Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam và xây dựng các đảo nhân tạo ngoài khơi Philippines đã cho thấy chính sách của Mỹ rõ ràng không cản được tham vọng vẽ lại ranh giới địa lý Châu Á của Bắc Kinh. Kiềm chế chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc là một nhiệm vụ không dễ dàng, và chính quyền Obama đã đạt được những thành công nhất định với việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á và tăng cường sự tham gia trong các cơ chế đa phương tại Châu Á. Tuy nhiên, ngay trong mùa hè này, Washington có thể thực hiện thêm các biện pháp khác để bảo đảm hiệu quả cho những thay đổi chính sách trong dài hạn này.

Vào tháng 8/2010, trong một hội nghị cấp cao của khu vực tại Hà Nội (ARF 2010), bà Hillary Clinton, người khi đó là Ngoại trưởng Mỹ, đã bày tỏ lo ngại về các hành vi của Trung Quốc và đưa ra lời lẽ đanh thép rằng sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ tại Biển Đông. Các cường quốc trong khu vực sau đó liên tục đưa ra các phát ngôn theo chiều hướng tương tự. Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đáp trả bằng lời cảnh báo rằng “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, và đó là một thực tế.” Thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ là nước nhỏ.

Những gì mà Ngoại trưởng Clinton phát biểu tại ARF 2010 đã trở thành quy chuẩn cho các bài phát biểu sau này của Mỹ, tuy nhiên, chúng ta cũng đã sớm nhận ra rằng sức ép của công luận là không đủ để thay đổi hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Từng bước một, Trung Quốc đang dần sử dụng các công cụ kinh tế, quân sự và ngoại giao để gây sức ép, giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải theo hướng có lợi cho họ. Hầu như tất cả các quốc gia tại Biển Đông đều đang là mục tiêu của sự đe dọa hàng hải do cuộc chơi bá quyền mà Trung Quốc tạo ra.

Câu hỏi cấp bách nhất trong thời điểm hiện tại không phải là xác định tầm nhìn dài hạn của Mỹ tại Biển Đông là gì, mà là Washington có thể làm gì trong thời điểm hiện tại. Mỹ có nhiều cách để đổi mới chính sách của mình, và trong một số vấn đề nhất định, chính quyền Obama đang có những bước đi hiệu quả.

Mục tiêu hàng đầu của Mỹ đó là giúp các quốc gia có chung nhận thức và hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến biển. Việc các quốc gia có nhận thức không đầy đủ về các vấn đề trên biển tại Biển Đông là một nguy cơ chiến lược đang hiển hiện. Nếu các quốc gia trong khu vực không được trang bị đầy đủ kiến thức để giám sát các vùng biển gần, thì hoàn toàn có nguy cơ xảy ra các sự cố, các tính toán sai lầm và các hành động có thể gây leo thang căng thẳng tại khu vực.

Mỹ đang dành sự ưu tiên cho việc xây dựng năng lực trên biển thông qua các chương trình hợp tác song phương với Philippines và Việt Nam, tuy nhiên chính quyền Obama cũng nên thiết lập một “cơ chế vận hành chung” trên bình diện đa phương dành cho vấn đề Biển Đông để hỗ trợ cho những nỗ lực này. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tại Singapore đã đưa ra sự ủng hộ cho ý tưởng trên và thúc giục Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đưa ý tưởng này thành hiện thực. Lầu Năm Góc nên đẩy nhanh quá trình giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc thiết lập một cơ chế như vậy, cụ thể đó là vấn đề kinh phí, dự trù những sự cố có thể xảy ra và chia sẻ thông tin tình báo.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ vẫn tỏ ra chậm chạp trong một số vấn đề. Chính quyền Obama vẫn quá tập trung vào xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN. Đúng là Mỹ nên tiếp tục ủng hộ quá trình đề ra các nguyên tắc dành cho xử lý tranh chấp và giải quyết khủng hoảng, tuy nhiên khả năng thiết lập được một thỏa thuận có hiệu quả, có thể thực thi gần như là con số 0. Trong bối cảnh này, các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nên tỉnh táo thay đổi chính sách, chú trọng vào thúc đẩy việc “sớm đạt được” những yếu tố nền tảng của bộ quy tắc ứng xử, những nguyên tắc chắc chắn sẽ được sự ủng hộ rộng rãi và có thể được áp dụng ngay lập tức.

Nhà Trắng cũng cần phải sẵn sàng đối mặt trực tiếp các hành động của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng. Mỹ nên bắt đầu với vụ việc tại Bãi cạn Scarborough, khu vực mà Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền và Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng vào tháng 4/2012. Các quan chức của chính quyền Obama đã nhiều lần nói rằng Mỹ có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và bảo đảm hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại Biển Đông. Hành động của Trung Quốc tại Bãi cạn Scarborugh đã vi phạm tất cả các nguyên tắc trên.

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao tại thời điểm đó nhằm thuyết phục Trung Quốc rút các tàu của họ tại Bãi cạn Scarborough, cuối cùng chính quyền Obama đã phải chấp nhận hành vi mang tính cưỡng ép này của Trung Quốc. Nhận thấy việc không phải mất quá nhiều trong vụ việc tại Bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã tiếp tục các hành động sai trái của mình, áp dụng “mô hình Scarborough” vào những khu vực khác tại Biển Đông.

Mỹ cần sửa đổi chính sách của mình và thể hiện rõ rằng họ sẽ không chấp nhận sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc tại Bãi cạn Scarborough. Để làm được điều này, Mỹ cần yêu cầu Trung Quốc phải rút hết các tàu tại đây, cùng với đó, Mỹ nên chia sẻ thông tin từ vệ tinh và các thiết bị do thám về sự chiếm đóng của Trung Quốc với giới truyền thông và các chính phủ khác tại khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng nên cử lực lượng hải quân đi thực hiện các hoạt động để duy trì tự-do-hàng-hải tại Bãi cạn Scarborough. Một chính sách tương tự có thể được áp dụng tại các khu vực khác mà Trung Quốc đang gây khó dễ cho các nước láng giềng của họ.

Chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc chưa hẳn đã thành công tại Biển Đông. Tuy nhiên, để ngăn chặn chính sách này, Mỹ sẽ cần phải làm nhiều hơn chứ không chỉ thực hiện các chính sách một cách thiếu tỉnh táo và hy vọng rằng khu vực sẽ đoàn kết và chống lại Trung Quốc. Sự lãnh đạo của Mỹ là vô cùng cần thiết. Nếu Mỹ chọn cách đáp trả lại Trung Quốc, sẽ không thiếu phương án để Mỹ thể hiện sự quyết đoán của mình.

Ông Ely Ratner là thành viên cao cấp, Phó Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ.

Theo The Wall Street Journal

Thu Trang (dịch)