CHINA_Xi-Jinping-applauding_2.jpg

Việc các nước tập trung vào cuộc khủng hoảng tại thời điểm hiện tại là điều rất dễ hiểu và trong trường hợp của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng chính hiện nay là Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ và các nước láng giềng của nước này cũng cần nhìn nhận rõ chiến lược và mục tiêu tổng thể của Trung Quốc, cũng như những vấn đề có thể tạo ra những thách thức rộng lớn hơn và định hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong ít nhất 1/4 thế kỷ tiếp theo.

Trung Quốc đang nổi lên và trở thành một cường quốc lớn sau nhiều thế kỷ bị ngoại quốc xâm lược. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã quyết định áp dụng các biện pháp cải cách kinh tế lớn, cho phép Trung Quốc phát triển thành một trong những cường quốc lớn nhất và có nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc đã chứng minh sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, và thách thức Mỹ cũng như các quốc gia lân cận về cả lĩnh vực phòng thủ và tấn công sau nhiều năm bị coi là sỉ nhục do ngoại bang xâm lược.

Các nhà hoạch định chiến lượcTrung Quốc cũng thấy rằng Bắc Kinh cần thận trọng, tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ cho đến khi các lực lượng đã hoàn toàn sẵn sàng, cần sử dụng các phương tiện không đối xứng như việc bồi đáp, tôn tạo các rạn đá ở Biển Đông, và cần trỗi dậy một cách an toàn ở châu Á mà không gây ra bất kỳ xung đột nghiêm trọng nào. Vấn đề đối với Trung Quốc - cũng như đối với tất cả các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc - là không có một cách thức rõ ràng nào có thể dự đoán cấp độ trỗi dậy của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ đi xa đến đâu và kết quả cuối cùng trong việc thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương và nền kinh tế toàn cầu là gì.

Những thách thức và sự không chắc chắn này khiến Trung Quốc nhận thấy mình cần sử dụng chiến lược đã tuyên bố như một công cụ chính trị. Tất cả các quốc gia thường sử dụng các chiến lược quân sự và các chính sách đã tuyên bố làm đòn bẩy chính trị, nhưng Bắc Kinh thậm chí còn hơn thế nữa. Trung Quốc là một cường quốc quân sự mới nổi có đòn bẩy kinh tế rất lớn, vượt quá cả khả năng quân sự hiện tại của quốc gia này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải thận trọng trong thập kỷ tới và thận trọng hơn khi bị kích động bởi Mỹ và các láng giềng quan trọng như Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.

Quốc gia này đang tìm cách thống trị Đông Nam Á, không phải bằng một cuộc chiến tranh làm tê liệt nền kinh tế trong nước, cũng không phải bằng một cuộc chạy đua vũ trang. Yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông cũng như với các đảo Nhật Bản hiện đang chiếm giữ, mở rộng khu vực hải quân và không phận có thể giúp quốc gia này khẳng định sức mạnh và lợi ích mới của mình. Mặc dù những hành động này không đem lại lợi ích an ninh “sống còn” cho quốc gia, nhưng chính dòng chảy tự do nhập-xuất khẩu và phát triển trong nước mới tạo nên lợi ích tối cần thiết cho Trung Quốc trong tương lai.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là hoàn thành việc xây dựng một xã hội thịnh vượng trên mọi lĩnh vực vào năm 2021, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kỷ niệm 100 năm thành lập và xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, vững mạnh, dân chủ, nâng cao văn hóa và hài hòa vào năm 2049, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh dấu chặng đường 100 năm. Đó là "Giấc mơ Trung Quốc" nhằm đạt được mục tiêu trẻ hóa vĩ đại của dân tộc Trung Hoa và gia tăng sức mạnh của đất nước.

Nhiệm vụ nòng cốt để thực hiện Giấc mơ Trung Quốc là gia tăng sức mạnh quân sự của họ. Nếu không có sức mạnh quân sự thì một quốc gia không thể an toàn và cũng không thể vững mạnh. Trong giai đoạn lịch sử mới, mục tiêu của ĐCSTQ là xây dựng một quân đội vững mạnh trong tình hình thế giới mới. Trung Quốc cũng mặc nhiên công nhận rằng những tiến bộ thực tế của họ trong việc mở rộng quyền lực ra phía Đông Thái Bình Dương, xây dựng khả năng chiến đấu cả trên biển lẫn trên không dọc theo toàn bộ bờ biển của họ, xây dựng “các đảo" mới, củng cố sức mạnh tiến vào Ấn Độ Dương và tạo ra con "đường tơ lụa" mới đều có những hạn chế nhất định, nhưng những hạn chế này sẽ chỉ tồn tại trong thập kỷ tới. Năm 2015, "Sách Trắng" của ĐCSTQ một lần nữa nhấn mạnh sức mạnh của Bắc Kinh và rằng đất nước này cần thực hiện cuộc cải cách quân sự trên quy mô lớn và chính sách ngoại giao thận trọng.

Trong tình hình mới, các vấn đề an ninh quốc gia mà Trung Quốc đang phải đối mặt bao gồm nhiều vấn đề, phạm vi rộng lớn và thời gian tồn tại sẽ kéo dài hơn so với bất cứ vấn đề an ninh đã xảy ra trong lịch sử của đất nước này. Các yếu tố trong nước và bên ngoài đang phức tạp hơn rất nhiều. Do vậy, Bắc Kinh cần duy trì một cái nhìn toàn diện về an ninh quốc gia; cân bằng giữa an ninh nội bộ và bên ngoài; giữa an ninh của đất nước và an ninh của nhân dân, an ninh truyền thống và phi truyền thống; đặc biệt là vấn đề an ninh của riêng Trung Quốc gắn với an ninh chung của cả thế giới...

Tác giả Anthony H. Cordesman là chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Bài viết đăng trên "National Interest" (ngày 8/8).

Mỹ Anh (gt)