(Bài chỉ mang tính chất nghiên cứu, một số ý kiến chúng tôi không tán thành! )

 

Cục diện Biển Đông ngày càng phức tạp

 

Theo một số tờ báo Trung Quốc, cục diện vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp. Một số quốc gia tranh chấp đang gấp rút tiến hành “khai thác trộm” tài nguyên ở Biển Đông, song song đó là việc không ngừng trang bị, hiện đại hóa hải quân, có ý đồ quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Đặc biệt là phải hết sức cảnh giác với Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có yêu sách đối kháng lớn nhất đối với Trung Quốc, hơn nữa đang giữ vị trí Chủ tịch ASEAN 2010. Do đó, lợi dụng thời cơ, Việt Nam đã sử dụng ASEAN như một công cụ nhằm:

 

-                           + Lôi kéo ASEAN hình thành cục diện 10 đấu 1 nhằm gây áp lực trong vấn đề đàm phán với Trung Quốc

-                            + Thông qua ASEAN, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

 

Bên cạnh đó, Mỹ đã công khai ý đồ can dự Biển Đông thông qua sự giúp đỡ của Singapore, Philippine tăng cường sự hiện diện tại đây; có kế hoạch quay trở lại Vịnh Cam Ranh để tiến sát vùng biển gần của Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ đã lợi dụng mâu thuẫn trong tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan để ly gián Trung Quốc với các nước này. Tất cả đều khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp. Do đó, chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác’ mà phía Trung Quốc đưa ra sẽ thất bại, và như vậy Trung Quốc không tìm được con đường thích hợp để giải quyết vấn đề. Để giải quyết khó khăn trong vấn đề Biển Đông cần có những tư duy và biện pháp mới, nhất là cần phải thực hiện bằng các hành động cụ thể.

 

Chiến lược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

 

Vấn đề Biển Đông đang trở thành thách thức kép đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng của Trung Quốc, cần phải có những hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này.

 

Thứ nhất: cần phải xây dựng chiến lược khai thác Biển Đông, tạo mọi điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp trong nược làm ăn tại đây. Kiên quyết đấu tranh mọi với mọi hành vi “bất hợp pháp” trong việc khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản trong khu vực thuộc vùng biển chủ quyền của Trung Quốc. Đồng thời, cũng cần tiến hành các hoạt động chống xua đuổi, bắt giữ, bảo đảm an toàn cho tầu cá tác nghiệp của Trung Quốc. Việc Ngư chính Trung Quốc ngày 1/4 tổ chức 2 tầu lớn bảo vệ tầu cá Trung Quốc ở Trường Sa đã mở ra một trang mới trong việc chấp pháp biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Hoạt động này cần tiếp tục duy trì và tiến hành liên tục trên toàn vùng biển, hơn nữa cần có sự đột phá về tổ chức lực lượng chấp pháp, đối tượng và hình thức chấp pháp. Điều quan trọng lúc này là cần phải tăng cường sự hiện diện quân sự tại các bãi đảo ở Trường Sa, tích cực trang bị vũ khí hiện đại cho hải quân nhằm chủ động đấu tranh quân sự để giải quyết căn bản những khó khăn trong vấn đề Biển Đông, vì đừng quá ảo tưởng về khả năng có thể  thu hồi các đảo “bị mất” một cách hòa bình!

 

Điều mà một số nhà phân tích quan tâm là chủ trương giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông của phái cứng rắn trong nội bộ Trng Quốc. Theo một số tờ báo Trung Quốc thì chủ trương của phái này là khi cần thiết có thể sử dụng hành động vũ lực. Tuy nhiên chủ trương này không được lãnh đạo và một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc tán thành. Theo các nhà phân tích thì Trung Quốc sẽ thất bại nếu như hành động quân sự trên Biển Đông. Có nhiều rào cản khiến cho Trung Quốc không thể thực hiện chủ trương hành động quân sự: chính trị, địa lý, quân sự và chiến thuật. Trong đó, rào cản về chính trị là điều mà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhất. Trong các nước tranh chấp với Trung Quốc thì yêu sách của Việt Nam là lớn nhất. Vì vậy, khả năng bùng nổ quân sự chỉ có thể là với Việt Nam khi Trung Quốc tấn công các đảo, bãi mà Việt Nam đang kiểm soát. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, thì hình ảnh “ phát triển hòa bình” mà Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng trong 20 năm sẽ “tan thành mây khói”. Lúc này, cộng đồng quốc tế sẽ cảnh giác và phê phán Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam, đặc biệt là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và phương Tây, thậm chí là chi viện quân sự cho Việt Nam. Lúc này, hàng loạt cac học thuyết chống Trung Quốc sẽ có cơ hội phát triển: “mối đe dọa Trung Quốc” ,  “ ngáo ộp Trung Quốc” , “học thuyết quân sự mới” của Úc ( coi Biển Đông là “biên cương lợi ích” của nước này). Đặc biệt là khi chiến tranh nổ ra, khả năng hình thành  “NATO Biển Đông” rất rõ rệt! Tình hình sẽ vô cùng bất lợi đối với Trung Quốc. Như vậy, khả năng sử dụng hành động vũ lực tại Biển Đông gần như bằng không! Và tất nhiên, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không lựa chọn phương án này!

 

Thứ hai là vấn đề Việt Nam lôi kéo ASEAN. Tại “Diễn đàn khoa học Đông phương” với chủ đề “Vấn đề mới và phương pháp mới của lực học chuyển động trong lĩnh vực hải dương và hàng không” vào tháng 2 tại Thượng Hải, một số học giả kiến nghị : lấy Campuchia và Myanma làm “chốt chặn” ngăn cản ý đồ của Việt Nam. Vì về cơ bản đây là 2 nước không có lợi ích tại Biển Đông. Diễn đàn cho rằng Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong vấn đề lôi kéo ASEAN và sẽ thất bại!

 

Thứ ba là vấn đề Mỹ can dự vào Biển Đông. Các nhà phân tích của Trung Quốc cho rằng, luôn có bóng dáng của Mỹ hoặc đậm hoặc nhạt trong các vấn đề! Do đó, cần phải sử dụng những “quân bài chiến lược” để đối phó với Mỹ. Theo họ, ngoài vấn đề kinh tế mậu dịch song phương với Mỹ, thì những “quân bài chiến lược” mà nước này có thể dùng là vấn đề hạt nhân và chống chủ nghĩa khủng bố. Không ít học giả Trung Quốc nêu rõ Mỹ công khai tuyên bố coi ngăn chặn mở rộng hạt nhân và tấn công chủ nghĩa khủng bố là mục tiêu trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ hiện nay, theo đó yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ. Về phía Trung Quốc, xuất phát từ nguyên tắc trách nhiệm quốc tế, Trung Quốc cũng đã có những nỗ lực trong vấn đề này. Vì thế, Trung Quốc cũng cần yêu cầu Mỹ có những biểu hiện trách nhiệm tương tự. Trung Quốc cần nêu rõ với Mỹ: kết quả Trung Quốc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên có lợi cho Mỹ hơn so với lợi ích mà Mỹ có được từ việc can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Khi cần thiết Trung Quốc có thể đưa ra chủ trương cực đoan: không yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, trái lại Trung Quốc cần giúp đỡ Bắc Triều Tiên thực hiện chương trình phát triển hạt nhân. Trong chừng mực nhất định của bối cảnh hiện nay, đây có thể là sách lược tối ưu để Trung Quốc ngăn chặn Mỹ can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN tại khu vực Biển Đông. 

 

 Văn Cường ( tổng hợp)