Việc làm sống lại đề nghị vốn "rơi vào quên lãng" về việc thiết lập một khu vực hòa bình ở Ấn Độ Dương theo đề nghị của Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đầu tháng 12 này không phải là câu trả lời trước những thách thức biển mới mà Ấn Độ đang phải đương đầu. Chính sách ngoại giao đa phương là quan trọng, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược mới về Ấn Độ Dương mà New Delhi cần phát triển. Điểm cốt lõi của một chiến lược như vậy là xây dựng sức mạnh hải quân riêng của Ấn Độ và mở rộng quan hệ đối tác biển giữa Ấn Độ với các nước khác thông qua các cơ chế song phương, ba bên và nhiều bên. 

Trong quá khứ, khi tự cảm thấy còn yếu và theo chính sách không liên kết, Ấn Độ cho rằng những tình thế khó xử về an ninh quốc gia có thể giải quyết thông qua chính trị tinh thần. Hướng đi này đã tạo ra những vấn nghiêm trọng đối với các nhà ra quyết định chính sách an ninh của Ấn Độ. Chẳng hạn, khi Trung Quốc tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên năm 1964, Ấn Độ đã đề xuất với Liên Hợp Quốc (LHQ) về một hiệp ước nhằm thủ tiêu vũ khí hạt nhân. Nhưng thay vào đó, Ấn Độ chỉ nhận được hiệp ước ngăn chặn việc phổ biến loại vũ khí này. Đáng lẽ phải xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình thì Ấn Độ lại mất ba thập niên rưỡi để chỉ trích Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (NPT) và tuyên bố cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân. 

Tương tự, Ấn Độ tin rằng LHQ sẽ có câu trả lời đối với sự thay đổi lịch sử trong môi trường biển của mình - sự rút lui của Anh khỏi khu vực Đông kênh đào Suez sau gần hai thế kỷ thống trị Ấn Độ Dương. Khi Mỹ thay Anh trở thành thế lực hải quân chi phối tại Ấn Độ Dương và đối thủ Liên Xô tìm cách cạnh tranh, New Delhi đã ủng hộ đề nghị của Sri Lanka về một khu vực hòa bình tại Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã tranh cãi về ý kiến "khoảng trống quyền lực" tại Ấn Độ Dương và cho rằng khu vực này có thể xây dựng một hệ thống an ninh tập thể. Ấn Độ đã đề nghị các nước lớn không mua các căn cứ quân sự trong khu vực, đồng thời đề nghị Washington và Moskva đừng nghĩ đến chuyện mang vũ khí hạt nhân tới Ấn Độ Dương. Một số nước láng giềng như Pakistan tin New Delhi muốn đẩy các nước lớn ra khỏi Ấn Độ Dương để có thể thiết lập vị trí chi phối tại khu vực này. Đã có nhiều hậu quả về chủ nghĩa lý tưởng của Ấn Độ. Bất chấp lời nói suông về khu vực hòa bình, hầu hết các nước Ấn Độ Dương đã tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ các thế lực bên ngoài để chống lại những nguy cơ được cho là đang nổi lên từ các nước láng giềng. 

Đề nghị của cố vấn Doval về khôi phục ý tưởng thiết lập khu vực hòa bình tại Ấn Độ Dương được đông đảo dư luận coi là nhằm chống lại sự hiện diện hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. New Delhi đã theo dõi việc tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo (Sri Lanka) và việc hải quân Trung Quốc đối chọi với chiến lược ngoại giao biển mới của Ấn Độ tại Maldives với thái độ quan ngại. Những tuyên bố hùng hồn của Ấn Độ rằng không để các thế lực ngoài khu vực có mặt tại Ấn Độ Dương là nhằm vào Mỹ trong những năm 1970 và 1980. Khi Ấn Độ mở rộng quan hệ với quân đội Mỹ từ những năm đầu 1990, những tuyên bố theo kiểu này đã giảm bớt. Tuy nhiên, khi Trung Quốc để mắt đến Ấn Độ Dương thì New Delhi lặp lại "điệp khúc" cũ, nhưng vẫn không hạn chế được sức mạnh hải quân đang nổi lên của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Cũng như các thế lực lớn trước đây, Bắc Kinh có thể thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực tại Ấn Độ Dương trong tương lai. 

Để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc và cán cân lực lượng đang thay đổi tại Ấn Độ Dương, New Delhi cần có tầm nhìn xa hơn đề nghị thiết lập khu vực hòa bình đã lỗi thời. Chiến lược ngoại giao Ấn Độ Dương của New Delhi cần một nền tảng mạnh trong nước, được xây dựng trên cơ sở hiện đại hóa hải quân nhanh chóng hơn, mở rộng cơ sở hạ tầng biển dân sự, phát triển các vùng lãnh thổ đảo và khả năng tiến hành các dự án tại các nước khác ven Ấn Độ Dương và giúp đỡ mạnh hơn về hải quân cho các nước khác. 

Về mặt chính trị, Ấn Độ cần quan hệ chính trị tốt hơn với các quốc đảo như Sri Lanka và Maldives - những nước đang chơi "con bài" Trung Quốc để chống lại các chính sách thù địch của Ấn Độ. New Delhi cũng cần quan hệ đối tác mạnh hơn với các quốc đảo khác như Seychelles và Mauritius, những nước mà Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo. Ấn Độ cần đẩy mạnh hợp tác an ninh quân sự tại Ấn Độ Dương với Pháp, Mỹ và tiến hành đối thoại an ninh biển với Trung Quốc. Trên cơ sở những sáng kiến song phương và đơn phương như Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương và Hội nghị chuyên đề hải quân Ấn Độ Dương, Ấn Độ có thể mở rộng cơ chế đa phương về biển. Để thực hiện tất cả những điều này, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ấn Độ cần thức tỉnh trước những đòi hỏi mới về chiến lược biển và ngoại giao hải quân.

Theo “Indian Express” (ngày 24/12)

Vũ Hiền (gt)