Trong một tài liệu có tựa đề "Chiến lược gây sức ép gián tiếp: Một chiến lược an ninh quốc gia về Biển Đông", Thiếu tướng Francisco Cruz - Phó Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang phụ trách Tình báo của Quân đội Philíppin (J-2) - cho rằng trước bất đồng giữa 5 nước tuyên bố chủ quyền và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Hội đồng An ninh Quốc gia Philíppin không hề đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia nhằm trực tiếp giải quyết vấn đề Trường Sa. Theo Tướng Cruz, tháng 7/1999 (bốn năm sau khi phát hiện Trung Quốc xây dựng các công trình trên đảo Vành Khăn thuộc đặc khu kinh tế của Philíppin), chính phủ đã giao cho Ủy ban Nội các phụ trách Các Vấn đề Đại dương và Biển (Cabcom-MOA) - do Bộ trưởng Ngoại giao làm chủ tịch - nhiệm vụ soạn thảo chiến lược. Nhưng hiện nay chính phủ vẫn thiếu một chiến lược phối hợp nhằm huy động sức mạnh tổng lực của đất nước để khẳng định chủ quyền và bảo vệ các lợi ích trên vùng biển phía Tây Philíppin. Bốn hành động chiến lược do Tướng Cruz kiến nghị với chính phủ nhằm chống lại sự quyết đoán và "nền ngoại giao pháo hạm" của Trung Quốc, đồng thời tăng cường vị thế của Philíppin trên Biển Đông, gồm: các thủ đoạn tâm lý, các hành động ngoại giao, hỗ trợ tình báo, và phối hợp hành động giữa các cơ quan thông qua việc thiết lập một Cơ quan Tăng cường Luật pháp Biển Quốc gia (dưới sự lãnh đạo của một sĩ quan cao cấp thuộc Lực lượng Hải quân Philíppin và quan chức này được toàn quyền sử dụng các tài sản quân sự). Cũng trong tài liệu trên, Tướng Cruz nhận định Bắc Kinh sẽ không tấn công các nước tuyên bố chủ quyền khác để hỗ trợ tuyên bố của mình, bởi vì hành động đó sẽ bị các nước láng giềng thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cô lập và Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với 2 mặt trận: Eo biển Đài Loan và Trường Sa. 

Ông này cho biết tháng 4/1983, Thủ tướng Philíppin lúc đó là Cesar Virata đã cảnh báo tất cả các nước tuyên bố chủ quyền trên vùng biển phía Tây Philíppin rằng bất cứ âm mưu nào nhằm tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo Kalayaan ở Trường Sa sẽ được coi như "một cuộc tấn công chống Philíppin và sẽ nhận được sự phản ứng thích đáng". Chính sách như vậy chỉ phù hợp ở thời điểm đó bởi vì Philíppin có quan hệ an ninh thân thiện với Mỹ và sự thân thiện đó được thể hiện bởi sự hiện diện của Mỹ tại hai căn cứ quân sự quan trọng trên lãnh thổ Philíppin. Trước đây, Philíppin đã có chính sách an ninh đối với khu vực lãnh thổ bất đồng, nhưng chính sách này chỉ tồn tại trong thời gian nắm quyền của cố Tổng thống Ferdinand Marcos. Chính sách đó đã biến mất sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic. Tướng Cruz khẳng định việc thiếu chính sách an ninh quốc gia đã tiếp tay cho Bắc Kinh nhằm biến Biển Đông thành "cái ao của Trung Quốc", đồng thời ông lên tiếng cảnh báo những hành động liên tiếp vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc khu kinh tế của Philíppin. Hiện Philíppin khẳng định tuyên bố chủ quyền trên 4 cơ sở chính sách gồm: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố Manila năm 1992, Đạo luật Hành xử Philíppin-Trung Quốc năm 1995 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC 2002). Theo UNCLOS, 80% nhóm đảo Kalayaan và các khu vực biển xung quanh nằm trong vùng đặc khu kinh tế của Philíppin. Ông cũng cho rằng do không có chính sách an ninh, Bộ Chỉ huy Phía Tây của Quân đội Philíppin (Westcom) không thể huy động các tài sản để ngăn chặn hành động thâm nhập của Trung Quốc. Hiện nay, Wescom vẫn chỉ có các tài sản sức mạnh trên không và trên biển được trang bị từ năm 1976, do đó không đủ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia ở Trường Sa và thể hiện sức mạnh răn đe quân sự. Ông khẳng định cho đến khi Tổng thống Benigno Aquino III quyết định hiện đại hóa quân đội, bất đồng trên biển không thúc đẩy hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

 Theo Businessmirror (ngày 12/3)

Mỹ Anh (gt)