images(17).jpg

Giáo sư-Tiến sĩ Miwa Hirono thuộc Trường Quan hệ quốc tế tại Đại học Ritsumeikan gần đây đã công bố một báo cáo mang tên "Tìm hiểu mối liên hệ giữa chính sách đối ngoại của Trung Quốc và hoạt động hỗ trợ nhân đạo" trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm chính sách nhân đạo tại Học viện Phát triển Hải ngoại ở London. Theo báo cáo đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu và sự can thiệp nhân đạo ngày càng tăng của nước này thường dẫn đến những cáo buộc rằng viện trợ và giúp đỡ của Bắc Kinh sẽ được sử dụng như trò ngụy trang hoặc công cụ để mở rộng quyền lực.

Tại Myanmar, Trung Quốc có lúc viện trợ nhân đạo cho người tỵ nạn Kachin, nhưng cũng có lúc lại đẩy họ ra khỏi biên giới. Phản ứng của Bắc Kinh phụ thuộc vào áp lực trong nước cũng như vấn đề an ninh và các mối quan tâm khác. Tuy nhiên, đến nay cách tiếp cận mang tính phản ứng chứ không phải chủ động này không còn là "lựa chọn duy nhất", nhất là khi Bắc Kinh đã tham gia với vai trò trung gian ngoại giao để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề nhân đạo ở Myanmar. Do đó, cách tiếp cận hỗ trợ nhân đạo của Bắc Kinh cũng trở nên đa dạng.

Tương tự như vậy, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Chris Ogden tại khoa An ninh châu Á, Trường Quan hệ quốc tế thuộc Đại học St. Andrews nói rằng, bất kỳ nhà nước nào can thiệp nhân đạo cũng làm như vậy và ở một mức độ nào đó là nhằm đánh bóng hình ảnh quốc gia một cách tự lợi. Ông nhận định: Đối với Trung Quốc việc có một ngoại biên an toàn và ổn định là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Và như vậy, Myanmar thuộc phạm vi này. Các hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc thực tế chỉ là một phần của "danh sách các lựa chọn về các mối quan hệ kinh tế, quân sự và ngoại giao mà Bắc Kinh có với Myanmar".

Ngoại giao ngoại vi

Hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc ở Myanmar là một phần của chiến lược "Ngoại giao ngoại vi". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng ngoại giao ngoại vi đứng thứ hai trong tổng thể đường hướng hoạt động ngoại giao chung của Bắc Kinh theo hướng: Các cường quốc là then chốt; ngoại vi phải được được ưu tiên hàng đầu; các nước đang phát triển làm cơ sở và các tổ chức đa phương như một diễn đàn quan trọng.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Hirono, các nguyên lý của ngoại giao ngoại vi - "mulin, anlin, fulin" (làm cho láng giềng mến mộ, làm cho láng giềng cảm thấy an toàn và giúp nền kinh tế của láng giềng phát triển) đã dẫn dắt và định hình sự can dự của Bắc Kinh đối với Myanmar. Bà nhấn mạnh: "Trung Quốc cần quan tâm khu vực biên giới của mình, chủ yếu là vì các vấn đề an ninh, và Myanmar là một trong những quốc gia quan trọng nhất ở khu vực biên giới của nước này". Tầm quan trọng của Myanmar đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là động lực duy nhất đằng sau các chính sách hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc. Việc xây dựng hình ảnh quốc tế của Trung Quốc như "cường quốc có trách nhiệm" cũng là một động lực quan trọng.

Hòa giải ngoại giao

Ngoài viện trợ, Trung Quốc cũng đã tham gia vào ngoại giao hòa giải để ngăn ngừa hoặc chấm dứt xung đột ở Myanmar từ năm 2015, qua đó tìm cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề nhân đạo. Theo Giáo sư-Tiến sĩ Hirono, các nỗ lực hòa giải của Trung Quốc tại Myanmar "rất được hoan nghênh". Tuy nhiên, vai trò hòa giải của Trung Quốc có những giới hạn đáng kể và chính phủ nước này vẫn chưa phải là "bên tạo ra những đột phá có ý nghĩa". Cho đến nay, Trung Quốc hoàn toàn không có một tác động hữu hình để đạt được lệnh ngừng bắn ngoài việc cố gắng đưa các bên đến bàn đàm phán. Và vì vậy, Giáo sư Hirono cho rằng "những nỗ lực hòa giải của Trung Quốc cần được hoan nghênh và khuyến khích hơn nữa".

Trong khi đó, Tiến sĩ Ogden lại cho rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm khơi dậy và khuyến khích tiến trình hòa bình tự nhiên phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ của Myanmar cùng với các yếu tố bên ngoài nên đó "không phải là tiêu chí duy nhất để thành công hay thất bại". Ông nói: "Rốt cuộc, quyết định của tầng lớp tinh hoa chính trị ở Myanmar mới là quan trọng nhất. Và như vậy, những nỗ lực 'theo kiểu Trung Quốc' - không hung hăng và không ép buộc - sẽ chỉ là 'tù nhân của các yếu tố trong nước".

NGOs của Trung Quốc

Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) của Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều vào việc mở rộng hoạt động nhân đạo ở nước ngoài như trợ giúp những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở Myanmar hồi năm 2014. Bắc Kinh và Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon cũng khuyến khích các công ty trong nước phải "có tinh thần cộng đồng hơn" để đối phó với lũ lụt ở Myanmar vào năm 2015.

Tiến sĩ Ogden cho rằng việc Bắc Kinh viện trợ mà không kèm theo điều kiện cải cách được coi là một phần việc thể hiện "sự rộng lượng". Ông nhấn mạnh: "Quan điểm của Trung Quốc ít mang tính ý thức hệ hơn và ít cưỡng chế hơn nhiều quốc gia bên ngoài (như Anh và Mỹ) - những nước khi tiến hành viện trợ luôn yêu cầu nước tiếp nhận thực hiện những nhượng bộ kèm theo trong cải cách chính trị hay hành chính.

Theo “Myanmar Times

Hùng Sơn (gt)