Ngày 1/8, tại Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung Quốc thuộc Hội châu Á ở Niu Yoóc, ông Ashton B. Carter, Thứ trưởng Quốc phòng - thành viên Ủy ban Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của Chính quyền Obama, cho biết tháng 1/2012 Tổng thống Obama chính thức công bố chiến lược quốc phòng mới tại Lầu Năm Góc. Từ đó đến nay, Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần lượt đến thăm các nước châu Á nhằm khẳng định tầm quan trọng của khu vực đối với Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến việc tái cân bằng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương: Theo Thứ trưởng Quốc phòng Carter, sau một thập kỷ xung đột, cuộc chiến tranh Irắc chấm dứt và cuộc chiến tranh Ápganixtan tuy chưa kết thúc nhưng sẽ sớm chuyển giao cho Chính phủ Ápganixtan, do đó, Mỹ nhận thấy các thách thức an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ xác định tương lai của Mỹ. Bất chấp các khó khăn ngân sách quốc phòng và nhiều thách thức khác, Bộ Quốc phòng Mỹ đề ra một chiến lược quốc phòng mới cho thế kỷ 21 và được Tổng thống thông qua. Bộ Quốc phòng đang xây dựng một lực lượng cho tương lai, như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Demsey gọi là “Lực lượng Chung năm 2020” và như Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho biết lực lượng đó sẽ gọn nhẹ, cơ động, sẵn sàng, được trang bị công nghệ hiện đại, có thể tiến hành các chiến dịch toàn diện và đánh bại bất cứ kẻ thù nào, ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực quan trọng và nổi bật nhất. Lôgích của tái cân bằng rất đơn giản. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được hưởng một môi trường an ninh và hòa bình hơn 60 năm qua, từ đó cho phép Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếp theo là Đông Nam Á và hiện nay là Trung Quốc phát triển và thịnh vượng và bằng cách khác Ấn Độ cũng sẽ phát triển và thịnh vượng. Như Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Panetta khẳng định an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra trước hết là nhờ những nguyên tắc lâu dài mà Mỹ ủng hộ trong khu vực. Mỹ tin rằng các nguyên tắc đó cần thiết cho hòa bình, thịnh vượng và an ninh. Các nguyên tắc đó bao gồm cam kết của Mỹ đối với thương mại tự do và mở cửa; một trật tự quốc tế bình đẳng chú trọng các quyền và trách nhiệm của các nước và tôn trọng quy định luật pháp, tất cả các nước tự do đi lại trong các khu vực chia sẻ trên biển, trên không, vũ trụ và hiện nay là không gian mạng; và nguyên tắc giải quyết xung đột là không sử dụng sức mạnh. Sự hiện diện an ninh mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh đã cho phép các nguyên tắc này xuất hiện ở nhiều nước của khu vực.

Không có tổ chức đa phương nào như NATO trong khu vực. Thiếu một cơ cấu an ninh rộng rãi, sự hiện diện của quân đội Mỹ hơn 60 năm qua đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho các nước không gian và an ninh cần thiết để đưa ra các lựa chọn mang tính nguyên tắc riêng của họ. Mỹ có ý định tiếp tục đóng vai trò đó. Nếu không có an ninh, những thù hận cũ trỗi dậy và xung đột xảy ra, tất cả các dân tộc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã phát triển và thịnh vượng trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới, sẽ bị ảnh hưởng và thụt lùi nghiêm trọng. Kinh tế toàn cầu sẽ trì trệ. Mỹ không muốn điều đó xảy ra. Và đây là một phần nguyên nhân tại sao Mỹ đang tái cân bằng quân sự trong khu vực. Tái cân bằng sẽ không nhằm vào bất cứ một nước hay một nhóm nước nào. Tái cân bằng quân sự không nhằm vào Trung Quốc. Nó liên quan đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình-nơi các nước chủ quyền có thể tiếp tục được hưởng lợi của an ninh và thịnh vượng.

Các nguồn thực hiện chiến lược tái cân bằng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương: quyết định cơ cấu lực lượng; các khoản đầu tư mới cho các loại vũ khí và công nghệ; các kế hoạch chiến dịch và chiến thuật; sức mạnh và sự hiện diện của Mỹ; các liên minh và các mối quan hệ đối tác trong khu vực là các nguồn để biến chiến lược tái cân bằng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương trở thành hiện thực. Để có được các nguồn đó Mỹ chủ trương chuyển các khả năng sức mạnh quân sự về khu vực châu Á-Thái Bình Dương:

* Hải quân: Sau khi rút khỏi Ápganixtan, Mỹ sẽ điều chuyển về châu Á-Thái Bình Dương các đơn vị hải quân, tàu sân bay, tình báo, giám sát và do thám (ISR) của hải quân và các khả năng xử lý, khai thác và phổ biến (PED). Tháng 1/2012, Mỹ đã điều chuyển một máy bay trinh sát EP-3 của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM); tái triển khai 2 máy bay không người lái từ Ápganixtan, một số máy bay trinh sát điện tử; các máy bay tuần tiễu biển P-3C của hải quân đến khu vực. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Mỹ sẽ chuyển 60% tài sản của lực lượng hải quân đến khu vực Thái Bình Dương; tăng thêm 1 tàu sân bay, 7 tàu khu trục (3 tàu khu trục Zưmwalt), 10 tàu tác chiến ven bờ và 2 tàu ngầm ở Thái Bình Dương; điều động một số tàu đổ bộ và tàu khu trục khác đến Thái Bình Dương sau khi cung cấp các tàu chiến mới cho các lực lượng hải quân ở khu vực châu Phi, Nam Mỹ và châu Âu.

