Chuyến thăm 6 ngày của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến các nước Arập Xêút, Cata và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2012. Trọng tâm của chuyến thăm là đầu tư, thương mại và an ninh năng lượng của Trung Quốc. Điều này phản ánh tầm quan trọng chiến lược của vùng Vịnh đối với vấn đề năng lượng của Trung Quốc. Theo Stratfor, chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo diễn ra đúng lúc Mỹ đang vận động để mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Iran (lại nhằm vào xuất khẩu dầu của Iran) và trong bối cảnh những căng thẳng liên quan đến eo biển Hormuz tăng cao khi Iran chống lại áp lực của Mỹ. Trung Quốc tiếp nhận gần một nửa lượng dầu nhập khẩu từ khu vực vùng Vịnh - bao gồm 10% từ Iran - và dù sự bất ổn chính trị có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, nhưng một sự gián đoạn lớn hơn trong nguồn cung dầu từ khu vực này sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc. Như là một phần trong nỗ lực đa dạng hoá và bảo đảm nguồn cung năng lượng, đặc biệt là do những căng thẳng liên quan đến Iran và eo biển Hormuz, Trung Quốc định thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia vùng Vịnh thông qua các khoản đầu tư vào năng lượng và các loại hình cơ sở hạ tầng khác. 

Chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Arập Xêút là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung Quốc trong 2 thập kỷ. Còn chuyến thăm đến Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Cata là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia này. Việc thiếu các chuyến thăm không có nghĩa là Trung Quốc không quan tâm đến khu vực và các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực đầu tư vào các quốc gia Trung Đông, nhưng nó thể hiện sự tương tác hạn chế giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc với các quốc gia Arập vùng Vịnh. Bắc Kinh có ảnh hưởng hạn chế đối với khu vực, ngoài việc có sức mạnh kinh tế và chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trung Quốc từ lâu đã thực hiện cách tiếp cận không can thiệp đối với khu vực, chủ yếu là do ảnh hưởng của Mỹ, nhưng cũng là vì Bắc Kinh đã tập trung sự chú ý của mình vào việc phát triển và mở rộng các nguồn cung tài nguyên ngoài khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở châu Phi và Trung Á. Nhiệm vụ chính của ông Ôn Gia Bảo là tăng cường các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia vùng Vịnh nhằm mở rộng cơ hội đầu tư của Trung Quốc tại khu vực không chỉ ở lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, mà cả trong lĩnh vực đường sắt, cảng và các cơ sở hạ tầng khác. Điều này cho phép Trung Quốc tận dụng sự phát triển nội địa vẫn diễn ra ở khu vực này, chủ yếu là nhờ những đồng đôla có được từ dầu mỏ, nhưng cũng giúp định hình sự phát triển đó để tạo ra các con đường mới cho dầu mỏ của vùng Vịnh đi ra các thị trường xuất khẩu. Yếu tố then chốt của vấn đề là tìm ra các con đường tránh eo biển Hormuz, nút thắt cổ chai chiến lược tại cửa vịnh Pécxích. Gần như toàn bộ xuất khẩu của khu vực phải đi qua eo biển này - và khi Iran một lần nữa thể hiện rõ ràng rằng nếu bị gây sức ép quá mức nước này có đủ khả năng để tạm thời đóng cửa eo biển, cắt nguồn cung dầu mỏ không chỉ của Trung Quốc mà của cả thế giới. Mặc dù khả năng đó khó có thể xảy ra và nếu xảy ra thì tác động ngược lại đối với Iran cũng lớn như đối với các nước láng giềng của nước này, nhưng Trung Quốc thấy rằng an ninh dầu mỏ của mình có nguy cơ bị gián đoạn. 

