm mới nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Phi dường như đã cho thấy có một sự thay đổi khi Trung Quốc quan tâm đến chính trị hơn là kinh tế đơn thuần.

Trong bài phát biểu tại buổi khai mạc "Diễn đàn Trung Quốc- châu Phi", cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các quốc gia châu Phi đều nói về nhau như "những người bạn đáng tin cậy". Ông Tập Cận Bình mô tả quan hệ của Bắc Kinh với Nam Phi như "một người đồng chí và một người anh", đồng thời thúc đẩy nhiều lĩnh vực để hướng tới một kiểu quan hệ mới giữa Bắc Kinh và Pretoria. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng cho dù có sử dụng bất kỳ biểu tượng hay danh hiệu nào thì quan hệ giữa Trung Quốc với lục địa này cũng đã đạt đến điểm mạnh nhất.

He Wenping, chuyên gia về châu Phi tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định: "Chuyến thăm châu Phi của Chủ tịch Tập Cận Bình và Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi đã cho thấy mối quan hệ này đã đạt đến một tầm cao mới và có ý nghĩa lịch sử". Trong khi đó, Giám đốc Viện Trung Quốc ở Đại học Bucknell của Mỹ, ông Zhiqun Zhu, cho rằng Trung Quốc rõ ràng muốn xây dựng "quan hệ gần gũi với châu Phi bởi cả hai bên cùng chia sẻ những lợi ích chung trong việc thúc đẩy phát triển cũng như xây dựng một trật tự thế giới đa cực, ổn định và công bằng". Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi với khoảng 222 tỷ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ trao đổi trong năm 2014. Với mục tiêu trở thành đối tác chiến lược, Bắc Kinh cam kết sẽ tăng thêm đầu tư của nhà nước để giúp phát triển kinh tế ở châu lục này, phần lớn sẽ được dành cho lĩnh vực năng lượng và giao thông. Theo số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, trong hơn một thập kỷ qua đã có 29,97 tỷ USD, chiếm 41% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi, được giành cho các dự án năng lượng.

Nhiều công ty của Trung Quốc đã giành được các hợp đồng trong lĩnh vực giao thông trị giá hơn 81,1 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua, chiếm 49% tổng giá trị hợp đồng xây dựng của Trung Quốc ở Lục địa Đen. Nam Phi là quốc gia châu Phi nhận được nhiều đầu tư của Trung Quốc nhất với 9,17 tỷ USD, gấp 1,5 lần tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia đứng thứ hai trong số các nước nhận được nhiều đầu tư của Trung Quốc ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển hơn như Nigeria và Algeria cũng đã ký kết nhiều hợp đồng xây dựng lớn với các công ty Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc có các dự án trị giá 24,65 tỷ USD ở Nigeria và 18,69 tỷ USD ở Algeria, trong khi giá trị các dự án trong lĩnh vực này ở Nam Phi chỉ ở mức 380 triệu USD. Ngoài ra, các quốc gia ở châu Phi cũng đã được hưởng lợi lớn từ nguồn viện trợ nước ngoài của Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Mặc dù Bắc Kinh không tiết lộ con số cụ thể nhưng ước tính quy mô lên tới 2.500 dự án ở 51 quốc gia thuộc châu Phi với tổng giá trị khoảng 94 tỷ USD.

Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay đang nỗ lực tìm kiếm những người bạn gần gũi hơn và những liên minh ngoại giao trên vũ đài thế giới nhằm thúc đẩy việc khẳng định là một cường quốc chính với mục tiêu thoát khỏi kinh tế đơn thuần và coi châu Phi là một nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô đáng tin cậy. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã cam kết cử 8.000 binh sĩ tham gia Phái bộ giữ gìn hòa bình và tài trợ 1 tỷ USD để ủng hộ nhiệm vụ giữ gìn hòa bình ở châu Phi. Phó Giáo sư John Ciorciari tại Trường Chính sách Công Ford thuộc Đại học Michigan (Mỹ) nói: "Việc đóng góp vào lực lượng giữ gìn hòa bình ở châu Phi hay gây quỹ phát triển là những cách thức xây dựng chính sách ảnh hưởng và mở rộng sự thừa nhận là một cường quốc lớn mạnh".

Theo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng

Mỹ Anh (gt)