* Không quân: Chuyển một số máy bay từ Ápganixtan về châu Á-Thái Bình Dương như máy bay MQ-1 Reaper, máy bay trinh sát U-2 và Global Hawk; chuyển các tài sản PED của Hệ thống Phân phối Chung Mặt đất của lực lượng không quân hiện đang tham gia các chiến dịch của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (USCENTCOM) cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương; có thể bố trí các lực lượng máy bay ném bom chiến lược, các phương tiện chiến tranh mạng và vũ trụ từ Mỹ đến châu Á-Thái Bình Dương. Khi các chiến dịch kết thúc tại Ápganixtan, lực lượng ném bom chiến lược B-1 và B-52 sẽ có mặt đã luân chuyển trong khu vực.

* Lính thuỷ đánh bộ và lục quân: Tiếp tục duy trì chứ không cắt giảm lực lượng lính thuỷ đánh bộ và lục quân Mỹ tại các căn cứ ở các nước châu Á-Thái Bình Dương. Lực lượng lính thuỷ đánh bộ và lục quân Mỹ sẽ tăng quân số tại châu Á-Thái Bình Dương sau khi các lực lượng này kết thúc hoạt động tại Irắc và Ápganixtan.

Bên cạnh chú trọng khu vực truyền thống là Đông Bắc Á, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Hiện Mỹ có các lực lượng lính thuỷ đánh bộ luân chuyển bố trí tại Bắc Ôxtrâylia, 4 tàu Tác chiến Ven bờ trên cơ sở luân chuyển tại Xinhgapo và trạm tiền phương tại Guam; đang hợp tác với Ôxtrâylia để xây dựng căn cứ không quân của các máy bay ném bom chiến lược luân chuyển. Mỹ sẽ tăng cường đầu tư các khả năng mới cho khu vực: Mỹ sẽ đầu tư xây dựng Guam thành một trung tâm chiến lược phục vụ Tây Thái Bình Dương. Hiện Mỹ đang điều động lực lượng lính thuỷ và các máy bay ném bom đến căn cứ không quân Anderson trong khu vực; đầu tư cơ sở hải quân tại cảng Apra; xây dựng các khu vực huấn luyện và cơ sở hạ tầng hiện đại tại Guam để huấn luyện lực lượng lính thuỷ đánh bộ; mới triển khai một lữ đoàn máy bay chiến đấu F-12 tại căn cứ không quân Kadena thuộc Okinawa của Nhật Bản và đây cũng là căn cứ không quân nước ngoài đầu tiên dự kiến có các máy bay chiến đấu F-35. Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư khoa học và công nghệ để bảo vệ và phát triển khả năng chiến tranh mạng, các lực lượng tác chiến đặc biệt, trong đó có các lực lượng chống khủng bố và bảo vệ các sáng kiến vũ trụ quan trọng; đầu tư lớn cho chiến tranh điện tử và ra đa. Hải quân Mỹ đang đầu tư sản xuất loại tàu ngầm lớp Virginia để cho phép mỗi tàu ngầm chở 40 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp; duy trì sức mạnh dưới biển bằng cách tiếp tục cải tiến chiến tranh chống tàu ngầm, trong đó có tiếp tục cải tiến các tàu ngầm lớp Virginia, máy bay tuần tiễu biển P-8A và máy bay trực thăng MH-60; triển khai Hệ thống Cảm biến Biển Khu vực Rộng lớn (BAMS) vào năm 2016 để mở rộng tầm và khả năng ISR trong khu vực.

Tăng cường củng cố và phát triển các quan hệ đối tác: Mỹ đang tìm cách xây dựng các mối quan hệ đối tác; thúc đẩy sức mạnh của các liên minh và đối tác nhằm đối phó với các thách thức lớn và đáp ứng các cơ hội mới. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, Mỹ sẽ tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập đa phương và song phương trên biển về an ninh, đối phó với các sự kiện bất ngờ và trợ giúp nhân đạo. Mỹ sẽ tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực bao gồm hàng loạt trao đổi thương mại quân sự nước ngoài, thương mại trực tiếp và hợp tác công nghệ. Mỹ đang cải tiến chế độ kiểm soát xuất khẩu theo Sáng kiến Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu 2010 của Tổng thống Obama và áp dụng các biện pháp cải tiến các tiến trình trong Bộ Quốc phòng; xem xét nhu cầu của các đối tác để có thể đáp ứng trong tương lai. Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh phòng thủ khu vực bằng cách hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc về công nghệ phòng thủ tên lửa; hợp tác với Ôxtrâylia về các khả năng vũ trụ. Ngoài việc triển khai các tàu tác chiến ven bờ luân chuyển tại Xinhgapo, Mỹ đang tăng cường huấn luyện cho hải quân nước này, sử dụng các cơ hội để triển khai lực lượng luân chuyển tại các khu vực ưu tiên ở Philíppin, chú trọng xây dựng các khả năng và sự hiện diện an ninh trên biển của Philíppin và thúc đẩy nhận thức sức mạnh trên biển của Manila, Oasinhtơn còn thúc đẩy vai trò, nhiệm vụ và khả năng với Nhật Bản và đạt được tiến bộ trong quá trình chuyển giao việc quản lý tác chiến do Hàn Quốc lãnh đạo; thúc đẩy các diễn đàn đa phương như ASEAN nhằm giải quyết các vấn đề theo tiêu chuẩn và luật quốc tế, như các tuyên bố lãnh thổ hiện nay trên Biển Đông. Mỹ cam kết phát triển chương trình quân sự bền vững với Trung Quốc để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và giảm bớt rủi ro; tìm cách thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, và tin tưởng Trung Quốc là chìa khóa để phát triển châu Á-Thái Bình Dương thành khu vực hoà bình, thịnh vượng và vững chắc./.

Theo Defense.gov (ngày 1/8)

Hương Trà (gt)