Một trong những dự án quan trọng của Trung Quốc tại khu vực là đường ống dẫn dầu Abu Dhabi , qua đó cho phép các tàu chở dầu có thể nhận hàng phía bên ngoài eo biển Hormuz. Đây có thể chỉ là một sự khởi đầu nhỏ bé, nhưng nó cho thấy một loại hình phát triển mà Trung Quốc muốn mở rộng khu vực. Và không chỉ tại Trung Đông, nơi Trung Quốc đang tham gia hoặc đề xuất các đường ống cung cấp năng lượng tránh các điểm tắc nghẽn chiến lược trên biển, các dự án đường ống của Trung Quốc, ví dụ như tại Mianma cũng nhằm tránh eo biển Malắcca. Các khoản đầu tư vào Trung Á và hợp tác với Nga của Trung Quốc cũng tạo thêm các tuyến đường cho dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu. Đây là những nỗ lực nhằm hạn chế tính dễ bị tổn thương của Trung Quốc trước một nguy cơ xảy ra khủng hoảng tại một điểm nào đó. Bất kỳ một sự bất ổn nào của khu vực vùng Vịnh cũng có những ảnh hưởng tiềm tàng đến nguồn cung dầu của Trung Quốc, nhưng Iran còn mang thêm rủi ro chính trị. Trước đây, khi Mỹ gây sức ép đòi gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Trung Quốc có thể tạm thời giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran, nhưng chỉ 1 - 2 tháng sau đó thì lại tăng trở lại. Điều này giúp Trung Quốc làm dịu sức ép trực tiếp từ Mỹ đối với Trung Quốc và đợi cho môi trường chính trị hạ nhiệt trước khi đưa dòng dầu nhập khẩu của mình về mức bình thường. Trung Quốc không có mong muốn chính trị cũng như khả năng về kinh tế để quay lưng lại với Iran dù Mỹ gây sức ép, nhưng Trung Quốc đã điều chỉnh nhập khẩu của mình hàng tháng vào những thời điểm nhằm quản lý chung các mối quan hệ với Mỹ. Hiện tại, dường như mô hình tương tự đang diễn ra, Trung Quốc đã giảm đơn đặt hàng dầu mỏ từ Iran trong tháng 1 và 2 so với tháng 12/2011. Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc cũng phản ánh những tranh cãi về giá dầu mỏ của Iran trong năm 2012. Trung Quốc nhận thức rõ áp lực đang tăng lên đối với Iran và những động thái của châu Âu có thể mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Iran nên đã yêu cầu Iran hạ giá và kéo dài thời gian thanh toán. Do là khách hàng lớn nhất của Iran nên Trung Quốc có ảnh hưởng tương đối lớn tại Iran , nhưng với việc dầu cua Iran chiếm tới 10% dầu nhập khẩu của Trung Quốc , Iran cũng có thể vì lợi ích riêng của mình và đã từ chối việc điều chỉnh các điều khoản thanh toán. 

Trong ngắn hạn, Trung Quốc đang bù đắp việc dầu mỏ từ Iran giảm đi bằng việc đặt hàng thêm từ Irắc, Nga và Tây Phi. Tuy nhiên, ít có khả năng là Iran và Trung Quốc không tìm ra một sự thoả hiệp và điều chỉnh lại các điều khoản trong thoả thuận năng lượng của họ. Sự chú ý của dân chúng Trung Quốc tăng lên, các khoản đầu tư và những hoạt động nhằm hướng tới một hiệp định tự do thương mại với các quốc gia vùng Vịnh cũng giúp Trung Quốc nhắc nhở Iran rằng dù Iran là nguồn dầu quan trọng của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn là một trong số ít nước bảo vệ Iran, ít nhất về mặt chính trị, và mối quan hệ đặc biệt với Iran này có thể xấu đi, tương tự như sự thay đổi trong quan hệ của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng quan hệ kinh tế với Hàn Quốc. Mặc dù khó có thể thay thế được nguồn cung dầu mỏ từ Iran, Trung Quốc đã tập trung hơn vào việc tìm kiếm các nguồn bổ sung để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của mình. Các quốc gia vùng Vịnh là một thành phần quan trọng trong nỗ lực này, dù nguồn cung từ Trung Á và châu Phi đã tăng lên và Trung Quốc đã đoán được nguồn cung của Nga tăng. Tuy nhiên, để ngăn cản một sự thay đổi lớn trong môi trường chính trị, Iran khó có thể xuất khẩu nhiều dầu hơn nữa đến Trung Quốc vì việc phát triển bổ sung cơ sở hạ tầng cần thiết tại Iran khó có thể được xây dựng nên trong thời gian tới. Điều này có nghĩa rằng dù Trung Quốc không giảm nhập khẩu từ Iran, Iran cũng sẽ chiếm một phần nhỏ hơn trong nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc vì tổng nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng lên. 

Theo Stratfor (18/1)

Vũ Hiền (gt)