Tháng 11/2011, Ngoại trưởng Mỹ thông báo thay đổi chính sách liên quan đến châu Á – TBD. Chiến lược mới này được cấu thành từ một số nhân tố gồm can dự ngoại giao, kinh tế như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, thế nhưng nhân tố bao trùm hơn cả là việc can dự quân sự Mỹ ở khu vực. Với mối đe dọa từ sức mạnh hải quân gia tăng của Trung Quốc, Mỹ sẽ tăng đầu tư nguồn lực để đảm bảo tự do hàng hải và tiếp cận các nền kinh tế khu vực châu Á, nơi có tổng GDP vượt xa cả châu Âu. 

Lịch sử cho thấy Mỹ không ngần ngại triển khai các lực lượng quân sự tới khu vực khi lợi ích của Mỹ có nguy cơ bị đe dọa. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã đưa ra chiến lược ngăn chặn để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản với hậu thuẫn của lực lượng quân sự. Trong thời kỳ này, nguồn lực của Mỹ chủ yếu tập trung cho 2 cuộc chiến: chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên. Hai cuộc chiến này đã giúp Mỹ có được sự hiện diện quân sự ở khu vực từ đó tới nay. 

Oasinhtơn sẽ tăng cường sức mạnh quân sự khu vực khi có nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột và sự hiện diện của Mỹ sẽ giảm đi khi xung đột kết thúc. Các nước thường chào đón sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của mình nếu bị đe dọa bởi một cường quốc mới ở khu vực. Nhưng trong thời bình, sự hiện diện này lại không được người dân sở tại hoan nghênh. Với sự can dự của Mỹ vào Trung Đông đang giảm đi cùng với sức mạnh quân sự Trung Quốc đang nổi lên nhanh chóng, Mỹ đang tăng cường lực lượng tới khu vực. Nhiều quốc gia trong khu vực, do lo ngại trước uy lực và tính khó xác định trong chính sách của Trung Quốc, đang cần sự trợ giúp từ Mỹ. Dù không xác định sẽ xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc nhưng Mỹ ngày càng nhận thấy nguy cơ xung đột gia tăng giữa các quốc gia trong khu vực, nhất là ở Biển Đông hoặc quần đảo Điếu Ngư. 

Tuy nhiên, Mỹ đang vấp phải 2 vấn đề khi tăng thêm nguồn lực quân sự tới Tây Thái Bình Dương. Thứ nhất, khu vực này quá xa về địa lý với Mỹ, vì vậy việc triển khai lực lượng đòi hỏi phải xây dựng hệ thống liên lạc xa hơn, cần nhiều điểm trung chuyển hậu cần hơn. Thứ hai, lực lượng hải quân chiếm phần lớn trong các hoạt động triển khai quân sự ở khu vực, vì thế các loại khí tài hải quân và không quân sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong các cuộc xung đột trên bộ.

 Bất kỳ chiến lược quân sự nào ở khu vực cũng phải nhằm chiến thắng học thuyết “chống can thiệp” (Lầu Năm góc gọi đó là chiến lược A2/AD) của Trung Quốc. Để chống lại học thuyết này, Mỹ đã phát triển khái niệm “Trận chiến Hải quân - Không quân”, với nguyên lý chủ yếu tập trung vào sự phối hợp chặt chẽ giữa sức mạnh không quân và hải quân. Lầu Năm Góc đã lập ra Văn phòng chiến lược Hải quân – Không quân để triển khai khái niệm này. Lầu Năm góc cũng hy vọng áp đảo sức mạnh “chống phản công” bằng việc phát triển các loại vũ khí với công nghệ tàng hình hoặc tấn công từ ngoài tầm phòng thủ của kẻ thù.

 Hiện tại, quân đội Mỹ phải dựa vào các căn cứ không quân và hải quân được thiết kế để triển khai ở Tây Thái Bình Dương. Thực tế, dù khái niệm “Trận chiến Hải quân – Không quân” tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ giữa các loại vũ khí không quân và hải quân, nhưng cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của các căn cứ hải quân và không quân trong khu vực. 

Ví dụ điển hình nhất của việc này là Căn cứ không quân Kadena ở quần đảo Okinawa của Nhật Bản. Xét trong phạm vi tác chiến của Lực lượng không quân Mỹ, Kadena là căn cứ không quân duy nhất để từ đó các lực lượng Mỹ có thể dễ dàng tới được Eo biển Đài Loan. Dù Mỹ có thể triển khai máy bay từ các căn cứ không quân ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam, nhưng khoảng cách xa như thế đòi hỏi phải triển khai thêm hàng loạt máy bay tiếp nhiên liệu. Điều này cũng dẫn tới việc khối lượng vận chuyển thấp, tần suất bay thấp và tăng nguy cơ tắc nghẽn khi những máy bay lớn như vậy chiếm điểm đỗ lớn hơn. Do gặp khó khăn về khoảng cách, quân đội Mỹ luôn xác định tầm quan trọng của các căn cứ quân sự ở khu vực, cho phép Oasinhtơn triển khai hoạt động quân sự trong điều kiện hậu cần thuận lợi hơn. 

Sự hiện diện quân sự cũng là nhân tố quan trọng khi triển khai lực lượng gần hoặc tại các nước đồng minh. Sự hiện diện giúp thiết lập các kênh liên lạc dự phòng giữa Mỹ và các đồng minh, đồng thời khẳng định cam kết của Oasinhtơn với các quốc gia bạn bè. Việc triển khai lâu dài, quy mô lớn binh sỹ ở Hàn Quốc thể hiện tầm quan trọng của chiến lược này. Với quy mô vừa đủ để tăng cường cho các lực lượng Hàn Quốc chống lại mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, sự hiện diện của binh sỹ Mỹ về cơ bản để đảm bảo sự can thiệp của Mỹ nếu xung đột nổ ra trên bán đảo này. Manila và Hà Nội cũng đang thể hiện sự sẵn lòng cho việc hiện diện của Mỹ để chống lại một Trung Quốc đang lớn mạnh về quân sự. 

Khi nước Mỹ đang can dự trở lại khu vực Tây Thái Bình Dương, chiến lược quân sự mới của Mỹ sẽ tiếp tục tập trung duy trì và tăng cường tiếp cận với các căn cứ không quân và hải quân ở khu vực. Việc tăng cường tiếp cận các căn cứ này sẽ tạo cho Oasinhtơn sự linh hoạt trong bố trí lực lượng, ngay cả khi lực lượng Mỹ nằm trong tầm tấn công của các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. 

Nguồn: U.S. Military Strategy in the Western Pacific (Stratfor)

Thuỳ Anh (gt)